Quốc hội tiếp tục bàn chính sách đưa ngành dược thành công nghiệp mũi nhọn
Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 22/10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật này.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về chính sách của Nhà nước về dược và chính sách phát triển công nghiệp dược, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng sửa đổi toàn diện Điều 7 của Luật hiện hành để quy định các chính sách chung của Nhà nước về dược; quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược tại Điều 8 (sửa đổi); còn quy định liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được xem xét khi sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm triển khai thực hiện.
Nhân viên y tế tại nhà thuốc Bệnh viện Quân y 175, quận Gò Vấp. |
Trong đó, Điều 7 (sửa đổi) bổ sung quy định “có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam thành ngành công nghiệp mũi nhọn”. Quy định chính sách ưu tiên mua sắm thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở y tế công lập; ưu tiên về các thủ tục hành chính khi cấp giấy đăng ký lưu hành, cấp phép nhập khẩu; áp dụng các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ từ các quỹ hỗ trợ cho hoạt động khoa học và công nghệ; hỗ trợ phát triển dược liệu, phát huy các bài thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu; phát triển hệ thống cung ứng thuốc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giữ giá, giảm giá đối với một số nhóm thuốc cần thu hút chuyển giao công nghệ.
Tiếp thu ý kiến đại biểu đối với các quy định về kinh doanh chuỗi nhà thuốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung báo cáo đánh giá tác động, kinh nghiệm quốc tế và quy định về chuỗi nhà thuốc để tạo công cụ pháp lý quản lý hiệu quả hơn các chuỗi nhà thuốc đã và đang hoạt động như thực tiễn hiện nay, đồng thời, bổ sung một số quy định để hạn chế nguy cơ tiềm ẩn liên quan trong hoạt động kinh doanh chuỗi nhà thuốc và giao Bộ Y tế quy định chi tiết, cũng như quan tâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này.
Bà Nguyễn Thúy Anh cũng cho hay, một số quy định đã được chỉnh lý, cụ thể khái niệm chuỗi nhà thuốc, quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc, về quyền, trách nhiệm của cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc và quyền, trách nhiệm của nhà thuốc trong chuỗi nhà thuốc; về điều kiện và trách nhiệm của người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc…
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, tại Điều 32 khoản 1 của Luật Dược qui định hoạt động “kinh doanh bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc” là một hoạt động kinh doanh dược độc lập. Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc cũng được liệt kê tại khoản 2 Điều 32 như một cơ sở kinh doanh dược độc lập với cơ sở bán buôn hay cơ sở bán lẻ thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Vì vậy, khi khoản 4 Điều 53a qui định các cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện các hoạt động bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không nêu rõ là các hoạt động này gắn với bán hàng thì vô hình chung đã loại trừ quyền kinh doanh của các doanh nghiệp FIE (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) đối với một hoạt động kinh doanh độc lập không có liên quan đến phân phối thuốc được qui định trong Luật.
Đại biểu Trần Khánh Thu nhấn mạnh, theo các hiệp định thương mại tự do như WTO, CPTTP, EVFTA, … Việt Nam chưa cam kết mở cửa cho phân phối dược phẩm nhưng không bảo lưu quyền tiếp cận thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logistics. Theo cam kết trong WTO, Việt Nam đã bỏ hạn chế về tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logistics sau 7 năm kể từ khi gia nhập– tức là kể từ năm 2014, Việt Nam đã không còn hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Nếu mở rộng thêm quyền cho các doanh nghiệp FIE sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp đã tập trung đầu tư xây dựng, cung cấp dịch vụ cho thuê kho bãi, logistics trong hoạt động kinh doanh phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong thời gian qua. Bên cạnh đó, phần lớn các quốc gia trong khu vực và trên thế giới có ngành công nghiệp dược phẩm phát triển đều thực hiện chính sách mở cửa trong lĩnh vực phân phối và logistic dược phẩm. Những chính sách này đã có tác động tích cực trong việc huy động và thu hút vốn đầu tư nước ngoài để nâng cao năng lực phát triển cho các doanh nghiệp trong nước.
“Đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi điểm a và b khoản 4, Điều 53a”- đại biểu Trần Khánh Thu thảo luận.
Góp ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, Cơ quan soạn thảo cần làm rõ một số định nghĩa được quy định tại dự thảo Luật. Cụ thể tại điểm a khoản 1 Điều 1 về sửa đổi, bổ sung khoản 5 quy định về dược liệu, cần cân nhắc và làm rõ tiêu chuẩn cụ thể như thế nào để xác định dược liệu đạt tiêu chuẩn làm thuốc. Chỉ khi quy định rõ và chi tiết thế nào là đạt tiêu chuẩn làm thuốc mới có cơ sở để bảo đảm sản xuất và quản lý dễ dàng, thực hiện đúng yêu cầu, bảo đảm chất lượng về dược liệu.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc, quy định bổ sung thêm các tiêu chí kiểm soát để bảo đảm chất lượng thuốc khi giao dịch theo phương thức kinh doanh qua thương mại điện tử. Vì với sự phát triển của thương mại điện tử, việc có các quy định này sẽ bảo đảm việc giao dịch thuốc trực tuyến được kiểm soát nghiêm ngặt, tránh tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng.
Ý kiến bạn đọc (0)