Khởi nghiệp từ cây bản địa quý
![]() |
Chị Nguyễn Thị Kim Dung giới thiệu sản phẩm sâm Nam núi Dành. |
Chị Dung sinh ra và lớn lên ở xã Hợp Đức (Tân Yên). Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên (năm 2011) chị về làm cán bộ khuyến nông tại xã Liên Chung. Quá trình công tác và làm dâu tại đây, chị nhận thấy cây sâm Nam phân bố ở khu vực ven sườn núi Dành của xã là loại dược liệu quý, có nhiều công dụng nhưng chưa được chú trọng và phát triển tương xứng với tiềm năng. Từ đó, chị nung nấu ý tưởng phải làm một việc gì đó để bảo tồn, nhân giống, mở rộng diện tích trồng, đưa loài cây này trở thành cây xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho người dân.
Năm 2019, Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Bắc Giang về địa phương nghiên cứu, chọn tạo cây đầu dòng sâm Nam núi Dành để nhân giống. Cơ duyên đã đến, cuối năm 2020, chị Dung đã quy tụ các hộ trồng sâm trên địa bàn xã, thành lập HTX Sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành với 17 thành viên, diện tích trồng ban đầu 4,5 ha. Chị Dung chia sẻ: “Tôi thành lập HTX để liên kết, cùng nhau sản xuất cây sâm theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường. Qua đó, quảng bá, giới thiệu và tạo ra nhiều sản phẩm từ sâm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế từ giống cây bản địa này. Đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương”.
Khi mới thành lập HTX gặp nhiều khó khăn, bởi thiếu vốn và máy móc sản xuất. Sản phẩm của HTX phải cạnh tranh với các sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường như: Sâm Ngọc Linh, sâm Hàn Quốc. Ban đầu, các thành viên e ngại, lo lắng về tương lai của cây sâm Nam, nhất là đầu ra, nên chưa mạnh dạn đầu tư.
Với kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, chị Dung đã vận động các thành viên khắc phục khó khăn, mở rộng diện tích trồng sâm. Cùng đó, chị thường xuyên tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ, các cuộc hội thảo, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm do huyện, tỉnh tổ chức.
Năm 2021, HTX thu hoạch vụ hoa sâm đầu tiên. Khi ấy, giá bán bình quân đạt 1 triệu đồng/kg hoa khô. Nhìn thấy nguồn thu, các thành viên tin tưởng vào hướng đi của HTX và tiếp tục mở rộng diện tích trồng, đầu tư máy móc hiện đại để phục vụ chế biến các sản phẩm từ sâm.
“Tôi thành lập HTX để liên kết, cùng nhau sản xuất cây sâm theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường. Qua đó, quảng bá, giới thiệu và tạo ra nhiều sản phẩm từ sâm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế từ cây bản địa này. Đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương”. Chị Nguyễn Thị Kim Dung. |
Hiện nay, HTX có thị trường ổn định với nhiều sản phẩm đạt chất lượng như: Nụ hoa sâm Nam núi Dành (sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao năm 2022); củ sâm tươi (trên 5 năm tuổi), sản phẩm bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đạt chứng nhận VietGAP; củ sâm khô; củ sâm ngâm mật ong; củ sâm ngâm rượu... HTX đã mở rộng diện tích lên 20 ha; đồng thời, liên kết với các hộ có diện tích trồng sâm trên địa bàn xã, nâng tổng diện tích lên 45 ha. Để bớt công chăm sóc, chị Dung cho lắp đặt hệ thống tưới nước sạch phun sương tự động cho các diện tích sâm của HTX.
Theo chị Dung, sâm Nam núi Dành trồng sau một năm bắt đầu ra hoa. Hoa thường trổ bông từ tháng 8 đến giữa tháng 10. Bình quân 1 ha sâm cho thu khoảng 1,5 tạ hoa khô/năm, trị giá 150 triệu đồng. Sau 5 năm trồng sẽ cho thu hoạch củ sâm. Thu nhập từ củ sâm từ 4-5 tỷ đồng/ha, trừ chi phí người trồng lãi khoảng 3 tỷ đồng. Ngoài ra, tất cả các bộ phận thân, rễ, lá của cây sâm cũng đều được sử dụng.
Ngoài chú trọng phát triển củ sâm tươi và các sản phẩm từ sâm, đầu năm 2021, chị Dung thực hiện mô hình nuôi gà thảo dược, bằng cách trộn lá, thân sâm băm nhỏ vào cám chăn nuôi cho gà ăn. Dùng nước ép từ thân, lá, rễ cây sâm cho gà uống để phòng, trừ bệnh. Ngay lứa đầu thử nghiệm, mô hình đã thành công, đàn gà kháng bệnh tốt, khỏe mạnh, chất lượng thịt thơm, ngon; giá bán sản phẩm cao hơn thị trường từ 10-20 nghìn đồng/kg.
Chị Dung đã giới thiệu mô hình chăn nuôi này tới các thành viên trong HTX và một số hộ dân ở địa phương. Ngoài ra, còn liên kết với 3 hộ dân ở xã Hợp Đức và xã Phúc Hòa (cùng huyện Tân Yên) mở rộng quy mô chăn nuôi lên gần 10 nghìn con. Chị Dung đảm nhận lo thức ăn cho đàn gà, phụ trách kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho các hộ.
Từ mô hình đầu tiên của chị Dung, đến nay trên địa bàn huyện Tân Yên đã có nhiều hộ áp dụng nuôi gà bằng thảo dược thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm gà nuôi bằng thảo dược của Tân Yên được nhiều người biết đến. “Dự kiến dịp Tết Nguyên đán tới, HTX sẽ xuất bán ra thị trường khoảng 10 nghìn con gà thương phẩm nuôi bằng dược liệu”, chị Dung nói.
![]() |
Mô hình nuôi gà bằng thảo dược tại HTX Sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung. |
Nhờ mạnh dạn thực hiện các mô hình sản xuất mới, HTX Sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động với các công việc chăm sóc, thu hái hoa, đóng gói sản phẩm từ cây sâm. Đặc biệt, vào vụ thu hoạch hoa sâm, HTX sử dụng tới 100 lao động thời vụ (thời gian từ 1,5-2 tháng); người lao động có thu nhập từ 250 - 300 nghìn đồng/người/ngày.
Đến nay, nhiều người dân trong tỉnh, cũng như ở các địa phương khác như: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn... đã tìm đến mua giống sâm Nam núi Dành của HTX về canh tác. Với niềm đam mê, quyết tâm vượt khó làm giàu từ giống cây quý bản địa, chị Dung và các thành viên bản địa đã nhân giống thành công sâm Nam núi Dành, tạo thị trường ổn định cho các sản phẩm từ cây sâm, góp phần đưa sâm Nam núi Dành trở thành sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, niềm tự hào của người dân Tân Yên và tỉnh Bắc Giang.
Được biết, tại cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa" năm 2023 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức vừa qua, dự án “Khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và thương mại hóa các sản phẩm từ sâm Nam núi Dành tỉnh Bắc Giang” do chị Nguyễn Thị Kim Dung là đại diện đã được cấp Chứng nhận Đạt giải Nhất cấp vùng khu vực miền Bắc và đạt giải Nhì chung kết toàn quốc cuộc thi này. Với những mô hình mang lại giá trị cả về kinh tế, tinh thần cho người dân bản địa, năm 2023, chị Dung được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Bài, ảnh: Dương Đại Tiến
Ý kiến bạn đọc (0)