Hoa nở trên vùng đất Kép
BẮC GIANG - Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, khu vực Kép (Lạng Giang - Bắc Giang) là địa bàn bắn phá ác liệt của giặc Mỹ, nỗi đau thương vẫn còn trong ký ức của nhiều gia đình, trên những chứng tích. Nhưng vượt lên khói lửa bom đạn, thị trấn Kép hôm nay đã thay da đổi thịt, trở thành đô thị sầm uất.
Một thời đạn bom
Khu vực Kép có sân bay, nhà ga, cầu Lường, có tuyến giao thông huyết mạch là quốc lộ 1 chạy qua. Thời chiến tranh, những chuyến tàu, xe xuyên suốt dặm dài, đầy ắp hàng hóa, lương thực, vũ khí, thuốc men, quân trang, quân dụng… của các nước XHCN anh em viện trợ cho Việt Nam đánh Mỹ. Để cắt đứt "huyết quản" này, trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, không lực Hoa Kỳ đã dùng đủ loại máy bay "cánh cụp, cánh xòe" ném bom phá, bom bi, rốc-két... xuống những mục tiêu quan trọng ở đây. Theo lịch sử ghi lại thì chỉ riêng năm 1965, máy bay địch đã quần thảo trên bầu trời thị trấn Kép 5 lần vào các ngày: 23/8, 20/9, 5/10, 7/10 và 31/10.
Ông Trần Văn Thơm - người sống sót trong vụ máy bay Mỹ đánh bom làm sập hầm kể lại trận bom tàn khốc. |
Tính từ trận đầu ngày 23/8/1965 đến hết năm 1972, máy bay Mỹ đã bắn phá địa bàn thị trấn Kép 41 trận, thả xuống 350 quả bom phá, 12 quả bom bi mẹ (tương đương 4.000 quả bom bi con) và bắn xuống 39 quả đạn rốc - két. Tính bình quân cứ 3 người phải chịu 1 quả bom phá, mỗi người phải chịu 4 quả bom bi con.
Ông Trần Văn Thơm ở tổ dân phố Đồng 1 tiếp tôi trong căn nhà khang trang rộng rãi, sân vườn xanh mát; mấy đứa cháu trai ríu rít chơi thể thao ở sân. Nay ở tuổi ngoài 70 nhưng đối với ông, câu chuyện chiến tranh từ hơn 50 năm trước chưa bao giờ là quá khứ. Cha ông - cụ Trần Văn Vũ bị bom bi găm vào người, chết hồi tháng 12/1967 khi mới 58 tuổi. Còn ông cũng chết hụt trong một trận Mỹ thả bom cùng năm ấy.
Ông Thơm ngậm ngùi nhớ lại: “Năm 1967, tôi 14 tuổi, tầm tuổi mấy đứa cháu ngoài kia, cũng vào buổi chiều như thế này, hôm đó tôi đi chăn trâu ở cánh đồng xóm Bãi Quéo, người dân cũng đi gặt lúa đông lắm. Khi thấy máy bay địch gầm rú trên trời, nghe tiếng còi báo động, mọi người ai nấy hớt hải, hò thét hô nhau chạy nhanh xuống hầm của gia đình ông Hòa gần đó trú ẩn”.
Sau khi máy bay địch rời đi, dân quân Kép đã bắn súng báo hiệu hầm bị sập để nhân dân ra cứu. Sợ sử dụng cuốc sẽ làm bị thương người trong hầm nên ai nấy dùng tay bới lớp đất cát vùi lấp, mãi mới đưa được ông Thơm lên trong tình trạng cơ thể tím tái. Lúc hầm bị sập, ai cũng hoảng loạn, kêu khóc ầm ĩ. Lúc sau thì im phăng phắc. Quả bom giặc ném đó đã rơi trúng căn hầm, 17 người nấp trong đó thì 15 người chết, có cả trẻ em, có cháu bé mới sinh đang còn ẵm ngửa.
