Nơi đây in dấu chân Người
Ngược dòng lịch sử, năm xưa, thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm vinh dự được Đảng, Chính phủ chọn làm nơi mở trường tập huấn cho cán bộ giảm tô cải cách. Hơn 2 nghìn cán bộ cải cách đoàn Thái Nguyên, Bắc Giang đã về đây học tập.
Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm. |
Ngày 8/2/1955, Bác Hồ đã về dự và nói chuyện tại hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt II, sau đó Người đến thăm, động viên một số gia đình trong thôn. Sự kiện trọng đại đó mãi mãi được nhân dân nơi đây ghi nhớ, đưa vào sách Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Cẩm (1946-2020).
Thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới, năm 2012, Cẩm Xuyên là thôn đầu tiên của xã thực hiện mô hình điểm dồn điền đổi thửa. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy sức mạnh đoàn kết trong dân nên sau gần 3 tháng thì hoàn thành, khắc phục tình trạng đồng ruộng nhỏ hẹp, manh mún, việc sản xuất của bà con thuận lợi.
Lấy kinh nghiệm từ Cẩm Xuyên, việc dồn điền đổi thửa tiếp tục thành công ở các thôn Cẩm Hoàng, Cẩm Trung, Cẩm Bào, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn cho năng suất cao. Người dân thôn Cẩm Hoàng còn mạnh dạn đưa đào Nhật Tân về trồng mang lại lợi nhuận lớn. Tại thôn Cẩm Xuyên có tới 280/558 hộ làm nghề mộc mỹ nghệ.
Được chính quyền định hướng chuyển đổi nghề và nhà nước hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi nên nhiều hộ đầu tư máy móc, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất. Điển hình như cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ của hộ ông La Văn Lai, thôn Cẩm Xuyên; trang trại thủy sản của ông Ngô Đình Sỹ, thôn Xuân Biều; ông Vũ Văn Sơn, thôn Cẩm Hoàng trồng đào Nhật Tân...
Ông Nguyễn Quang Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, Xuân Cẩm đất chật, người đông, lại không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện song tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015-2020 (tháng 5/2015) xác định đây là nhiệm vụ quan trọng.
Ban Chấp hành Đảng bộ đề ra mục tiêu hoàn thành khi hết nhiệm kỳ song bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân nên công tác giải phóng mặt bằng làm đường giao thông, dồn diền đổi thửa, vệ sinh môi trường thuận lợi, đạt kết quả cao. Hiện nay, giao thông cả 5 thôn đều được cứng hóa và mở rộng, nhiều trục đường lớn trải nhựa. Đến tháng 12/2015 xã đạt chuẩn NTM, vượt trước 3 năm so với mục tiêu nghị quyết.
Người dân thôn Cẩm Xuyên sôi nổi tham gia phong trào thể thao. |
Hiện nay, Xuân Cẩm có hơn 12 nghìn nhân khẩu; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm chiếm 93%. Nơi đây có thôn Cẩm Xuyên được gọi là “làng tiến sĩ”. Phong trào học tập rộng khắp toàn xã. Tính đến tháng 5/2022, Xuân Cẩm có 37 người được phong các danh hiệu cao quý, học hàm, học vị cao, có nhiều đóng góp cho khoa học, phát triển KT-XH của quê hương, đất nước như: Giáo sư, nhà giáo ưu tú, tiến sĩ và hàng trăm cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp đại học.
Tiêu biểu là GS.TS- Nhà giáo Nhân dân La Văn Bình; GS.TS - Nhà giáo Nhân dân Ngô Thế Chi; Tiến sĩ Hoàng Thị Liễu... Năm nay, thôn Cẩm Xuyên lại tiên phong xây dựng thôn kiểu mẫu, tạo tiền đề để các thôn còn lại ra sức thi đua, phấn đấu đưa xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2025.
Để ghi nhớ công lao và tình cảm của Bác với nhân dân, UBND huyện Hiệp Hòa đã tôn tạo điểm lưu niệm khang trang, xây tường bao xung quanh kiên cố, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống. Người dân huyện Hiệp Hòa thêm tự hào khi điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên mới đây được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia, một lần nữa khẳng định giá trị lịch sử của sự kiện trong lòng dân tộc.
Trong tương lai, UBND huyện sẽ tiếp tục quan tâm dành kinh phí đầu tư, tôn tạo, nâng cấp di tích, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục truyền thống lịch sử, khơi dậy niềm tự hào về vùng quê cách mạng.
Bài, ảnh: Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)