Nữ giám đốc 8X và ước mơ đưa mật ong rừng xuất ngoại
Vũ Thị Thảo (bên phải) nhận Giải thưởng Thương hiệu thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2017" tại Hà Nội. |
Bài học trả phí tiền tỷ
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kỹ thuật Khách sạn và Du lịch (Hải Dương), Thảo khăn gói lên thị trấn SaPa lập nghiệp với công việc lễ tân kiêm hướng dẫn viên du lịch. Những tưởng môi trường làm việc năng động, công việc ổn định, thu nhập khá sẽ giữ chân cô gái trẻ với thị trấn mù sương nhưng qua một số người bạn ở Trung Quốc, Thảo nhận thấy thị trường nước bạn nhu cầu sử dụng nông sản Việt Nam rất lớn. “Trăn trở rất nhiều và dù biết phía trước sẽ có nhiều chông gai nhưng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ”, Thảo quả quyết.
Sau khi chuyển nghề, Thảo tự mình thuê ô tô, tổ chức thu gom rau củ từ những bản làng xa xôi ở Lào Cai và một số tỉnh miền núi phía Bắc rồi vận chuyển sang Trung Quốc bán. Mua tận gốc nên mỗi chuyến hàng mang về lợi nhuận lớn. Sau ba năm làm công việc mới, tài khoản của Thảo đã lên tới cả tỷ đồng. Một phần lợi nhuận Thảo giúp bố mẹ xây sửa nhà ở, phần còn lại tiếp tục đầu tư kinh doanh. Cuối năm 2013, do thiếu kỹ năng trong quản lý, hoạt động kinh doanh của Thảo bị đình trệ, lỗ gần chục tỷ đồng. Không những mất hoàn toàn số tiền lãi bấy lâu tích cóp, Thảo còn gánh thêm món nợ hơn 2 tỷ đồng khiến bản thân và gia đình mất ăn mất ngủ. Sau lần thất bại với học phí quá đắt, Thảo rút ra bài học kinh nghiệm đó là đầu tư theo cách “cất trứng ở nhiều giỏ”, không dốc vốn vào một việc để tránh rủi ro, bảo đảm an toàn tài sản. Sau này, Thảo chuyển sang lĩnh vực kinh doanh sản phẩm thời trang, từng bước hoàn trả nợ và bước đầu có lãi.
Mở lối cho sản vật quê hương
Tuổi thơ của Vũ Thị Thảo gắn liền với những tháng ngày theo bố mẹ vào rừng lấy mật ong rồi buôn bán ở các chợ vùng cao. Thời gian gần đây, mật ong ở các xã Vô Tranh, Trường Sơn, Bình Sơn (Lục Nam) và nhiều địa phương khác trong tỉnh dồi dào nhưng các hộ dân trong vùng chủ yếu sơ chế thủ công và bán cho các tiểu thương với giá rẻ. Cho đến cuối năm 2016, Thảo mới nuôi ý tưởng hình thành vùng sản xuất lớn và Công ty TNHH Mật ong Tân Kéo ra đời do chị làm Giám đốc.
Sản phẩm mật ong Tân Kéo. |
Sản phẩm mật ong rừng đặc sánh, óng vàng được nhân viên đóng vào chai thủy tinh gắn nhãn mác có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ngoài phân phối trong tỉnh, năm nay sản phẩm của Công ty đã có mặt ở thị trường Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Lào Cai. Hiện cô gái trẻ có gần 1 nghìn đàn ong lấy mật. Ngoài hơn 10 ha rừng của gia đình, Thảo thuê thêm của bà con xung quanh gần 10 ha nữa làm nơi trú ngụ cho đàn ong. Ước tính, năm nay sản lượng mật do Công ty sản xuất, thu mua, phân phối ra thị trường gần 20 tấn.
Tháng Ba vừa qua, Công ty TNHH Mật ong Tân Kéo được Câu lạc bộ Doanh nhân Việt Nam trao tặng thương hiệu “Sản phẩm dịch vụ chất lượng cao ASEAN 2018”. Cùng thời gian này, Thảo có chuyến làm việc tại Singapore bởi một số đối tác đã ký hợp đồng đặt mua sản phẩm mật ong rừng của Công ty. Để đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng quốc tế, chị vừa đầu tư dây chuyền thiết bị chiết mật, đóng bình theo quy trình công nghệ khép kín, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Dự kiến tháng 5 này, Công ty sẽ xuất khẩu chuyến hàng đầu tiên sang Singapore.
Ngoài dốc sức cho công việc kinh doanh, hiện nữ giám đốc còn là hội viên tích cực của một nhóm thiện nguyện ở Lục Nam. Thảo không ngần ngại bỏ tiền ủng hộ rồi cùng bạn bè đến những miền xa xôi trong và ngoài tỉnh, đến các hộ nghèo, neo đơn, hoàn cảnh khó khăn để trao tiền, hiện vật hỗ trợ. Thảo luôn tự nhủ, cuộc sống chỉ thực sự ý nghĩa khi có ước mơ, làm điều mình muốn và luôn san sẻ, yêu thương, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn.
Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)