Lục Ngạn: Khẩn trương chăm sóc, khôi phục vùng cây ăn quả sau lũ
BẮC GIANG - Lục Ngạn là vùng sản xuất cây ăn quả trọng điểm tại miền Bắc, bão số 3 và đợt mưa lũ vừa qua khiến nhiều nhà vườn bị thiệt hại nặng. Diện tích lớn cam, bưởi, táo đang ra quả, thậm chí sắp được thu hoạch đã bị gãy đổ, ngập nước, rụng quả. Để sớm khắc phục thiệt hại, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân đang tập trung thực hiện các biện pháp bảo vệ, chăm sóc cây trồng.
Mưa bão đã khiến cho nhiều vườn cây ăn quả tại Lục Ngạn trở nên xơ xác. Tìm hiểu thực tế tại nhiều vườn táo, cam, bưởi trên địa bàn các xã: Quý Sơn, Nam Dương, Thanh Hải, Hồng Giang, Giáp Sơn… đều có chung trình trạng gãy, đổ, bùn đất bám kín, lá bị vàng, quả rụng hoặc nứt… Nhiều cây trong số đó đang có dấu hiệu chết héo.
Ông Từ Văn Sảng, xã Quý Sơn dựng lại những cây cam bị đổ sau bão. |
Gia đình ông Từ Văn Sảng ở thôn Trại Ba, xã Quý Sơn vụ này trồng hơn 1 ha cam ngọt và cam lòng vàng. Mặc dù có kinh nghiệm hơn chục năm trồng cam nhưng lần này ông cũng bất lực nhìn cam rụng xanh gốc, gia đình xác định gần như mất trắng vụ cam này bởi toàn bộ số cây trong vườn bị ngập nước, gãy, đổ, nhiều cây đang có nguy cơ bị chết héo. “Tôi đang cho dựng lại những cây bị đổ, thu dọn quả rụng và nhanh chóng bơm nước rửa lớp bùn bám trên cây với hy vọng cứu vãn được phần nào hay phần đó. Tuy nhiên, cam là loài cây rất khó chăm sóc, nếu bị ngập nước sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bộ rễ nên nhiều khả năng tôi sẽ phải phá đi trồng lại”, ông Sảng nói.
Cũng bị thiệt hại lớn trong trận bão vừa qua, gia đình anh Thân Văn Thơ, thôn Nam Điện, xã Nam Dương có gần 1 ha bưởi sắp cho thu hoạch, ước tính số bưởi bị rụng khoảng 10 nghìn quả. Bão đi qua, anh nhanh chóng cho thu dọn quả rụng, cành cây bị đổ, gãy, khơi thông rãnh nước và tập trung chăm sóc cây với mong muốn sẽ cho sai quả vào vụ sau. Bên cạnh đó, anh chú trọng chăm sóc vườn táo hơn 300 cây để bán vào dịp cuối năm, bù đắp cho những thiệt hại từ bưởi.
Gia đình bà Tô Thị Sinh ở tổ dân phố Mới, thị trấn Chũ bị ngập 6 sào táo. Do nước rút chậm nên toàn bộ số cây trong vườn chết khô, mất nhiều công vệ sinh ruộng vườn. “Năm ngoái vườn táo cho thu nhập gần 80 triệu đồng, nếu không bị ngập dự kiến năm nay sẽ cao hơn. Hiện tôi đang chờ đất khô hẳn sẽ thu dọn cây chết, múc hết gốc cây cũ để trồng thay thế loạt cây mới”, bà Sinh chia sẻ.
