Sức sống mới trên vùng quê cách mạng
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty cổ phần Xuất khẩu thương mại mặt trời Suntech, xã Thanh Vân. |
Lịch sử hào hùng
Mùa đông năm 1946, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban kháng chiến xã được thành lập. Thực hiện chủ trương “Phá hoại trọng như tác chiến”, người dân trong xã đã tiêu thổ kháng chiến với tinh thần rất cao: Đường 19 (nay là quốc lộ 37) chạy qua xã là tuyến đường huyết mạch nối tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang nhiều đoạn được đào đắp hình chữ chi để cản bước tiến của địch; nhiều quả đồi trên địa bàn xã được đóng cọc, cắm chông để chống địch nhảy dù…
Việc xây dựng làng chiến đấu được chính quyền, nhân dân địa phương tiến hành khẩn trương, xung quanh các thôn đều được rào kín, có hệ thống giao thông hào. Hàng trăm ụ súng, ổ mìn, bẫy chông được bố trí ở những nơi trọng yếu. Đi đôi với xây dựng làng chiến đấu, Ủy ban kháng chiến xã còn thành lập đội dân quân và xây dựng một trung đội du kích tham gia tuần tra canh gác, sẵn sàng chiến đấu.
Do điều kiện kinh tế khó khăn, nhằm bảo đảm nơi ăn, ở cho dân quân du kích, nhân dân trong xã đã “đỡ đầu” chiến sĩ thông qua “Hội bảo trợ du kích” hay “Hội mẹ chiến sĩ”. Đồng thời, phát động phong trào “Lọ gạo kháng chiến” đến nhân dân để đóng góp lương thực, thực phẩm. 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (từ năm 1946 đến 1954), xã Thanh Vân là nơi nhiều cơ quan của tỉnh lựa chọn để đứng chân. Địch cử mật thám xâm nhập nhưng nhờ vận động người dân thực hiện tốt khẩu hiệu “ba không” (không nghe, không biết, không thấy) nên không để lộ, lọt thông tin, bảo đảm an toàn cho cán bộ.
Phát huy truyền thống yêu nước, suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh biên giới phía Bắc, nhiều người con của Thanh Vân hăng hái ra trận, góp phần làm nên thắng lợi của dân tộc. Kết thúc chiến tranh, gần 50 người con ưu tú của xã đã nằm lại trên các chiến trường, 33 người trở về nhưng mang theo nhiều vết thương. Ghi nhận những đóng góp đó, năm 1997, quân và dân xã Thanh Vân vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Một góc xã Thanh Vân ngày nay. |
Tiếp bước cha anh
Kế thừa truyền thống cách mạng hào hùng, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Thanh Vân luôn chăm lo xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, trọng tâm là sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xóa đói giảm nghèo. Cảnh quan môi trường 7 thôn trong xã luôn xanh, sạch, đẹp; xã không có tệ nạn xã hội. Trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thịnh, Bí thư Đảng ủy xã được biết, xã có hơn 5,7 nghìn nhân khẩu, chủ yếu sống nhờ nông nghiệp. Mặc dù là vùng quê thuần nông nhưng với sự năng động, chịu khó, người dân tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng có năng suất cao vào đồng ruộng. Hiện xã có 45 ha rau các loại, trong đó 22 ha trồng ớt cho thu nhập cao, mỗi sào cho thu khoảng 25 triệu đồng, cao gấp 10 lần so với cấy lúa. Vừa qua, trên địa bàn xã có gia đình ông Vũ Tiến Trường đầu tư khoảng 2 tỷ đồng xây dựng hơn 2 nghìn m2 nhà lưới với hệ thống tưới tiêu tự động để trồng rau ăn lá chất lượng cao và khu sơ chế. Mô hình mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở địa phương.
Đầu năm 2017, được sự quan tâm của chính quyền và ủng hộ của người dân, Công ty cổ phần Xuất khẩu thương mại mặt trời Suntech quyết định đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất linh kiện điện tử tại xã Thanh Vân. Đến nay, nhà xưởng đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 1 nghìn lao động, trong đó có gần 300 lao động trong xã với thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Kết quả này nâng thu nhập bình quân đầu người của xã lên 24 triệu đồng/người/năm, tăng 2 triệu đồng so với năm trước; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7%. Kinh tế ổn định, chính quyền và nhân dân trong xã đang tập trung cao xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Thanh Vân đã hoàn thành 16/19 tiêu chí. Hiện, các tiêu chí cứng hóa đường giao thông, môi trường và thiết chế văn hóa đang được xã khẩn trương thực hiện, phấn đấu về đích năm 2019.
Đi trên những con đường bê tông rộng thênh thang, trò chuyện với những nông dân bình dị, mến khách, nhìn nhà xưởng tiếp tục mọc lên, chúng tôi thấy được sự đổi thay ở vùng quê cách mạng. Vùng quê mà lớp lớp thế hệ những người đi trước đã không ngại cống hiến, hy sinh để bảo vệ, vun đắp và dựng xây.
Việt Anh
Ý kiến bạn đọc (0)