Đưa mỳ Chũ về phố biển
Nguyễn Văn Quyền và kho hàng mỳ Chũ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Kỷ niệm đong đầy
Năm 2006, anh Nguyễn Văn Quyền (SN 1986) vào tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sinh sống. Xa quê hương, chàng trai mang nặng nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ nghề truyền thống đã gắn bó với tuổi thơ và nuôi anh lớn lên -làng nghề mỳ Chũ. Đặc sản mỳ Chũ khi nấu không nát, ăn có vị đậm đà, dẻo dai. Quyền còn nhớ rất rõ từng công đoạn thủ công để sản xuất ra những sợi mỳ dẻo dai, thơm ngon. Hàng ngày, mọi người trong gia đình cùng tất bật làm mỳ từ sáng sớm. Tất cả các công đoạn chọn gạo, ngâm gạo, xay bột, tráng bánh, xoa bánh cho đến nhìn thời tiết để phơi bánh sao cho đúng nhiệt độ… đều được làm thủ công đòi hỏi người thợ phải có sự tỉ mỉ, chuyên cần.
Trong các công đoạn ấy, Quyền thích nhất là công đoạn xếp hai lớp bánh với nhau sau khi bánh đã được phơi một nắng, ủ trong ba tiếng rồi được xoa một lớp nước và dầu ăn. Dưới đôi tay của Quyền, hai lớp bánh được xếp cẩn thận, so le một khoảng cách đều nhau rồi đưa ra máy thái. Vào ngày nắng ráo, đám trẻ con trong làng chạy ngược xuôi, vui vẻ chơi đùa dưới những phên bánh được đan bằng tre, nứa. Từ những lò làm bánh quanh năm đỏ lửa, cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá.
Quyền nhớ mãi những đêm thức trắng cùng mẹ xay bột. Khi ấy còn chưa có sự hỗ trợ của máy móc, tất cả những mẻ bột đều được gia đình anh xay tay bằng chiếc cối đá. “Có những lúc phải xay nhiều bột tôi đau nhức hết hai bả vai. Tuy mệt nhưng rất vui vì nghề truyền thống đã dạy cho tôi đức tính cần cù vượt khó, sự tỉ mỉ, khéo léo, kiên trì không chỉ trong làm nghề mà còn cả trong cuộc sống sau này” - Nguyễn Văn Quyền chia sẻ.
Lập nghiệp với mỳ Chũ
Những ngày đầu ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, Quyền may mắn nhận được sự giúp đỡ của những người đồng hương ở đây về chỗ ở, làm quen với đường xá, địa bàn dân cư cũng như những phong tục, nếp sống của người địa phương.
Nhận thấy huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), nơi mình sinh sống có nhiều khu công nghiệp, lượng tiêu thụ quần áo của người dân và công nhân tương đối lớn, Quyền quyết định khởi nghiệp theo hướng đi này. Chiếc xe máy cũ kỹ được người đồng hương cho mượn đã cùng Quyền rong ruổi khắp các công ty, xí nghiệp để bán hàng. Dần dà, Quyền tích lũy được một số vốn và phát triển việc kinh doanh quần áo tại một ki- ốt trong chợ.
Để tạo ra những sợi mì vừa dai, vừa thơm người thợ làm bánh phải qua nhiều công đoạn hết sức công phu. |
Nhờ sự nhạy bén, Quyền tiếp tục tìm hướng đi mới trong lĩnh vực thiết bị kỹ thuật số, điện thoại di động. Sau hai năm vừa kinh doanh quần áo vừa tranh thủ đi học thêm, năm 2009, Quyền thành lập Công ty mang tên Thiết bị số. Cũng trong năm này, chàng trai trẻ nhận thấy đặc sản mỳ Chũ ở tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu còn rất ít nên quyết định dùng toàn bộ số vốn tích cóp được để thu mua mỳ của gia đình mình và các hộ làm nghề ở quê nhà đưa vào tiêu thụ.
Dù chỉ là công việc tay trái nhưng Nguyễn Văn Quyền rất đam mê và dành phần nhiều thời gian cho việc kinh doanh mỳ Chũ. “Có những lúc do mải mê đi giao mỳ cho khắp các cửa hàng tạp hóa lớn, nhỏ, quán ăn, nhà hàng mà tôi bỏ cả việc sửa điện thoại cho khách”- anh Quyền vui vẻ nói.
Việc tiêu thụ mỳ Chũ ở Bà Rịa-Vũng Tàu không dễ dàng và thuận lợi như Quyền từng tính toán. Là tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, người tiêu dùng tại đây có thói quen sử dụng các mặt hàng truyền thống như mỳ khô, hủ tiếu. Những ngày đầu đi tiếp thị, giao hàng, Quyền khá vất vả, có khi chở hàng đi rồi lại ngậm ngùi chở về. Không nản chí, anh tiếp tục kiên trì thuyết phục các cửa hàng, nhà hàng, quán ăn lấy hàng, thậm chí phần nhiều sản phẩm Quyền phải ký gửi và chấp nhận không thu hồi lại vốn ngay.
Sự cố gắng của Quyền đã được đền đáp khi món ăn mới lạ mang tên mỳ Chũ đã được nhiều người tiêu dùng nơi đây biết đến. Đến nay, sản phẩm được Quyền phân phối sỉ, lẻ ở nhiều cửa hàng thuộc thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và một số địa phương khác: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… với sức tiêu thụ gần 1 tấn mỳ/tháng.
Quyền cho biết về dự định của mình: "Thời gian tới, tôi sẽ xây dựng một cơ sở sản xuất mỳ Chũ, đồng thời đẩy mạnh kinh doanh đặc sản này qua những cửa hàng, đại lý phân phối nhằm mang nét đặc trưng về ẩm thực của quê hương Bắc Giang đến với nhiều người hơn nữa. Biết là sẽ gặp khó khăn nhưng thật may mắn khi tôi nhận được sự đồng tình ủng hộ của bạn bè, người thân và bà con nơi đây nên chắc chắc sẽ thành công".
Quà quê mỳ Chũ với chàng trai Nguyễn Văn Quyền giờ đây không chỉ dừng lại ở việc kinh doanh mà nó còn là một cách thể hiện tình yêu với quê hương của một người trẻ xa quê, thắm đượm nghĩa tình.
Mạnh Thắng
Ý kiến bạn đọc (0)