Sơn Động: Nhiều giải pháp nâng chất lượng nguồn nhân lực
BẮC GIANG - Xác định chất lượng nguồn nhân lực là "chìa khóa" để giảm nghèo bền vững, huyện Sơn Động đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng chất lượng nguồn nhân lực, giúp người lao động có việc làm, thu nhập ổn định.
Dạy nghề theo nhu cầu
Hơn một tháng qua, ông Trần Văn Tiến, thôn Thia Tu Nim thường xuyên đến nhà văn hóa thôn học lớp sửa chữa điện dân dụng do Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện tổ chức. Ông Tiến chia sẻ, những năm gần đây chất lượng đời sống ngày càng cải thiện, gia đình sử dụng nhiều thiết bị điện phục vụ sinh hoạt và lao động sản xuất. Vì vậy, ông đăng ký tham gia lớp học để có kiến thức, biết cách sử dụng thiết bị điện sao cho an toàn, hiệu quả.
Lớp học có 30 học viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Dưới sự hướng dẫn tận tình của giáo viên, trong thời gian 3 tháng, học viên được học kiến thức cơ bản về an toàn điện; phương pháp sửa chữa, lắp đặt điện sinh hoạt cơ bản gồm: Đấu, nối bảng điện và dây dẫn, ổ cắm; sửa chữa ấm đun nước siêu tốc, nồi cơm điện, quạt, bóng đèn… Các thao tác mới đầu còn lóng ngóng chưa quen nhưng chỉ sau vài lần tháo lắp theo nguyên lý vận hành, nhiều học viên vui mừng khi biết sửa chữa thiết bị điện trong gia đình.
Xã Lệ Viễn có gần 1 nghìn hộ với hơn 4,1 nghìn nhân khẩu. Để tạo nguồn thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững, thời gian qua, UBND xã giao các tổ chức đoàn thể: Hội nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên khảo sát nhu cầu học nghề; phối hợp với các cơ sở dạy nghề tổ chức tuyển sinh, mở các lớp đào tạo nghề cho đoàn viên, học viên. Với lợi thế có lực lượng hội viên đông, năm nay, Hội Nông dân xã được giao chỉ tiêu mở 5 lớp dạy nghề. Ông Lý Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lệ Viễn chia sẻ, đến tháng 11 năm nay, các lớp cơ bản hoàn thành chương trình giảng dạy; nâng tỷ lệ hội viên nông dân trong xã được đào tạo nghề chiếm hơn 70%.
Không chỉ đơn thuần trang bị kiến thức, qua các lớp đào tạo nghề còn giúp người dân nông thôn từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang mô hình kinh tế hàng hóa. Xã đã thành lập 2 tổ hội nghề nghiệp sản xuất ong mật thương phẩm. Tại các thôn có nhiều hội viên mạnh dạn mở rộng mô hình trồng rừng, cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao.
Lớp đào tạo nghề sửa chữa điện dân dụng cho người lao động tại thôn Thia Tu Nim, xã Lệ Viễn. |
Tăng cường hợp tác trong đào tạo nghề
Thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 74,5%. Huyện phấn đấu đến hết năm 2025 tiếp tục nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%; lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 45%. Có từ 40% trở lên học sinh tốt nghiệp THCS (đối với các xã, thị trấn có điều kiện KT- XH đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%) tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 45% học sinh tốt nghiệp THPT (đối với các xã, thị trấn có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 40%) tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.
Nhiều lao động nông thôn trên địa bàn huyện Sơn Động có việc làm, thu nhập ổn định sau khi học nghề. |
Theo bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, để đạt mục tiêu trên, UBND huyện đề ra một số nhóm giải pháp chủ yếu để tập trung chỉ đạo, thực hiện. Trọng tâm là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân về vai trò quan trọng của công tác giáo dục nghề nghiệp đối với sự phát triển KT- XH, tạo nguồn thu nhập ổn định và giảm nghèo bền vững.
Tăng cường công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT. Triển khai đầy đủ, đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho người lao động từ các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định. Đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động thông qua các hình thức hỗ trợ phù hợp; ưu tiên đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên xung phong, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế. Chú trọng các ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo về nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có thế mạnh của huyện, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm sau đào tạo. Cùng đó, huyện quan tâm phát triển giáo dục nghề nghiệp ở nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.
Nông dân xã Giáo Liêm tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn quả. |
Trên địa bàn huyện có nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả như: Công ty 45- Chi nhánh Tổng công ty Đông Bắc; Công ty Nhiệt điện Sơn Động; Công ty cổ phần May Sơn Động; Công ty cổ phần Dịch vụ Tây Yên Tử; Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động... Huyện tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo tổ chức liên kết, hợp tác về đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho các đơn vị.
Cùng với trang bị kiến thức nghề nghiệp sẽ quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật, kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng số cho người học. Thường xuyên cập nhật, đào tạo lại cho lực lượng lao động nhằm nâng cao khả năng thích ứng với thời kỳ đổi mới mạnh mẽ về công nghệ, phát triển kinh tế số. Phối hợp với các sở, ngành của tỉnh hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, gắn kết cung - cầu lao động, tạo việc làm cho lao động sau khi học nghề.
Ý kiến bạn đọc (0)