Xuân này, vui hội hát Sloonghao
Các đại biểu dự hội hát tại Lục Ngạn. |
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch với chủ đề "Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử" do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức có ý nghĩa thiết thực quảng bá, bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Lục Ngạn. Về dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh; Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, huyện Lục Ngạn.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Lục Ngạn trao cờ lưu niệm cho các tập thể, cá nhân tham gia hội hát. |
Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu xuân, buổi giao lưu dân ca các dân tộc xã Tân Sơn thu hút hàng nghìn người dân đến cổ vũ. Buổi giao lưu có sự góp mặt của 19 thôn bản, cơ quan, trường học và CLB dân ca dân tộc Nùng của xã tham gia trình diễn 20 tiết mục văn nghệ đặc sắc của dân tộc mình.
Nhiều làn điệu dân ca say đắm được cất lên giữa đất trời vùng cao Tân Sơn như làm cho mùa xuân nơi đây thêm sôi động, đầm ấm, vui tươi. Trong các làn điệu dân ca được biểu diễn, nổi bật là điệu Sloonghao tình tứ của các cặp đôi đồng bào dân tộc Nùng, là nét văn hóa lâu đời trên vùng cao Lục Ngạn tại phiên chợ tình đầu xuân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn, lãnh đạo huyện Lục Ngạn giao lưu với đồng bào dân tộc tại hội hát. |
Không chỉ có làn điệu Sloonghao say đắm lòng người, hát cồ lầu cũng được nhiều khán giả đón nhận. Là xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Lục Ngạn, Tân Sơn có 14 thôn, hơn 70% là đồng bào dân tộc Nùng.
Ngược thời gian cách đây hơn trăm năm đã có phiên chợ tình Thác Lười mang nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Nùng nơi đây. Chợ họp một lần duy nhất trong năm vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm. Khác với các phiên chợ ngày thường, trong phiên chợ tình Thác Lười, người dân đến đây không phải chỉ để mua sắm, trao đổi hàng hóa mà mọi người đi chợ còn để ai chưa có gia đình thì hát những bài Sloonghao để tỏ tình, hát để tìm người yêu. Với những người đã có gia đình, họ hát cùng người tình cũ để nhớ lại kỷ niệm một thuở yêu nhau.
Những làn điệu Sloonghao mượt mà, đằm thắm của các dân tộc nơi đây là cội nguồn truyền thống văn hóa đặc sắc của vùng quê Lục Ngạn. Phiên chợ tình Tân Sơn không chỉ dành cho các đôi nam nữ hát đối đáp để tìm người yêu mà còn để những người yêu nhau nhưng không đến được với nhau ôn lại kỷ niệm xưa. Điều đặc biệt của phiên chợ là những người đã có gia đình có thể hát, ngồi tâm tình trò chuyện với người yêu cũ của mình. Những lời trách hờn, những kỷ niệm xưa cũ và cả những tiếc nuối khi còn yêu nhau có thể bộc lộ qua những câu hát mà không ai bị ngăn cấm, ghen tuông.
Đồng bào Nùng huyện Lục Ngạn giao lưu trong ngày hội. |
Cả vợ, chồng đều có thể đi hát như vậy. Họ tôn trọng nhau, tôn trọng những điều riêng tư của nhau. Nhưng họ không vì người tình xưa mà phá hỏng hạnh phúc của gia đình hiện tại, đó là giá trị nhân văn vô cùng cao đẹp còn lưu giữ đến ngày nay.
