Tấm lòng vàng của một cựu binh
Con đường dốc thoai thoải đưa tôi đến một xóm nhỏ thuộc thôn Cầu Trong, xã Mỹ Thái, huyện Lạng Giang (Bắc Giang). Nơi đây là nhà ở, cũng là trụ sở của Công ty TNHH Hà Đại Phát do ông Hà Văn Khoa làm Giám đốc. Thuộc lớp cựu chiến binh trẻ, nay ở tuổi 55, tôi thấy ông thật giàu có, cả vật chất và tinh thần, đặc biệt là lòng nhân ái.
Cựu chiến binh Hà Văn Khoa (bên trái) tại trụ sở doanh nghiệp. |
Vào năm 1983, anh thanh niên Hà Văn Khoa xung phong đi bộ đội làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc. Tháng Giêng năm ấy, ăn Tết xong ông khoác ba lô lên đường khi vừa cưới vợ được 2 ngày. Sau 3 năm 6 tháng cắm chốt nơi biên giới thuộc tỉnh Cao Bằng, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Khoa trở về quê hương. Những năm đó, ông đi thu mua nông sản (tỏi, ớt, lạc, đỗ…) của nông dân rồi đem bán lại cho ngành thương nghiệp.
Dành được chút vốn liếng, đi nhiều nơi thấy nhu cầu chăn nuôi của bà con rất lớn nên ông quyết định đi học ngành thú y tại Trường Đại học Nông nghiệp 1 rồi mở cửa hàng bán thuốc thú y, thức ăn gia súc. Trải qua không ít thăng trầm, ông thành lập doanh nghiệp tư nhân mang tên Công ty TNHH Hà Đại Phát chuyên sản xuất băng vệ sinh phụ nữ. Công ty giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ.
Nhắc đến những hoạt động từ thiện, ông kể: “Thời bao cấp mọi thứ đều phải dè sẻn, mẹ tôi luôn răn dạy phải biết lường trước những khó khăn, ăn hôm nay phải nghĩ đến ngày mai, phải biết dành dụm, tiết kiệm. Con người cũng phải có lòng nhân ái, không chỉ cho mình mà còn chia sẻ, giúp đỡ người khác nữa. Vì vậy mỗi lần vo gạo nấu cơm, tôi lại bỏ một nắm gạo cất đi. Thói quen tiết kiệm kiểu như vậy theo tôi đến tận bây giờ, làm được việc gì tôi cũng dành một phần dự trữ. Và phần đó tôi đi làm từ thiện”.
Ban đầu ông làm từ thiện ngay trong xóm, trong làng, đối với những người xung quanh. Con đường bê tông của thôn được mở rộng, tôn cao lên cũng có phần đóng góp gần 200 triệu đồng của ông. Hơn chục năm trước ông ủng hộ 62 triệu đồng xây nhà văn hóa thôn. Tất cả hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của các hội đoàn thể trong thôn, trong xã ông đều có quà, có tiền ủng hộ.
Từ năm 2005 đến nay, Tết nào ông cũng đều đặn dành tặng ít nhất 30 suất quà cho người nghèo trong xã. Tháng 10 vừa qua, khi miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt, gia đình ông đã tổ chức chuyến xe trực tiếp vào 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế tặng quà. Mỗi tỉnh 50 triệu đồng tiền mặt; băng vệ sinh trị giá 50 triệu đồng; hơn 2.000 cuốn vở học sinh, 500 cuộn giấy vệ sinh. Tổng trị giá 481 triệu đồng.
Tạm biệt người cựu binh có tấm lòng vàng, tôi ấn tượng với tâm niệm của ông: "Lòng nhân ái thì ở đâu cũng cần. Khi làm được điều gì đó có ý nghĩa cho những người kém may mắn, tôi thấy lòng như dịu lại. Và có một điều chắc chắn, tôi vẫn sẽ tiếp tục những hoạt động thiện nguyện khi còn có thể".
Ý kiến bạn đọc (0)