Vun đắp truyền thống quê hương cách mạng
Chú trọng tài liệu tuyên truyền, giảng dạy lịch sử
Đồng chí Trịnh Quang Minh, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy giới thiệu với chúng tôi về cuốn tài liệu giảng dạy lịch sử huyện Hiệp Hòa (dùng trong các nhà trường và Trung tâm Chính trị huyện) phát hành quý III năm 2021. Cuốn sách khái quát về vùng đất, con người Hiệp Hòa, truyền thống lịch sử văn hóa, quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm… cho đến khi thực hiện công cuộc đổi mới quê hương, đất nước.
Các em học sinh tìm hiểu lịch sử địa phương tại Nhà truyền thống ATK II. Ảnh: Đỗ Quyên. |
Tài liệu được sưu tầm, biên soạn công phu, kỹ lưỡng với những bài giảng, bài giới thiệu phù hợp với từng đối tượng học sinh, từ lớp 1 đến lớp 12. Như với lớp 1, mục tiêu tài liệu hướng tới chỉ đơn thuần là giới thiệu đôi nét về huyện Hiệp Hòa để các em nhận biết.
Ở lớp 2 khái quát về truyền thống hiếu học, một số danh nhân tiêu biểu thời phong kiến. Đến lớp 4, lớp 5 phần kiến thức được nâng lên khi từng bước giới thiệu về truyền thống yêu nước; dân cư, đơn vị hành chính; những đóng góp của huyện qua các thời kỳ. Riêng phần dùng cho Trung tâm Chính trị là những khái lược về lịch sử Đảng bộ huyện.
Được biết, trước đó, ngay từ năm 1992, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo biên soạn, xuất bản cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1938- 1954, bổ sung giai đoạn 1955- 2010 vào năm 2011. Sách phát hành rộng rãi trong đảng bộ, được các ban, ngành, địa phương tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, đảng viên, nhân dân và đặc biệt, biên soạn thành tài liệu giảng dạy lịch sử năm 2013, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên.
Với những tài liệu hết sức ý nghĩa đó, Trung tâm Chính trị và các trường học trên địa bàn huyện tích cực triển khai, lồng ghép đưa vào trong chương trình để việc giảng dạy, truyền đạt đạt kết quả cao.
Tại trường THCS Thanh Vân, đồng chí Hoàng Minh Dương, Hiệu trưởng cho biết: “Nội dung các bài giảng trong tài liệu được sắp xếp khoa học, hợp lý, giúp giáo viên thuận lợi khi bố trí tiết học. Ngoài ra, nhà trường tạo điều kiện cho các khối lớp tổ chức những buổi sinh hoạt ngoại khóa, khéo léo đưa nội dung lịch sử địa phương vào mỗi buổi học để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền”.
Qua tìm hiểu, ở các xã, thị trấn, việc sưu tầm, biên soạn sách lịch sử đảng bộ địa phương cũng rất được chú trọng. Từ năm 2013, toàn huyện có 25/25 xã, thị trấn đã xuất bản được sách lịch sử đảng bộ, phát hành đến các chi bộ, đoàn thể...
Đa dạng hình thức giáo dục truyền thống
Không chỉ biên soạn, xuất bản sách, tài liệu, huyện Hiệp Hòa còn quan tâm đa dạng hóa các hình thức giáo dục truyền thống lịch sử nhằm khơi dậy niềm tự hào, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ. Trong đó, hằng năm Huyện đoàn duy trì tổ chức hoạt động về nguồn và phát động các đợt thi đua tại địa điểm di tích cách mạng trên địa bàn.
Trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ đạo 4 cụm thi đua đồng loạt tổ chức “Ngày đoàn viên” gắn với Chủ nhật xanh năm 2022 tại các địa chỉ đỏ, địa danh cách mạng. 100% đoàn xã, thị trấn phối hợp với Liên đội các trường tổ chức “Hành trình đến với địa chỉ đỏ” cho đội viên, thiếu niên nhi đồng, kết nạp hàng nghìn đội viên tại các khu di tích lịch sử, địa danh cách mạng trong và ngoài huyện.
Trong hệ thống giáo dục, 100% nhà trường thực hiện đúng tiết học lịch sử địa phương theo quy định; đảm nhận công tác vệ sinh, tôn tạo cảnh quan tại các di tích lịch sử ở địa phương.
Vào những ngày lễ kỷ niệm lớn, nhiều trường học tổ chức hoạt động ngoại khóa kết hợp giới thiệu lịch sử tại những điểm di tích nổi bật trong huyện như: Đình chợ Vân, Nhà trưng bày ATK II, đình Xuân Biều, đền Soi, đình Vân Xuyên (thuộc ATK II), nơi Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên, các quần thể lăng họ Ngọ, lăng Dinh Hương…
Nổi bật như ở trường Tiểu học xã Danh Thắng, cô trò nhà trường nhận chăm nom Đền thờ Bác Hồ và Nghĩa trang liệt sĩ xã. Mỗi tháng trường tổ chức một chương trình dã ngoại hoặc buổi ngoại khóa với hình thức sinh hoạt thường xuyên được đổi mới như: Dọn dẹp, chỉnh trang cảnh quan di tích; trò chuyện, thảo luận về trách nhiệm bảo tồn, giữ gìn truyền thống…
Đặc biệt, dịp tháng 5 mới đây, Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với Huyện đoàn tổ chức Hội thi “Khơi dậy ý chí tự lực tự cường và khát vọng phát triển, tuổi trẻ Hiệp Hòa xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp”.
Hội thi đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, thu hút hơn 22 nghìn bài viết, thuyết trình với chủ đề về lời dạy của Bác Hồ với thế hệ trẻ, những bài học về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tư tưởng Hồ Chí Minh về biển đảo và nhất là những nội dung cơ bản trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025…
Nội dung và kết quả cuộc thi thể hiện rõ ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ, đồng thời phần nào khẳng định tính hiệu quả trong công tác giáo dục lịch sử, truyền thống trên địa bàn huyện.
Bài, ảnh: Quốc Trường
Ý kiến bạn đọc (0)