Lục Nam: Đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư
Mấy năm gần đây, khi nhắc đến huyện Lục Nam, nhiều người nghĩ ngay đến vùng đất đang có sự chuyển mình trong thu hút đầu tư phát triển KT-XH. Huyện có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, với hai quốc lộ 37, 31 cùng đường sông, đường sắt. Trong tương lai không xa, Lục Nam có tuyến đường vành đai 5 (Hà Nội) chạy qua, kết nối với nhiều vùng kinh tế trọng điểm của đất nước như Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng và Thủ đô Hà Nội.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của huyện Lục Nam. |
Để khai thác hết tiềm năng lợi thế, phục vụ phát triển KT-XH của địa phương, Huyện ủy, UBND huyện đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thu hút đầu tư. Phương châm chung là không bỏ mặc nhà đầu tư hay khoán trắng cho một vài cơ quan chuyên môn mà phải huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đồng hành với nhà đầu tư ngay từ khi tiếp cận địa bàn đến quá trình triển khai dự án.
Đồng chí Nguyễn Đăng Vinh, Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện cho biết: “Các khâu, các bước từ khảo sát đến chấp thuận đầu tư thì ở địa phương nào cũng giống nhau, song đối với Lục Nam còn có việc gắn rõ trách nhiệm đến từng cá nhân, đơn vị, đồng hành cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án”.
Theo đồng chí Vinh, ngay khi các nhà đầu tư có nhu cầu về huyện tìm kiếm cơ hội, khảo sát những vị trí để thực hiện dự án, UBND huyện đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, bố trí cán bộ chuyên môn giới thiệu, tư vấn, giúp nhà đầu tư có đầy đủ thông tin về những thuận lợi, khó khăn khi triển khai dự án trên địa bàn.
Khi dự án được tỉnh chấp thuận đầu tư, huyện tiếp tục tập trung giải phóng mặt bằng (GPMB), với quyết tâm nhà đầu tư sẽ được giao đất, cho thuê đất sớm nhất. Đối với những dự án lớn, UBND huyện thành lập ban chỉ đạo GPMB, phân công trách nhiệm cho từng đồng chí trong Thường trực Huyện ủy, UBND huyện chịu trách nhiệm phụ trách đối với từng dự án; có kiểm điểm tiến độ hằng tuần gắn với thi đua, đánh giá phân loại cuối năm…
Sau khi có mặt bằng sạch, trong quá trình triển khai dự án, các nhà đầu tư tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, bất cập nảy sinh về hệ thống điện, nước, kênh mương thủy lợi và đường giao thông… Khu dân cư mới xã Tam Dị có tổng diện tích 19,48 ha do liên danh Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Duy Anh và Công ty TNHH Đại Hồng Phúc làm chủ đầu tư. Khi triển khai dự án cần di chuyển nhiều ngôi mộ.
Dự án Sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang (thuộc địa bàn ba xã: Chu Điện, Khám Lạng, Yên Sơn, huyện Lục Nam) đang được nhà đầu tư khẩn trương thi công. |
Huyện đã bố trí vốn đầu tư công để quy hoạch, xây dựng mới nghĩa trang ở vị trí phù hợp, được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ; tạo điều kiện GPMB nhanh chóng, giúp nhà đầu tư thuận lợi thi công các hạng mục công trình. Dự án Khu dân cư số 2, xã Bảo Sơn có tổng diện tích 9,96 ha do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng Thiên An làm chủ đầu tư. Trong quá trình triển khai dự án nảy sinh vấn đề chưa có đường điện cao thế đấu nối vào dự án.
Theo đề nghị của chủ đầu tư, UBND huyện đã bố trí khoảng 400 triệu đồng vốn đầu tư công xây dựng đường điện cao thế dài khoảng 400 m đấu nối với trạm biến áp của dự án, bảo đảm cho dự án sớm đưa vào sử dụng. Bà Đào Thị Bích, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng Thiên An cho biết: “Trong quá trình triển khai dự án, tôi thấy các cấp, ngành của huyện Lục Nam luôn quan tâm đồng hành cùng doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp”.
Không chỉ đồng hành với nhà đầu tư, Huyện ủy, UBND huyện Lục Nam còn quan tâm chỉ đạo các cấp chính quyền, cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ cấp huyện đến cơ sở. Đây là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhiệm kỳ 2020- 2025 của Đảng bộ huyện, được cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực.
Kết quả giải quyết TTHC trên cổng dịch vụ công năm 2023 đứng thứ 3 toàn tỉnh; tỷ lệ hồ sơ giải quyết và trả trước hạn, đúng hạn cho người dân đạt 99,03%; TTHC được giải quyết dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần đạt 93,12%, đứng thứ 4 toàn tỉnh. Nhờ đó, nhiều TTHC được giảm bớt; thời gian được rút ngắn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC. Không những vậy, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức đối với công việc của người dân, doanh nghiệp cũng được tận tình, chu đáo hơn; có 6 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn “chính quyền thân thiện”.
Với những biện pháp tích cực trên, kể từ năm 2020 đến nay, toàn huyện Lục Nam đã thu hút được 24 dự án lớn, với tổng vốn đăng ký lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó có một số dự án tiêu biểu như Nhà máy Nhiệt điện An Khánh, Khu công nghiệp Lan Sơn 1, 2; Khu công nghiệp Khám Lạng; Cụm công nghiệp Tiên Hưng; Sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang; Khu công viên sinh thái nghĩa trang Đông Hưng và một loạt các khu đô thị, khu dân cư mới…
Ngoài ra, hàng trăm dự án nhỏ về lĩnh vực thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh cũng được triển khai trên địa bàn huyện. Qua đó đã thúc đẩy KT-XH của huyện phát triển vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Năm 2023, tốc độ tăng giá trị sản xuất của huyện đạt trên 16,2%, cao hơn bình quân chung của tỉnh. Đây là một trong những điều kiện quan trọng góp phần giúp huyện Lục Nam được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Bài, ảnh: Đỗ Thành Nam
Ý kiến bạn đọc (0)