Trong đợt bão lũ vừa qua, huyện Lục Ngạn có hơn 7,6 nghìn ha cây ăn quả bị thiệt hại. Trong đó, riêng diện tích cam, bưởi, táo là hơn 5,4 nghìn ha, còn lại là các cây trồng khác như táo, ổi, na, nhãn, chuối, vải thiều. Nhiều người dân lo lắng sau khi lũ rút, nắng lên, cây ăn quả bắt đầu có hiện tượng rụng quả, vàng lá, nguy cơ bị chết héo. |
Theo thống kê sơ bộ, trong đợt bão lũ vừa qua, huyện Lục Ngạn có hơn 7,6 nghìn ha cây ăn quả bị thiệt hại nặng nề. Trong đó, riêng diện tích cam, bưởi, táo là hơn 5,4 nghìn ha, còn lại là các cây trồng khác như táo, ổi, na, nhãn, chuối, vải thiều... Người dân lo lắng, sau khi lũ rút, nắng lên, cây ăn quả bắt đầu có hiện tượng rụng quả, vàng lá, héo úa, nguy cơ chết héo.
Để kịp thời khắc phục thiệt hại sau mưa lụt và ngăn chặn sự lây lan của các đối tượng dịch hại trên cây ăn quả, cơ quan chuyên môn của huyện đã tổ chức các đợt tuyên truyền, hướng dẫn biện pháp canh tác phù hợp đối với từng loại cây ăn quả. Bên cạnh đó, UBND huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo phòng chức năng, chính quyền các xã, thị trấn tổ chức các đoàn đi rà soát, thống kê thiệt hại để làm cơ sở đề xuất các biện pháp hỗ trợ theo đúng quy định, bảo đảm tính chính xác, khách quan.
Cơ quan chuyên môn của địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân tích cực chăm sóc, bảo vệ cây trồng; thu gom số lượng cam bị rụng tại vườn không để nấm bệnh phát triển. Ông Trần Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện khuyến cáo, với những diện tích bị ngập úng, người dân cần thực hiện ngay một số biện pháp như: Nước rút đến đâu tiến hành rửa sạch lá, thân cây đến đó, dọn dẹp các cành, quả bị giập vỡ, gãy, rụng. Chú ý khơi thông rãnh thoát nước, không để nước đọng trong vườn và xung quanh gốc gây úng cục bộ.
Hạn chế đi lại trong vườn tránh đất bị lèn chặt, gây thiếu oxy cho rễ cây. Dựng lại những cây bị đổ, nghiêng, cắm cọc giữ cây, hạn chế làm đứt rễ. Bà con quan tâm cắt bỏ những cành bị gãy, tỉa bớt cành, lá để tập trung dinh dưỡng nuôi cây. Khi đất đã ráo, trời tạnh mưa tiến hành xới phá váng trên bề mặt tạo độ thông thoáng cho đất.
Đối với vườn cây đang đậu quả non, cây đang nuôi quả tiến hành phun bổ sung phân bón vi lượng, trung lượng như: Fe, Bo, Ca, Zn…, tránh hiện tượng nứt, rụng quả. Đối với các vườn bị long gốc tiến hành vun gốc, sau đó tưới thuốc trị nấm hoặc các chế phẩm kháng nấm giúp cây phục hồi nhanh. Khi bộ rễ cây đã phục hồi thì bón phân hữu cơ kết hợp với phân khoáng, phun phân bón lá.
Sử dụng chế phẩm Trichoderma kết hợp với các dòng thuốc trừ nấm, bệnh pha tưới xung quanh rễ cây để kích thích rễ phát triển, giúp cây khỏe mạnh, sinh trưởng tốt. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu, bệnh, đặc biệt là sự bùng phát của sâu, bệnh hại như: Vàng lá thối rễ, sương mai, loét sẹo… để phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Khi cây bắt đầu phục hồi cần ủ gốc bằng rơm rạ mục hoặc vật liệu che phủ, tưới đủ ẩm trong những ngày nắng nóng, hanh khô, giúp cây không bị mất nước. Đối với cây bị hại nặng, toàn bộ lá đã rụng, cành bị khô nên đào bỏ cây đem tiêu hủy, xử lý đất và trồng lại.
Ý kiến bạn đọc (0)