Vải thiều chính vụ - Thời vụ dài hơn, đạt mức giá kỷ lục
Thu mua vải thiều tại điểm cân xã Hồng Giang (Lục Ngạn). |
Vải "theo chuỗi" giá cao
Vườn vải chính vụ của gia đình ông Nguyễn Văn Quyên, thôn Kép 1, xã Hồng Giang đang cho thu hoạch rộ, với hơn 1 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng đạt hơn 16 tấn, doanh thu ước tính hơn 800 triệu đồng. Đưa khách thăm một vòng vườn quả, ông chia sẻ, thời tiết bất lợi nhưng tỷ lệ ra hoa, đậu quả vẫn đạt gần như 100%. Nhờ được chăm sóc tốt, đúng quy trình nên quả to, đều, mẫu mã đẹp. Ngay từ đầu vụ, một số hợp tác xã, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu vải thiều đã liên hệ, đặt mua vải của gia đình với giá bán cao hơn thị trường cùng thời điểm khoảng 10 nghìn đồng/kg. Dù có sản lượng lớn nhưng năm nay ông Quyên không lo về đầu ra. Hiện giá bán tại vườn khoảng 70 nghìn đồng/kg. Đây là mức giá kỷ lục cho vải thiều trong nhiều năm qua.
Có mặt tại ngã ba Kép, xã Hồng Giang, chúng tôi ghi nhận hàng chục container đang tập kết, chờ vận chuyển quả vải đến nơi tiêu thụ. Ở các điểm cân, người mua, bán tấp nập nhưng không có cảnh cò kè, lựa chọn người bán, điểm mua gây tắc đường như những năm trước. Anh Nguyễn Đức Nam, chủ một điểm cân, cho biết, mỗi ngày anh thu mua hơn 20 tấn vải xuất sang Trung Quốc, hiện giá mua quả loại 1 bình quân ở mức 60 nghìn đồng/kg. Năm nay, bạn hàng Trung Quốc còn cử người sang chọn mẫu, cùng tham gia nên việc mua bán diễn ra thuận lợi, giá cao. Nhiều thời điểm, để bảo đảm đủ số lượng, chất lượng cho lô hàng xuất khẩu, thương nhân Trung Quốc còn vào tận vườn thu mua cho người dân. "Ngoài chăm sóc đúng quy trình, thời điểm thu hái vải thiều cũng tác động không nhỏ đến chất lượng, mẫu mã, giá bán sản phẩm. Để phục vụ xuất khẩu, bà con nên thu hái từ 4 giờ sáng, kết thúc trước 9 giờ cùng ngày để các điểm cân đóng gói, vận chuyển trong đêm đến nơi tiêu thụ sẽ giúp quả luôn tươi ngon, được mã, giá bán cao", ông Bùi Đức Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Giang khuyến cáo.
Khác với những diện tích vải VietGAP, GlobalGAP được chăm sóc đúng quy trình, bảo đảm chất lượng, thị trường vải thiều năm nay cũng phân khúc rõ rệt khi nhiều diện tích không được người dân chăm sóc tốt khiến quả nhỏ, chất lượng kém, vỏ bị chàm, xấu, giá bán dao động từ 20 đến 30 nghìn đồng/kg. Thậm chí có loại quá xấu chỉ bán được với giá từ 10 đến 15 nghìn đồng. Tuy vậy, nhiều người trồng vải cho biết, ở mức giá này vẫn có lãi. Nhìn chung, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP có liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị được giá cao hơn, diễn ra thuận lợi. Cùng đó, các tổ công tác liên ngành của huyện Lục Ngạn tích cực kiểm tra, cân đối chứng tại những điểm thu mua và chưa phát hiện trường hợp vi phạm; việc trừ lùi đầu cân cũng được chấn chỉnh, có sự thỏa thuận trước giữa người mua và bán.
Dịch vụ phụ trợ ổn định
Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), đến ngày 27-6, toàn tỉnh đã thu hoạch, tiêu thụ khoảng 53 nghìn tấn vải thiều. Thị trường tiêu thụ quả vải khá sôi động, trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính với khoảng 14 nghìn tấn được tiêu thụ. Ngoài ra, thị trường trong nước cũng được chú trọng, tiêu thụ hơn 38 nghìn tấn. |
Đến nay, vải chính vụ đang thu hoạch rộ. Các dịch vụ phụ trợ không có nhiều biến động. Nguyên nhân do sản lượng quả giảm, trong khi công suất các cơ sở đá cây, thùng xốp lớn, lại có sự chuẩn bị từ trước nên nguồn hàng dồi dào. Thậm chí nhiều cơ sở đã ngừng sản xuất hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Khảo sát ở một số địa điểm cho thấy, giá bán thùng xốp đang ở mức 30 nghìn đồng/chiếc; đá cây 25 nghìn đồng/cây, giảm từ 2 - 3 nghìn đồng so với đầu vụ. Theo bà Trần Thị Ngân, chủ cơ sở sản xuất đá cây tại thôn Hựu, xã Trù Hựu, tuy đang là thời điểm chính vụ vải thiều thu hoạch nhưng sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc không cao, đá cây tiêu thụ không nhiều như những năm trước. Cơ sở có công suất hơn 2 nghìn cây/ngày nhưng hiện chỉ duy trì 1/4 số máy vẫn cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Cùng đó, lượng thùng xốp tiêu thụ chậm, một số DN đã ngừng sản xuất để giải phóng lượng hàng tồn kho. Cũng do vải thiều mất mùa nên không có tình trạng các đại lý, DN "đẩy" giá một số mặt hàng phụ trợ lên cao.
Năm nay, Công ty TNHH thương mại Hùng Thảo (Lục Ngạn) chủ động liên kết với các hộ sản xuất, có phương án dự phòng nguồn đá cây, thùng xốp đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc, cung cấp cho hệ thống siêu thị Big C nên dự kiến tiêu thụ khoảng 300 tấn vải thiều chính vụ, cao hơn gấp đôi so với vụ trước. Tuy nhiên vụ này, giá bán quả vải cao khiến việc xuất khẩu sang một số thị trường cao cấp (Mỹ, EU, Úc...) gặp không ít khó khăn. Ông Lê Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, năm nay nhu cầu chiếu xạ vải thiều xuất khẩu giảm mạnh. Ghi nhận của Trung tâm cho thấy, đến nay mới có hai lô hàng sản lượng 15 tấn vải xuất khẩu sang Úc. Theo phản ánh của các DN, nguyên nhân là do giá thu mua vải cao, thị trường trong nước ổn định nên ít DN đăng ký chiếu xạ để xuất khẩu.
Đánh giá về tình hình thu hoạch, tiêu thụ vải thiều, ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn khẳng định, huyện tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho thương nhân, DN đến thu mua, tiêu thụ vải thiều, bảo đảm an ninh trật tự. Lãnh đạo huyện, các ngành chức năng thường xuyên đi cơ sở kiểm tra, uốn nắn tình trạng vi phạm trong thu mua, tiêu thụ vải thiều để nâng giá trị, bù vào sản lượng giảm. Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã phát huy hiệu quả, được khẳng định qua thực tiễn, huyện sẽ tập trung chỉ đạo mở rộng trong những vụ sau.
Bảo Khánh - Văn Thương
Ý kiến bạn đọc (0)