Lạng Giang: Đào tạo nghề theo nhu cầu doanh nghiệp
Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương đào tạo nghề cho lao động nông thôn. |
Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mỗi năm, huyện Lạng Giang được giao chỉ tiêu đào tạo từ 550- 600 lao động. Căn cứ chỉ tiêu, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với các xã, thị trấn điều tra số người trong độ tuổi, nhu cầu thực tế và lập danh sách các đối tượng ưu tiên gồm gia đình chính sách, hộ nghèo. Mặt khác, phối hợp với các hội, đoàn thể nắm bắt số lao động chưa có việc làm, phổ biến tại các cuộc họp dân, trên hệ thống loa truyền thanh về chỉ tiêu, xu hướng ngành nghề để người có nguyện vọng đăng ký. Quá trình triển khai lưu ý đến những nơi có đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ phát triển công nghiệp, từ đó mở các lớp dạy nghề phù hợp.
Ngoài ra, đơn vị thường xuyên liên hệ với các DN tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng để có hướng đào tạo; phối hợp với Trung tâm GDTX và Dạy nghề, một số cơ sở có chức năng dạy nghề trên địa bàn như: Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt Hàn, Trường Trung cấp nghề số 12 (Bộ Quốc phòng), Trung tâm dạy nghề 1-5, Trung tâm dạy nghề lái xe Đức Trung (xã Yên Mỹ)… mở các lớp đào tạo nghề cho lao động. Trong đó ưu tiên nhóm nghề công nghiệp - dịch vụ gồm: Cơ khí, điện dân dụng, may công nghiệp.
Trên địa bàn huyện Lạng Giang hiện có gần 450 DN và tổ chức kinh tế hoạt động. Mỗi năm, các DN tuyển dụng hơn một nghìn lao động địa phương. Số lao động này chủ yếu tập trung ở nhóm nghề công nghiệp- dịch vụ. |
Là xã có gần 100 ha đất nông nghiệp thu hồi phục vụ phát triển công nghiệp, Nghĩa Hòa luôn chủ động tìm việc cho lao động địa phương. Cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ngành, đoàn thể rà soát tình hình thực tế, đề xuất mở các lớp dạy nghề. Trong đó ưu tiên hình thức vừa học, vừa làm, liên kết với DN đào tạo theo địa chỉ. Cách làm này thu hút nhiều lao động nông thôn, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, có cơ hội việc làm cao. Chị Lê Thị Mây (SN 1994), thôn Bằng chia sẻ: “Học hết THPT, tôi muốn đi làm luôn để phụ giúp gia đình. Đầu năm 2016, khi được xã và Xí nghiệp may Lạng Giang thông báo tuyển dụng, tôi đăng ký và được nhận vào làm việc. Được đơn vị may đào tạo nghề miễn phí, sau 3 tháng tôi đã có việc làm ổn định ngay tại Xí nghiệp với mức lương 4 triệu đồng/tháng”. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Tổng Giám đốc Xí nghiệp May Lạng Giang cho biết: Từ năm 2015 đến nay, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương, ngành chức năng của huyện mở 11 lớp dạy nghề cho hơn 400 lao động địa phương theo hình thức vừa học, vừa làm. Lao động ngoài được dạy nghề miễn phí còn được thao tác trực tiếp trên dây chuyền sản xuất. Cách làm này giúp DN có cơ hội lựa chọn những lao động có kỹ thuật tốt. Nhìn chung sau 3 tháng đào tạo, cơ bản các học viên đều đáp ứng được yêu cầu và được tuyển dụng vào làm việc tại DN".
Sau khi học nghề, anh Nguyễn Văn An, thôn Đại Giáp, xã Đại Lâm tìm được việc làm tại Công ty Cổ phần may Thịnh Phát Ocean (CCN Đại Lâm). |
Trên địa bàn huyện Lạng Giang hiện có gần 450 DN và tổ chức kinh tế hoạt động. Mỗi năm, các DN tuyển dụng hơn một nghìn lao động địa phương. Số lao động này chủ yếu tập trung ở nhóm nghề công nghiệp- dịch vụ. Trước nhu cầu của nhiều DN chỉ tuyển lao động có tay nghề đã qua đào tạo nên năm qua, cơ quan chức năng của huyện mở 23 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 700 lao động, vượt kế hoạch được giao.
Theo đánh giá của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, đa số lao động đều có việc làm sau học nghề. Ông Nguyễn Văn Khải, Phó trưởng Phòng cho biết: Năm 2017, bám sát nhu cầu lao động của DN trong các cụm công nghiệp, chúng tôi tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động; thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ, bảo đảm quyền lợi cho đối tượng học nghề theo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Cùng với Trung tâm GDTX và Dạy nghề huyện mở lớp dạy nghề ngắn hạn, ưu tiên lao động khu vực dành đất phát triển khu, cụm công nghiệp, từng bước đáp ứng nguồn nhân lực cung ứng cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Tuệ An
Ý kiến bạn đọc (0)