Đoàn kết, phát huy nội lực để phát triển
BẮC GIANG - Với tinh thần đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao, 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn đã hăng hái thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Lục Ngạn lần thứ III (năm 2019). Ở các vùng đồng bào DTTS, đời sống vật chất, tinh thần của người dân có nhiều chuyển biến tích cực.
Chất lượng cuộc sống được cải thiện
Lục Ngạn là huyện miền núi có dân số đông với hơn 25 vạn người, trong đó đồng bào DTTS chiếm 51,7% tổng số dân, sinh sống đan xen ở 322 thôn, khu phố và tập trung thành cộng đồng tại các xã vùng cao, cách xa trung tâm huyện.
Đồng bào các DTTS huyện Lục Ngạn. |
Với tinh thần đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao, sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư và các nhiệm vụ trọng tâm đề ra tại Đại hội lần thứ III và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách của T.Ư, của tỉnh và nguồn lực của địa phương, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc ngày càng phát triển, khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố vững chắc; nhiều chỉ tiêu phát triển KT - XH đạt và vượt so với mục tiêu Đại hội lần thứ III đề ra.
Bà Vi Thị Anh Thùy, Trưởng Phòng Dân tộc huyện nhấn mạnh, trong bức tranh tổng thể KT - XH của vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhiều vấn đề cấp thiết của người dân nêu tại Đại hội trước đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm giải quyết. Toàn huyện đã đầu tư hơn 150 công trình hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa thôn, trạm y tế, kênh mương nội đồng, chợ với tổng kinh phí 235 tỷ đồng. Ngoài ra còn có hàng nghìn hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán được hưởng chính sách.
Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế từ các chương trình mục tiêu quốc gia đã phát huy vai trò trợ lực, tạo đòn bẩy thúc đẩy mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Diện mạo nông thôn mới trên địa bàn có nhiều khởi sắc; là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh với số lượng 52 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Đây là thành quả rất đáng tự hào của người dân vùng đồng bào DTTS cần cù, lao động sáng tạo, đoàn kết, chủ động vượt khó vươn lên trong bối cảnh tình hình KT-XH còn nhiều khó khăn, thách thức.
Qua triển khai các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình, tấm gương sáng trong thực hiện và vận động người thân, gia đình, cộng đồng chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điển hình như ông Mạc Văn Đậu, dân tộc Nùng, thôn Quán Cà (xã Biên Sơn); ông Thăng Văn Báo dân tộc Sán Dìu, thôn Muối (xã Giáp Sơn); ông Chu Văn Giáp, dân tộc Sán Dìu (xã Tân Mộc). Cùng đó là hơn 200 người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Họ thực sự là những hạt nhân tiêu biểu, kết nối chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền với đồng bào, góp sức bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở.
Chú trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
Đạt những thành tựu trên trước hết là do huyện quán triệt sâu sắc quan điểm công tác dân tộc của Đảng, Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc. Triển khai đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về công tác dân tộc, chính sách dân tộc thông qua nhân rộng các mô hình dân vận khéo, truyền thông giảm nghèo thông tin; giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể; vai trò của lực lượng cốt cán, trưởng dòng họ, người có uy tín để thường xuyên đưa các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đến đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa.
Một góc xã nông thôn mới Tân Lập. |
Quan tâm giải quyết kịp thời nhu cầu thiết yếu, tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế… vùng đồng bào DTTS và miền núi. Quá trình triển khai luôn quan tâm xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc vững chắc theo nguyên tắc “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đặc biệt coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS. Có cơ chế, chính sách để thu hút cán bộ người DTTS có trình độ, năng lực về địa phương công tác. Quan tâm xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín, lực lượng cốt cán, trưởng dòng họ trong cộng đồng DTTS.
Số hộ nghèo trên địa bàn huyện Lục Ngạn trong nhiệm kỳ giảm 3,28% (từ 3.378 hộ năm 2019 giảm xuống còn 2.005 hộ năm 2023). |
Phát huy truyền thống và những kết quả đạt được, giai đoạn 2024-2029, huyện thống nhất đề ra nhiều giải pháp trọng tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS, nâng cao thu nhập bình quân đầu người/năm là 75 triệu đồng; tỷ lệ lao động trong độ tuổi là người DTTS qua bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo đạt trên 75%. Từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế vùng DTTS của huyện.
Đồng chí Chu Văn Trọng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho hay, để đạt mục tiêu trên, địa phương xác định một số giải pháp chủ yếu như: Tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc, đặc biệt là 3 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, xây dựng nông thôn mới.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và vững chắc, kết nối giao thoa liên vùng, tạo động lực cho sự phát triển nhanh của huyện nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng. Tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thiết yếu hồ, đập, kênh mương thủy lợi; đường liên thôn, nội thôn, nội đồng; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa - khu thể thao… phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào các DTTS. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, phát triển cây trồng, vật nuôi bản địa, có sản phẩm hàng hóa chất lượng để phát triển du lịch cộng đồng nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, đồng thời coi đây là động lực thúc đẩy mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, cấp ủy, chính quyền địa phương đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Tổ chức khen thưởng, biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình, tạo sức lan tỏa trong các phong trào thi đua.
Ý kiến bạn đọc (0)