Thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học: Cách làm sáng tạo, hiệu quả ở Hiệp Hòa
Ông Phạm Văn Hà, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Hiệp Hòa cho biết: "Mô hình trường học không dùng tiền mặt bắt đầu từ năm học 2021-2022. Để từng bước thay đổi thói quen nộp học phí và các khoản đóng góp khác từ phương thức trực tiếp bằng tiền mặt sang sử dụng công nghệ số, huyện có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Trong đó, UBND huyện trích ngân sách hỗ trợ 15 triệu đồng/trường để mua phần mềm quản lý khoản thu trong 4 năm đầu. Tổng kinh phí chi khoảng 1,2 tỷ đồng. Bên cạnh ban hành các văn bản chỉ đạo, Phòng GD&ĐT tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, kế toán các trường học. Thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc trong các cuộc họp giao ban, phát động phong trào thi đua trong toàn ngành; kịp thời khen thưởng, biểu dương những trường tích cực triển khai".
Cán bộ, nhân viên Trường Mầm non Quang Minh trao đổi về nghiệp vụ quản lý các khoản thu theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
|
Trường Mầm non Quang Minh là một trong những cơ sở tiên phong thực hiện chuyển đổi số ở bậc mầm non. Năm học 2022-2023, trường có 347 học sinh. Cô giáo Phạm Thị Hồng, Hiệu trưởng cho biết: "Nhà trường đã phối hợp với đơn vị cung cấp cài đặt phần mềm thanh toán học phí trên điện thoại thông minh, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới cán bộ, giáo viên, phụ huynh để tạo sự đồng thuận, thống nhất thực hiện đồng bộ trong nhà trường". Được biết, phần mềm thu học phí do Công ty cổ phần Misa (Hà Nội) cung ứng có nhiều tiện ích. Mỗi học sinh có mã thanh toán riêng. Sau khi cài đặt trên điện thoại thông minh sẽ hiển thị rõ các khoản cần thanh toán, số tiền, tháng, tổng tiền phải đóng...
Trước đây, mỗi lần đến kỳ thu học phí và các khoản thu khác cán bộ, giáo viên rất vất vả vì phải trực tiếp viết phiếu thu, đối soát, thu tiền và ký nhận. Từ khi chuyển sang chuyển khoản qua ứng dụng giúp cán bộ, giáo viên tiết kiệm thời gian, giảm rủi ro phát sinh trong các giao dịch tiền mặt như thừa, thiếu, nhầm lẫn, tiền giả.
Phụ huynh dễ dàng thực hiện thanh toán học phí và các khoản đóng khác qua phần mềm cài đặt trên điện thoại thông minh.
|
Sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng là một trong những bước đi quan trọng trong tiến trình xây dựng trường học thông minh. Theo thầy giáo Nguyễn Tiến Quý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Lâm số 1, với quy mô hơn 1 nghìn học sinh mỗi năm học, quá trình thu các khoản tiền vệ sinh, gửi xe, nước uống, giáo dục kỹ năng sống, học tiếng Anh làm quen (với học sinh lớp 1 và lớp 2)… ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian làm công tác chuyên môn của thầy cô.
Quyết tâm chuyển đổi số, từ đầu năm học, Ban Giám hiệu phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cử 4 cán bộ có mặt tại các cuộc họp phụ huynh học sinh để hướng dẫn mở tài khoản. Năm học 2022-2023 vừa qua, nhà trường đã phát sinh hơn 8,4 nghìn giao dịch qua phần mềm thu học phí Misa, với tổng số tiền 1,3 tỷ đồng, cao nhất trong bậc tiểu học toàn huyện. Phương thức mới giúp trường công khai, minh bạch tài chính, quản lý các khoản thu khoa học, hiệu quả hơn.
Thầy Nguyễn Tiến Quý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Lâm số 1 chia sẻ về tiện ích khi sử dụng phần mềm thanh toán không dùng tiền mặt.
|
Với phương thức thanh toán mới, chị Nguyễn Thị Lan, ở thôn Nga Trại, xã Hương Lâm có con học tiểu học đã không còn phải đến trường trực tiếp đóng tiền cho con. Trước đây, có lần do bận việc công ty không về kịp, chị bỏ tiền vào cặp sách của con nhờ cô giáo thu giúp nhưng vẫn lo lắng con sẽ làm rơi mất. Năm học 2022-2023 vừa qua, ngay khi cô giáo chủ nhiệm thông báo các khoản thu, chị dễ dàng chuyển khoản qua điện thoại.
Toàn huyện có 88 trường mầm non, tiểu học, THCS. Đến nay, cả 100% cơ sở giáo dục đều mở tài khoản thu học phí và các khoản thu khác qua Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT đồng loạt thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, dẫn đầu toàn tỉnh về tỷ lệ giao dịch. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện cho cho biết đây là cách làm mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho cả người sử dụng và đơn vị quản lý. Tuy vậy, ở một số trường vẫn còn từ 10-15% phụ huynh chưa biết thao tác thực hiện thanh toán qua các ứng dụng, vẫn còn lo ngại về tính bảo mật thông tin khách hàng hoặc không sử dụng điện thoại thông minh nên phải nhờ giáo viên hoặc người thân đóng học phí, các khoản thu khác.
Để hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học đạt hiệu quả cao, thời gian tới Phòng GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các trường chọn đơn vị cung cấp giải pháp phù hợp, tiện ích cao. Tăng cường tập huấn nghiệp vụ quản lý, làm chủ dữ liệu, bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cá nhân của phụ huynh học sinh khi sử dụng dịch vụ.
Ý kiến bạn đọc (0)