Cô và trò Trường Tiểu học thị trấn Kép (Lạng Giang) bên Tượng đài chiến thắng. Ảnh: QUỐC PHƯƠNG. |
Riêng gia đình ông Hòa hôm đó chết cả 7 người. Hai người sống sót là ông Thơm và bà Thỏ ở xóm bên. Bà Thỏ đã mất cách đây chục năm rồi, nay còn lại mỗi mình ông Thơm là nhân chứng sống. Hôm nay, ngay sát tuyến đường tỉnh 292, một tấm bia đặt với dòng chữ: “Nơi đây ngày 6/11/1967, giặc Mỹ đã ném bom sát hại 15 đồng bào” được dựng lên như nhắc nhớ về một thời đạn bom trên đất Kép anh hùng.
Ga Kép là một trong những mục tiêu đánh phá ác liệt của giặc Mỹ. Ngày 20/4/1967, một tốp 6 máy bay phản lực Mỹ đánh phá vào đây, có tới 3 đoàn tàu chở hàng quân sự đang đỗ ở đó, một số toa không may trúng rốc-két bị cháy. Ngay lập tức, thị trấn huy động hơn 100 dân quân, tự vệ trong đó có cả phụ nữ, thanh thiếu niên băng nhanh lên ga. Từng người bình tĩnh cắt rời các toa hàng, đẩy những toa chưa bị cháy ra xa, sau đó dùng bao tải, cởi cả áo trên người đem dấp nước để dập lửa. 17 toa hàng gồm: Đậu tương, mì chính, thuốc lá, quần áo, thuốc nổ được vận chuyển đến nơi an toàn, tiếp tục cuộc hành trình vào miền Nam phục vụ chiến đấu. Xung quanh khu vực ga vẫn còn dấu tích của những hố bom.
Ông Đỗ Minh Vượng ở thôn Thanh Lương, xã Quang Thịnh (Lạng Giang) làm bảo vệ ga Kép nhớ lại: "Hồi đó tôi hơn chục tuổi, khi thấy máy bay oanh tạc trên không, tôi được bố mẹ ấn vào hầm trú ẩn nhưng vì tò mò nên vẫn ngó lên trời xem máy bay. Đất trời ầm ầm rung chuyển”. Theo ông Trần Văn Ngân ở thôn Đồi Cộng, xã Hương Sơn (Lạng Giang), dấu tích chiến tranh nay còn hiện hữu. Trong vườn nhà ông vẫn còn hố bom, gia đình từng cải tạo để thả cá nhưng không hiệu quả, cá nuôi mãi không lớn, nay vẫn giữ lại làm nơi trữ nước tưới cho vườn cây ăn quả.
Xây đắp hòa bình
Hơn 50 năm kể từ khi bị bom Mỹ trút xuống, thị trấn Kép hôm nay đã đổi thay rất nhiều, sầm uất và sôi động với những cửa hàng, cửa hiệu, trung tâm thương mại. Những ngôi nhà, dãy phố mới đẹp đẽ cũng hình thành, trước cửa treo cờ Tổ quốc. Hệ thống trường học, cơ sở y tế ngày càng khang trang. Bao hố sâu do bom đạn cày xới nay được san ủi bằng phẳng để sản xuất nông nghiệp. Nhìn những cánh đồng ngô, lúa tươi tắn ánh lên trong nắng đầu hè thấy vùng đất Kép bình yên như một bức tranh.
Khu vực ngã 5, thị trấn Kép - nơi đặt công trình kiến trúc "Tượng đài chiến thắng". |
Đồng chí Nguyễn Thị Phương Thu, Bí thư Đảng ủy thị trấn cho biết: Thực hiện chủ trương phát triển đô thị, năm 2020, xã Tân Thịnh sáp nhập vào thị trấn Kép, thành lập đơn vị hành chính mới mang tên thị trấn Kép với diện tích tự nhiên gấp nhiều lần diện tích cũ (9,64 km2); dân số cũng tăng lên với 14.500 người nhân khẩu sinh sống ở 15 tổ dân phố. Đến nay, cơ bản các mục tiêu của cả nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thị trấn lần thứ nhất 2020-2025 đã hoàn thành và vượt kế hoạch. Nổi bật là tuyến đường 292 từ ngã 5 thị trấn nối sang Bố Hạ (Yên Thế) được mở rộng; cảnh quan đô thị, vỉa hè được nâng cấp, ngõ có số, nhà có tên. Trường lớp của cả 3 cấp học được đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng chuẩn.
