Võ sĩ Nguyễn Văn Đương quê Bắc Giang ra quân thắng lợi ở Olympic
Văn Đương nhập cuộc bằng lối chơi chủ động tấn công sở trường. Nhưng trong hiệp một, võ sĩ của Việt Nam không ra được nhiều đòn chính xác, do Aliyev Tayfur lách người tránh hiệu quả. Dù vậy, ngay trước khi tiếng kẻng kết thúc hiệp một vang lên, Văn Đương vẫn kịp ghi điểm với một cú đấm tay phải, nặng và chính xác. Tayfur ngã nằm sàn, và trọng tài đã phải đếm.
Tuy nhiên, khi kết thúc hiệp một, các trọng tài lại cho Tayfur điểm cao hơn. Trong năm trọng tài, bốn người chấm 10, một người chấm 9 cho võ sĩ Azerbaijan. Điểm số của Văn Đương chỉ là bốn điểm 9 và một điểm 10.
Sang hiệp hai, Văn Đương gia tăng nhịp độ tấn công, liên tục dồn ép. HLV Đinh Thị Phương Thanh chỉ đạo học trò dùng tay trái tấn công trước để chặn đối thủ, sau đó đánh nối tay phải. Điều chỉnh đấu pháp ấy đã phát huy hiệu quả, khi cả năm trọng tài đều chấm Văn Đương điểm 10. Tayfur chỉ có bốn điểm 9 và một điểm 8.
Văn Đương trong một pha ra đòn chính xác, trúng mặt Tayfur. Ảnh: AFP |
Ở hiệp cuối quyết định, võ sĩ Việt Nam xuống sức, không duy trì được lối tấn công vũ bão, và để đối thủ lấn lướt. Dù vậy, Văn Đương vẫn kịp di chuyển tránh đòn và chờ thời cơ phản công bằng những đòn tay phải. Kết thúc hiệp, Tayfur tự tin chiến thắng, liên tục giơ tay mừng. Dù vậy, võ sĩ Azerbaijan chỉ thắng điểm ở hiệp ba, với ba điểm 10 và hai điểm 9, trong khi Văn Đương có hai điểm 10 và ba điểm 9.
Tính tổng điểm qua ba hiệp, võ sĩ Việt Nam thắng. Ba trọng tài chấm cho Văn Đương 29 điểm, hai người chấm 28 điểm. Trong khi đó, Tayfur được hai điểm 29, hai điểm 28 và một điểm 27. Võ sĩ Việt Nam thắng chung cuộc 3-2.
Ở vòng tiếp theo ngày 28/7, Văn Đương sẽ so găng Erdenebat Tsendbaatar. Võ sĩ người Mongolia từng đứng thứ năm chung cuộc tai Olympic Rio năm 2016, đoạt HC vàng Asiad 2018, vô địch châu Á các năm 2019 và 2021 ở hạng 57kg.
Sinh năm 1996 tại Hiệp Hòa, Bắc Giang, từ nhỏ Văn Đương đã mê phim võ thuật và học taekwondo ở trường. Hết năm lớp 7, biết người anh họ đang học boxing ở đội Công an nhân dân, anh xin bố mẹ lên Hà Nội tập cùng. "Hồi đó tôi nặng chỉ 32 kg, bé xíu nên được gọi là 'Gà con'. Thầy ban đầu còn tuyên bố không nhận vì người nhỏ quá, và chỉ cho tập hai tháng hè để rèn sức khoẻ. Nhưng sau đó, nhận thấy tố chất và sự quyết tâm của tôi, thầy cho ở lại" - Văn Đương tâm sự. |
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)