Công tác hòa giải ở Tân Yên: Vun đắp tình làng, nghĩa xóm
Các thành viên tổ hòa giải ở tổ dân phố Hoàng Hoa Thám, thị trấn Cao Thượng trao đổi công việc. |
Lồng ghép phổ biến giáo dục pháp luật
Hơn 20 năm qua, ông Nguyễn Văn Công, công chức Tư pháp-Hộ tịch ở UBND thị trấn Cao Thượng đã tham gia giải quyết nhiều vụ việc mâu thuẫn, giúp hàn gắn tình cảm gia đình. Mới đây, ông trực tiếp cùng tổ hòa giải khu Đồi Đỏ giải quyết thành công vụ việc tranh chấp quyền thừa kế giữa các con trong gia đình ông Nguyễn Văn T với người vợ thứ hai. Do chưa nắm rõ các quy định về quyền thừa kế nên sau khi ông T mất, đôi bên đã xảy ra tranh chấp đất ở của gia đình. Lời qua tiếng lại, thậm chí các con ông T còn có ý định gửi đơn kiện.
Nhận thông tin, ông Công và các thành viên trong tổ hòa giải của thôn đã đến tận gia đình khuyên nhủ, phân tích đúng sai dựa trên các căn cứ, quy định của pháp luật. Sau khi hiểu rõ vấn đề, hai bên đã làm hòa, không kiện cáo.
Ở tổ dân phố Hoàng Hoa Thám, thị trấn Cao Thượng có hơn 100 hộ dân, phần lớn kinh doanh thương mại. Ông Nguyễn Văn Thắng, Tổ trưởng tổ hòa giải phố Hoàng Hoa Thám cho biết: Bám sát đặc thù địa bàn, tổ hòa giải tích cực tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo đảm hành lang an toàn giao thông, vận động bà con ứng xử có văn hóa trong việc mua, bán. Gần đây, tổ giải quyết thành công vụ việc giữa bà Bùi Thị H với chị Hoàng Thị S. Do gia đình chị S làm nhà để rơi vãi vật liệu vào lối đi nhà bà H nên hai bên lời qua tiếng lại. Các thành viên tìm hiểu nguyên nhân rồi mời hai gia đình đến nói chuyện. Sau đó, hai bên đã có sự cảm thông, xóa bỏ mâu thuẫn.
Năm 2017, tỷ lệ hòa giải thành của thị trấn Cao Thượng đạt hơn 85%, trên địa bàn không có các vụ khiếu kiện phức tạp. Ba tháng một lần, 13 tổ hòa giải gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm. Đầu năm 2018, thị trấn đã chỉ đạo các thôn, khu phố triển khai đăng ký tỷ lệ hòa giải và cam kết không có đơn thư vượt cấp.
Quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ
Toàn huyện Tân Yên hiện có 367 tổ và hơn 2.600 hòa giải viên, hầu hết đang đảm nhận các chức vụ ở thôn như: Bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận và một số chi hội, đoàn thể. Mỗi năm, đội ngũ này giải quyết thành công khoảng 200 vụ việc, đạt tỷ lệ 82%. Nội dung chủ yếu về chế độ chính sách, tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình, mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt... Xác định vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, nhiều năm qua, UBND huyện quan tâm chỉ đạo phổ biến giáo dục pháp luật, kiện toàn các tổ hòa giải. Năm 2017, 24/24 xã, thị trấn dự trù kinh phí hơn 278 triệu đồng để chi cho công tác này. Phòng Tư pháp huyện mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao năng lực cho hòa giải viên. Ngoài ra, tại các xã, thị trấn đều trang bị tủ sách pháp luật với hơn 300 đầu sách. Nhiều thôn được luân chuyển đầu sách pháp luật về nhà văn hóa để phục vụ nhu cầu đọc, tìm hiểu kiến thức của người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện Tân Yên: Dù hòa giải cơ sở là công việc không quá phức tạp nhưng lại có vai trò quan trọng, góp phần giải quyết kịp thời, tại chỗ những vi phạm pháp luật, tranh chấp không lớn trong nội bộ quần chúng nhân dân. Qua đó ngăn ngừa phát sinh các loại tội phạm hình sự, tranh chấp về dân sự và các vi phạm pháp luật khác, hạn chế đơn thư khiếu kiện của người dân.
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động này còn gặp khó khăn, do một số địa phương cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm. Các thành viên của tổ hòa giải chủ yếu làm kiêm nhiệm. Để hoạt động có hiệu quả, năm 2018, huyện Tân Yên tiếp tục chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền tăng cường vai trò lãnh đạo đối với công tác hòa giải cơ sở, đồng thời yêu cầu các xã, thị trấn quan tâm dành nguồn kinh phí hợp lý, ổn định. Phòng Tư pháp duy trì tốt việc tập huấn, thường xuyên rà soát, kiện toàn lại các tổ nếu có biến động. Kịp thời động viên, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích.
Tuệ An
Ý kiến bạn đọc (0)