"Sống khoẻ" nhờ nghề mộc
Phần cửa của ngôi nhà gia đình anh Nguyễn Văn Huề đang ở. |
Làm đẹp cho người và cho mình
Đã đi nhiều nơi, ngắm nhiều ngôi nhà gỗ đẹp song chúng tôi không khỏi trầm trồ khi được anhNguyễn Văn Huề, thôn Quyết Thắng, xã Đồng Tân dẫn đi tham quan ngôi nhà gỗ của gia đình. Ngôi nhà 5 gian bề thế, rộng hơn 100 m2 được làm bằng hai loại gỗ chủ đạo là mít và sến (gỗ sến chỉ làm ở phần rui, mè).
Theo ông Nguyễn Văn Liên, người địa phương có kinh nghiệm về nhà gỗ thì đây là ngôi nhà kẻ truyền chồng rường được đục chạm công phu và được liệt vào hàng "có số" ở địa phương. Bên cạnh những họa tiết "tứ quý" (tùng, cúc, trúc, mai) còn bộ "tứ linh" (long, ly, quy, phượng)được chạm nổi cầu kỳ. Trong nghệ thuật kiến trúc dân gian, những họa tiết trên hàm ý sự hòa hợp giữa đất trời; sự trường thọ bền vững, cao sang và an lạc. “10 thợ giỏi phải làm việc liên tục hơn ba tháng mới xong. Từ khi công trình hoàn thiện đến nay có rất nhiều người đến lấy mẫu về làm theo. Gần đây có một vị khách đến trả giá 1,5 tỷ đồng nhưng tôi không bán” - anh Huề cho biết. Nét khác biệt của ngôi nhà là toàn bộ mặt ngoài 3 gian chính đều làm bằng gỗ với kỹ thuật đục chạm tinh xảo.
Từ phương thức cha truyền con nối, nghề mộc đã duy trì qua bao đời tại địa phương và mang lại thu nhập cao cho người làm nghề. Với xu thế của xã hội hiện nay, nghề này sẽ tiếp tục phát triển".
Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tân Nguyễn Ngọc Phương |
Đây chỉ là một trong hàng trăm ngôi nhà gỗ ở xã Đồng Tân do chính bàn tay người thợ địa phương thi công. Tìm hiểu thực tế thì thấy, mỗi ngôi nhà có một kiểu dáng, kiến trúc khác nhau tùy theo sở thích và điều kiện kinh tế của gia chủ. Tuy nhiên, với nhà cổ truyền thống thường được xây dựng với hai loại phổ biến là kẻ truyền suốt và kẻ truyền chồng rường... Thường, những ngôi nhà ở đây được làm bằng ba loại gỗ gồm xoan, lim và bạch đàn bởi dễ tìm lại hợp túi tiền. Còn các loại gỗ khác như mít hay sưa rất ít bởi giá thành cao. Nhiều gia đình khá giả cũng chỉ làm khung bằng gỗ lim hay mít, phần còn lại như đòn tay, rui, mè đều sử dụng các loại gỗ khác như bạch đàn, xoan. Hoa văn đục, chạm ở mỗi vị trí trong nhà đều có nét riêng.
Không chỉ làm nhà ở, những cánh thợ ở Đồng Tân còn làm nhà thờ họ, đình, chùa. Cũng theo ông Liên, mỗi năm cánh thợ của ông nhận tu bổ từ 15-20 ngôi đình, chùa ở khắp các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc. Do làm có trách nhiệm, uy tín nên thợ mộc Đồng Tân đi đến đâu cũng được khách hàng tín nhiệm đặt hàng, công trình nọ nối tiếp công trình kia, làm không hết việc. Riêng cánh thợ của ông Liên đang thi công tu bổ chùa Chèo, xã Thái Sơn (Hiệp Hòa), đồng thời nhận 4 đơn đặt hàng làm nhà mới ở trong và ngoài tỉnh.
Thu nhập cao
So với những nghề khác, nghề mộc ở Đồng Tân có thu nhập vào tốp đầu. Với thợ lành nghề, làm những việc đơn giản như phạt mộc, pha gỗ, bào... thu nhập mỗi ngày từ 350- 400 nghìn đồng. Còn thợ tay nghề cao, mức thu nhập bình quân lên tới 700-800 nghìn đồng/ngày. Anh Ngô Văn Anh, thôn Quyết Thắng cho biết: "Tôi làm nghề đã hơn chục năm, 4 năm gần đây được giao làm trưởng nhóm đục, chạm. Làm những công trình nhà ở bình bình thường, thu nhập khoảng 700 nghìn đồng/ngày; còn đảm nhận công đoạn khó khi thi công làm mới hay sửa chữa đình, chùa, mức thu nhập có khi lên tới 1 triệu đồng/ngày".
Được biết, với các nhóm trưởng, ngoài tay nghề nổi trội còn phải có kỹ năng quản lý, phân công công việc và có thể đảm đương được tất cả các công việc do khách yêu cầu, từ đục nổi đến đục chìm. Hiện trên địa bàn tỉnh ngoài tu sửa chùa Chèo, đình Ngọ Phúc (Hiệp Hòa), nhóm thợ của ông Liên còn nhận tu bổ đình Phù Lão, xã Đào Mỹ (Lạng Giang).... Theo thống kê, hiện xã Đồng Tân có hơn 1 nghìn thợ đang làm nghề, tập trung nhiều ở các thôn Hòa Bình, Quyết Thắng và Tân Thịnh. Hầu như nhà nào cũng có một, hai người làm thợ, đa số đều có tay nghề cao đảm nhiệm được tất cả các khâu công việc như cắt, bào, đục, chạm, dựng... Mỗi năm thu nhập của số thợ này đạt gần 200 tỷ đồng. Nhiều gia đình làm nghề trở nên khá giả, giàu có. Ngôi nhà gỗ của gia đình anh Nguyễn Văn Huề có được cũng bởi thu nhập từ làm nghề mộc.
Thanh Hải
Ý kiến bạn đọc (0)