Những kỷ vật ghi dấu ấn cách mạng
Chị Nguyễn Thị Hương giới thiệu với học sinh về các hiện vật trưng bày tại Nhà truyền thống. |
Chiếc mã tấu dù đã mẻ, không còn giá trị sử dụng nhưng mấy chục năm nay được ông Ngô Đức Ngạn, thôn Vân Xuyên, xã Hoàng Vân cất giữ cẩn thận. Bởi đây là kỷ vật mà cha của ông - người được cách mạng giao trọng trách cùng dân làng phá kho thóc Nhật tại Đồn Trị Cụ vào ngày 16 -3-1945 - để lại. Bao năm qua, mỗi dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, ông Ngạn thường mang chiếc mã tấu ra tỉ mỉ lau chùi và kể cho người thân, con cháu về thời kỳ đầy gian khó mà hào hùng.
Không chỉ lưu giữ những kỷ vật thiêng liêng, nhiều người dân còn hiến tặng tài liệu, hiện vật lịch sử bổ sung cho phòng trưng bày của Nhà truyền thống ATK II Hiệp Hòa, làm phong phú thêm tư liệu về vùng quê cách mạng bên sông Cầu. Đó là chiếc máy phục vụ in ấn tài liệu, là những vũ khí thô sơ như giáo, mác hay các chiến lợi phẩm thu được của địch… Mỗi hiện vật là một câu chuyện của làng xã, gắn với niềm tự hào về bề dày truyền thống cách mạng của vùng đất anh hùng. Qua đó giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước. Hiện Nhà truyền thống ATK II Hiệp Hòa đã sưu tầm và trưng bày gần 300 tư liệu, hiện vật, hình ảnh về văn hóa và truyền thống đấu tranh cách mạng. Chị Nguyễn Thị Hương, viên chức Trung tâm Văn hóa huyện Hiệp Hòa cho biết: “Tại Nhà truyền thống, các hiện vật được bảo quản và đánh số khoa học, ghi lý lịch để mọi người dễ tìm hiểu, tra cứu”.
Đến thăm khu trưng bày, em Nguyễn Thị Mỹ Lệ, lớp 9A, Trường THCS Hoàng Vân tự hào nói: “Em rất khâm phục ý chí, lòng dũng cảm của thế hệ cha anh đã vùng lên đánh đuổi quân xâm lược, giành độc lập dân tộc, cho chúng em có cuộc sống hòa bình hôm nay. Em tự hứa sẽ học tập thật tốt để xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng”.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa Tạ Việt Hùng, để giúp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử văn hóa, cách mạng của huyện, từ năm 2014 đến nay, UBND huyện đã phát động phong trào sưu tập, hiến tặng tài liệu, hiện vật lịch sử cách mạng. Các tài liệu, hiện vật chủ yếu liên quan đến điều kiện tự nhiên; lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc; bảo vệ và xây dựng quê hương qua các thời kỳ. Đặc biệt là giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám… Phong trào này đã được cán bộ, đảng viên, nhân dân trong và ngoài huyện hưởng ứng.
Thời gian tới, phát huy kết quả đạt được, huyện tích cực chỉ đạo các cấp, ngành mở rộng địa bàn và hình thức sưu tập, phấn đấu thu được nhiều tài liệu, hiện vật về truyền thống quê hương. “Mỗi kỷ vật về những ngày Tháng Tám hào hùng 72 năm trước góp phần hun đúc lòng yêu nước, niềm tự hào cho thế hệ trẻ Hiệp Hòa hôm nay và mai sau về truyền thống lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của quê hương cách mạng anh hùng”- Phó Chủ tịch UBND huyện Tạ Việt Hùng khẳng định.
Phương Nhung
Ý kiến bạn đọc (0)