Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở vùng cao
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Động thăm mô hình trồng nấm linh chi tại gia đình anh Nguyễn Văn Thành, thôn Đồng Dương, xã An Lạc. Ảnh: Xuân Thỏa |
Những mô hình điểm
Trên mảnh đất khoảng 4 nghìn m2 nằm ven suối ở thôn Biểng, xã An Lạc gần đây xuất hiện một vườn mai vàng Yên Tử đang ra lộc non. Điều khiến nhiều người thích thú là vườn được quy hoạch, xây dựng khoa học, hàng lối thẳng tắp, có camera giám sát 24/24 giờ, hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng gốc qua điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh.
Chị Hoàng Thị Ninh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện trao đổi với chúng tôi, xuất phát từ ý tưởng của lãnh đạo huyện về bảo tồn nguồn gien quí cũng như tạo dấu ấn tại Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, chị mạnh dạn đề xuất xây dựng mô hình trồng và nhân giống mai vàng Tây Yên Tử áp dụng công nghệ cao.
Để thực hiện, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa cây cảnh (thuộc Viện Nghiên cứu rau quả T.Ư) nghiên cứu, khảo sát và triển khai tại thôn Biểng. Tổng kinh phí thực hiện mô hình hơn 500 triệu đồng, số cây đã trồng bén rễ nhanh, sức sống khỏe, hứa hẹn sẽ sớm khoe sắc ở những điểm đến nổi tiếng của huyện, mang đến một sản phẩm du lịch và nông nghiệp hàng hóa mới cho địa phương.
Đến thăm trang trại đầu tiên của Việt Nam hoàn thành quy trình nuôi tắc kè miền Bắc quý hiếm của anh Ngọc Văn Viên (SN 1989), ở thôn Thượng, xã Long Sơn mới hiểu vì sao anh được các chủ trang trại khác gọi là “vua” tắc kè. Những dãy chuồng nuôi dế và tắc kè được thiết kế hợp lý, liên hoàn, tạo thành quy trình khép kín. Dế được chăm từ lúc mới nở đến khi trưởng thành để bán ra thị trường làm sản phẩm hàng hóa và một phần trở thành thức ăn “siêu sạch”, giàu dinh dưỡng cho tắc kè. Anh Viên cho biết, sau khi rời quân ngũ, từ hơn 10 triệu đồng, anh tìm mua 140 con tắc kè về nuôi nhưng do thiếu kinh nghiệm nên mua phải giống tắc kè miền Nam.
Đây là loại có giá trị dược liệu thấp, không phù hợp với khí hậu miền Bắc. Sau hơn ba tháng, toàn bộ số tắc kè này bị chết do mắc nhiều bệnh. Tuy vậy, anh vẫn quyết tâm theo đuổi hướng đi này. Kết hợp giữa mua giống và khai thác nguồn tắc kè tự nhiên tại chỗ, anh dần gây dựng được trang trại có quy mô như hiện nay. Trang trại thường nuôi hơn 5 nghìn con, gồm tắc kè bố mẹ, giống và thương phẩm. Trung bình mỗi năm, anh bán hơn 1,5 nghìn con, thu khoảng 500 triệu đồng, chưa kể nguồn thu từ nuôi dế.
Đến nay, nghề nuôi tắc kè đã được nhân rộng không chỉ trong huyện Sơn Động mà còn ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, giúp bà con có thêm nguồn thu từ chăn nuôi. Giấc mơ của chàng trai trẻ sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi, hình thành chuỗi liên kết, chế biến, tiêu thụ, từ bán tắc kè giống, tắc kè thương phẩm cùng các sản phẩm rượu tắc kè, cao tắc kè… mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao hơn.
Anh Ngọc Văn Viên (thứ hai từ phải sang) giới thiệu tắc kè thương phẩm. |
Nâng cao giá trị cây, con bản địa
Đồng chí Hoàng Mi Ca, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao, xây dựng mô hình sản xuất tiên tiến được huyện xác định là giải pháp quan trọng cho phát triển nông nghiệp bền vững. Các mô hình sản xuất NNCNC, thâm canh áp dụng quy trình, công nghệ tiên tiến như: Trồng rau an toàn, nấm dược liệu trong rừng, nuôi những loài đặc sản của địa phương... được quan tâm đầu tư, hỗ trợ. Những mô hình có hiệu quả được khuyến khích nhân rộng mang đến nhận thức, suy nghĩ, cách làm nông nghiệp mới cho bà con nông dân.
Đồng thời, huyện quan tâm chỉ đạo tập trung phát triển kinh tế rừng, vườn, đồi, trang trại; chú trọng phát triển cây bản địa, cây dược liệu. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, diện tích cây bản địa, cây dược liệu toàn huyện đạt 187,5 ha, trong đó cây bản địa 147,5 ha, cây dược liệu 40 ha. Huyện cũng tăng cường chỉ đạo vận động thành lập mới các mô hình tổ chức sản xuất, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; quan tâm phát huy lợi thế, phát triển chăn nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương và nhu cầu thị trường.
Được biết, gần đây Huyện ủy Sơn Động đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp trên địa bàn với mục tiêu đầu tư, hỗ trợ, định hướng sản xuất, tạo ra sản phẩm chăn nuôi mang nét đặc trưng riêng để tiến tới xây dựng thương hiệu hàng hóa như: Dê, gà, thỏ, tắc kè...
Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)