Theo đồng chí Đặng Minh Khôi, Chủ tịch UBND thị trấn, cả hai địa phương sớm được ghi nhận là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Tân Thịnh là một trong 11 xã điểm toàn quốc được chọn thí điểm triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2009 - 2011. Sau khi sáp nhập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã phát huy sức mạnh của những yếu tố đó để xây dựng thị trấn Kép phát triển năng động, cơ bản tiệm cận các tiêu chí của đô thị loại IV.
Thị trấn tập trung chỉnh trang đô thị, hiện đã hình thành 3 khu, trong đó khu đô thị số 1 với điểm nhấn là quy hoạch hạ tầng kho bãi phục vụ luân chuyển hàng hóa cho ga Kép; khu đô thị số 2 với diện tích 160 ha dự kiến đặt trụ sở trung tâm hành chính thị trấn Kép. Trên nhiều mảnh đất từng bị bom cày đạn xới giờ cũng đã mọc lên trường học, nhà văn hóa, khu dân cư đông đúc. Thu nhập bình quân đầu người đạt 118 triệu đồng/năm. Hiện thị trấn còn 83 hộ nghèo, chiếm 2,31% tổng số hộ. Đời sống tinh thần ngày càng phong phú; phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển mạnh.
Một điểm nhấn phát triển ở đây đó là ga Kép, cách trung tâm thị trấn chừng gần 1 km, con đường nhựa, bê tông dẫn vào ga đã khác xưa rất nhiều. Ngày ngày, những chuyến tàu khách Hà Nội- Đồng Đăng và Hà Nội - Hạ Long vẫn hú còi chạy qua. Mừng nữa là đầu năm 2023, ga Kép được trở thành ga liên vận quốc tế thuộc tuyến Hà Nội - Đồng Đăng giúp trung chuyển hàng hóa cho khu vực, nhất là các khu công nghiệp của tỉnh và các tỉnh phụ cận, qua đó giảm chi phí logistics, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.
Ông Lê Trọng Hạ, Trưởng ga Kép vui mừng thông tin: Trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ga Kép được quy hoạch để kết nối với trung tâm cảng cạn Bắc Giang (Đồng Sơn-Hương Sơn). Với 9 đường đón gửi, đường xếp dỡ, kho diện tích 1.200 m2; hai bãi xếp dỡ diện tích 4.300 m2 và 27.658 m2 bảo đảm đủ tiêu chuẩn chứa container; xe chở container, hàng nặng và cẩu chuyên dụng hoạt động. Sân bay Kép nay đã được nâng cấp khang trang, đẹp như trong mơ, đón nhiều máy bay canh giữ vùng trời Đông Bắc của Tổ quốc.
Trở về trung tâm thị trấn, tôi ngồi lại tại khuôn viên nơi ngã 5 - nơi đặt công trình kiến trúc tiêu biểu “Tượng đài chiến thắng” vừa khánh thành trước Tết Nguyên đán năm ngoái. Nhìn vào cụm di tích đặt tại khu phố mang tên Thanh Bình, tôi có một cảm nhận giản dị đó là thông điệp của sự thanh bình. Ngay cả tấm bia ghi dấu 15 đồng bào bị sát hại ở hầm nhà ông Hòa, nay mới dựng lại cũng đã lược đi dòng chữ “Ghi lấy thù này”. Không được quên quá khứ, địa danh Kép vẫn sẽ sống mãi với lịch sử, với thời gian, nhắc nhớ người dân nơi đây không được quên một thời hào hùng của dân tộc. Thế nhưng quá khứ đau buồn cũng phải được khép lại để cùng hướng tới tương lai, vun đắp hòa bình, xây dựng “đất Kép” nở hoa.
Bài, ảnh: Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)