Chen giữa dòng người trong đêm hội, ông Lăng Quốc Kỳ, dân tộc Nùng ở thôn Bắc Hoa, hiện là Phó Chủ nhiệm CLB hát dân ca dân tộc Nùng xã Tân Sơn và các bạn hát đến từ xã lân cận đang giao lưu với nhau bằng những làn điệu Sloonghao cổ. Điệu Sloonghao ngân nga xua tan đi cái giá lạnh của miền sơn cước. Ngưng đáp từ các bạn hát, ông Kỳ tâm sự: "Tôi biết hát Soong hao từ khi còn rất trẻ, trong những lần đi theo các anh, chị trong bản đi hát hội đầu xuân; những làn điệu dân ca của dân tộc cứ thế bền chặt trong đời sống sinh hoạt của người Nùng chúng tôi…". Và rồi, với tình yêu làn điệu Sloonghao của dân tộc, người Nùng thường rủ nhau đi hát giao duyên trong những ngày xuân và đầu năm mới hay vào những phiên chợ Thác Lười từ 11 đến 14 tháng Giêng hằng năm và có khi kéo dài đến tận tháng Hai âm lịch và cứ như thế dần dần trở thành hội hát từ khi nào không hay.
"Ngày nay, việc đi hát tự do từ bản này đến bản khác không còn nữa mà thay vào đó, các cấp chính quyền địa phương đã tổ chức thành ngày hội, chúng tôi rất phấn khởi, vì không chỉ được giao lưu, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Nùng xã Tân Sơn nói riêng, các xã vùng cao nói chung mà còn là dịp để khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cho thế hệ mai sau. Cùng với trang phục, tiếng nói, điệu Sloonghao giao duyên tình tứ đã thực sự làm cho đời sống văn hóa tinh thần của người Nùng thêm phong phú", ông Kỳ nói.
Bằng tình yêu thiết tha với văn hóa dân tộc, ông Kỳ và một số người yêu mến Sloonghao đã thành lập CLB hát dân ca dân tộc Nùng để cùng nhau gìn giữ và phát triển vốn văn hóa cổ của dân tộc mình. Trước đây, làn điệu Sloonghao được hát quanh năm, đặc biệt vào mùa xuân, trai gái thường rủ nhau ra chợ hát giao duyên để tìm người yêu. Cuộc hát có thể kéo dài cả ngày lẫn đêm, có khi nhiều nhóm còn ngủ cả trong rừng, bờ suối để hát. Nhiều đôi đã thành vợ chồng sau những cuộc hát kéo dài ấy. Còn đối với những người đã quen nhau trong hội hát, họ gặp lại nhau, hát để hỏi thăm sức khỏe, gia đình và kể cho nhau nghe về những dự định sắp tới. Kết thúc buổi hát ai cũng lưu luyến, không muốn chia tay. Họ hẹn nhau vào ngày này mùa xuân năm sau sẽ gặp lại.
Đồng bào dân tộc xã Tân Sơn xuống chợ. |
Theo ông Vi Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn, việc tổ chức hội hát Sloonghao và phiên chợ xuân vùng cao nhằm duy trì, phát huy nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong xã, đặc biệt là tục hát Sloonghao của đồng bào Nùng trong phiên chợ Thác Lười. Các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, thông qua giao lưu nghệ thuật giữa các dân tộc trong xã; giao lưu hát dân ca giữa các CLB trong và ngoài huyện tạo không gian văn hóa và môi trường diễn xướng độc đáo cho làn điệu Sloonghao của đồng bào Nùng trong ngày hội.
Đặc biệt, ngày hội hát Sloonghao và phiên chợ xuân vùng cao Tân Sơn năm nay được tổ chức cũng là một trong những hoạt động văn hóa ý nghĩa của huyện Lục Ngạn hưởng ứng Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Giang với chủ đề “Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử” và hội xuân năm 2019. Do vậy, hội hát năm nay hứa hẹn có nhiều nội dung hấp dẫn du khách về với vùng cao Tân Sơn để thưởng thức những làn điệu Sloonghao ngọt ngào, tình tứ và được trải nghiệm trong không gian văn hóa của một phiên chợ xuân vùng cao đậm đà bản sắc dân tộc.
Đức Thọ - Nguyễn Đoàn - Hải Yến
Ý kiến bạn đọc (0)