Thiết thực chăm lo đời sống người có công
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, ông Dương Văn Thanh, bệnh binh ở tổ dân phố Quảng Mô, thị trấn Vôi vui mừng kể: "Trước đây, hoàn cảnh gia đình khó khăn, tuổi già sức yếu nên cả gia đình vẫn ở trong ngôi nhà 3 gian, lợp ngói xuống cấp. Cách đây 2 năm, được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng theo chương trình xây nhà ở cho người có công, cộng với sự giúp đỡ của người thân, ủng hộ của các hội, đoàn thể ở địa phương, ngôi nhà một tầng, rộng hơn 100 m2 của gia đình tôi đã hoàn thành.
Ngôi nhà mới của ông Dương Văn Thanh được xây dựng khang trang. |
Được ở trong nhà mới, tôi không còn phải lo lắng mỗi khi trời mưa gió”. Ông Vũ Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vôi thông tin, là địa phương có nhiều người có công nhất huyện, với 337 người. Những năm qua, ngoài việc bảo đảm cấp đúng, đủ chế độ, UBND thị trấn còn giao nhiệm vụ cho cán bộ chuyên môn và các hội, đoàn thể trực tiếp đến động viên, giúp đỡ các gia đình chính sách ở địa phương phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Cũng như ông Thanh, ông Nguyễn Văn Gia, thương binh, bệnh binh ở thôn Vườn, xã Xuân Hương xúc động chia sẻ: “Không chỉ đến dịp lễ 27/7 các gia đình chính sách mới được quan tâm thăm hỏi, đón nhận những phần quà tình nghĩa mà vào các dịp lễ trong năm, chúng tôi đều được chính quyền địa phương quan tâm chu đáo; mọi chế độ, chính sách chính đáng cũng được giải quyết kịp thời, đầy đủ, khiến chúng tôi rất ấm lòng”.
Được biết, với 183 người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng, cùng với việc chăm lo về chế độ, chính sách cho người có công, xã Xuân Hương năm qua còn dành nguồn kinh phí từ ngân sách xã để thực hiện việc tu sửa mộ, trồng thêm cây xanh, lắp hệ thống đèn chiếu sáng nghĩa trang liệt sỹ.
Huyện Lạng Giang có gần 3,6 nghìn người có công với cách mạng. Các hoạt động chăm lo cho người có công được thực hiện thường xuyên dưới nhiều hình thức phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng người và gia đình như: Kịp thời giải quyết chế độ ưu đãi về giáo dục, chi trả chế độ trợ cấp, cấp thẻ bảo hiểm y tế; tặng sổ tiết kiệm, phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng... |
Huyện Lạng Giang hiện có gần 3,6 nghìn người có công với cách mạng. Nâng cao chất lượng đời sống cho đối tượng này, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện đều quan tâm chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các xã, thị trấn tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ.
Các hoạt động chăm lo cho người có công được thực hiện thường xuyên dưới nhiều hình thức phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng người và gia đình như: Kịp thời giải quyết chế độ ưu đãi về giáo dục, chi trả chế độ trợ cấp, cấp thẻ bảo hiểm y tế; tặng sổ tiết kiệm, phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng; công tác điều dưỡng, chăm sóc, phục hồi sức khỏe thường xuyên cho người có công; hỗ trợ xây sửa nhà; tạo điều kiện giúp các hộ người có công khó khăn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế...
Quá trình triển khai, một số nơi có cách làm sáng tạo gây Quỹ đền ơn đáp nghĩa như: Vận động từ nguồn đóng góp của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức; xã gửi thư mời đến các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, con em xa quê thành đạt ủng hộ tiền, quà tặng. Từ nguồn quỹ này đã có thêm kinh phí giúp người có công mua sắm thiết bị, đồ dùng gia đình; hỗ trợ đột xuất khám, chữa bệnh...
Đáng lưu ý, đầu năm nay, qua thống kê hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo mới, toàn huyện có 5 hộ nghèo và 9 hộ cận nghèo thuộc diện hộ người có công. Ngay sau khi rà soát xong, UBND huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn có hộ nghèo, cận nghèo thuộc đối tượng trên xây dựng kế hoạch xóa nghèo và phải phấn đấu thực hiện xong trước tháng 7/2022.
Thực hiện nhiệm vụ này, các địa phương đã khẩn trương có phương án giúp đỡ tùy theo nguyện vọng của từng hộ như: Phân công cho các hội, đoàn thể gồm thanh niên, phụ nữ, nông dân phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hướng dẫn gia đình người có công hoàn thiện hồ sơ nếu có nhu cầu vay tiền để phát triển sản xuất, sửa chữa nhà ở; kết nối với các công ty, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh để hỗ trợ tìm việc làm...
Đơn cử như hộ anh Nguyễn Văn Tuân ở thôn Đại Giáp, xã Đại Lâm. Gia đình diện cận nghèo, nhà đông nhân khẩu nhưng thường xuyên ốm đau. Vừa qua, anh đã được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi. Ủy ban MTTQ xã cũng hỗ trợ 5 triệu đồng và bà con thôn xóm ủng hộ ngày công giúp gia đình sửa sang lại ngôi nhà.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Trưởng phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện cho biết, chăm lo, giúp đỡ, hỗ trợ người có công là việc làm ý nghĩa, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Dịp 27/7 năm nay, UBND huyện đã có kế hoạch thành lập các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công tiêu biểu trên địa bàn.
Các cơ quan, đơn vị tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm, chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, bảo đảm trang trọng, ý nghĩa.
Bài, ảnh: Tuệ An
Ý kiến bạn đọc (0)