Chị Nhài giỏi làm VAC
Gia đình chị Nhài vốn chỉ làm ruộng, hoàn cảnh kinh tế eo hẹp. Năm 2016, sau khi tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt do Hội Nông dân huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện tổ chức, chị Nhài nuôi chí làm giàu, quyết tâm chuyển đổi sản xuất với mô hình VAC.
Chị Nguyễn Thị Nhài (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc dưa bao tử. |
Chị Nhài nói: “Thời điểm đó, khó khăn nhất là vốn, vợ chồng tôi vay mượn hơn 200 triệu đồng của người thân, họ hàng để phát triển mô hình kinh tế. Từ số vốn đó, chúng tôi đào ao thả cá, cải tạo đất để trồng giống bưởi đào đường và trồng một số loại cây ngắn ngày”.
Hiện nay, mô hình VAC của gia đình chị có tổng diện tích hơn 1 ha. Trong đó có 200 cây bưởi đào; mỗi năm thu một vụ hơn chục nghìn quả. Ao cá rộng hơn 3 nghìn m2 được gia đình chị Nhài nuôi cá rô phi, chép, trắm, trôi; 6 tháng xuất bán một lứa. Ngoài ra, chị Nhài nuôi thêm 2 con bò, 2 con lợn giống, trồng dưa bao tử, dưa chuột, ngô ngọt trên 1 nghìn m2 đất ruộng.
Nhờ các buổi chuyển giao kỹ thuật, chị biết cách ủ dịch đạm bằng cá để bón cho cây trồng. Chị cho biết, hầu hết các loại cây trong vườn đều được canh tác theo hướng sạch, hạn chế đến mức thấp nhất phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nhằm bảo đảm sức khỏe của người tiêu dùng và thân thiện với môi trường.
Các sản phẩm từ trang trại của gia đình sản xuất đến đâu đều được các thương lái đến tận nơi thu mua. Từ mô hình kinh tế VAC tổng hợp, trung bình mỗi năm chị Nhài thu lãi gần 300 triệu đồng. Những kinh nghiệm quý báu, đúc rút từ thực tiễn sản xuất, chị sẵn sàng chia sẻ với hội viên phụ nữ trong chi hội để cùng nhau phát triển kinh tế.
Theo bà Phạm Ánh Hồng, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Cao Thượng, chủ trương của huyện là phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Thực hiện nhiệm vụ này, Hội LHPN thị trấn đã lựa chọn những hội viên tiêu biểu để ứng dụng chuyển đổi số, nỗ lực đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử của huyện. Chị Nhài là một trong những cá nhân được chọn để triển khai mô hình. Hiện chị đã nắm được cách thức đăng nhập sàn thương mại điện tử và sử dụng một số tiện ích đi kèm để quảng bá sản phẩm.
Để tăng hiệu quả mô hình kinh tế của gia đình, chị cho biết sẽ tiếp tục học hỏi, áp dụng kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Cùng đó nghiên cứu mô hình truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu nông sản để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm.
Bài, ảnh: Thu Thủy
Ý kiến bạn đọc (0)