Kinh nghiệm giải phóng mặt bằng ở Hiệp Hoà: Làm chặt các bước
Nhiệm vụ cấp bách
ĐT 295, đoạn qua huyện Hiệp Hoà, hai bên có người dân sinh sống, buôn bán từ lâu đời, giá trị mỗi m2 đất ở khá cao. Trong tổng số 739 hộ bị ảnh hưởng khi GPMB thực hiện dự án cải tạo đường, có 19 hộ nhà kiên cố 2 tầng, 3 tầng; 592 hộ là công trình ki ốt, mái che, mái vẩy, tường rào; 128 hộ có đất nông nghiệp và hàng trăm cột viễn thông, cột điện, cột đèn chiếu sáng trên tuyến. Nếu phải bồi thường thì chi phí rất lớn, có thể hơn cả tổng mức đầu tư làm đường.
Hơn nữa, nhiều hộ dân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sát đường, nếu thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ thì càng khó khăn vì phải xác định giá; xác minh nguồn gốc đất. Qua đó, có thể phát sinh nhiều đơn thư khiếu kiện, nguy cơ làm chậm dự án. Một số diện tích đất nông nghiệp của hộ dân không có nhà mặt đường cho rằng mình không được hưởng lợi nên khó đồng thuận hiến đất.
Dự án ĐT 295 đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. |
Trở ngại là vậy nhưng dự án cải tạo, nâng cấp ĐT 295 có ý nghĩa lớn lao. Với chiều dài hơn 16 km, đường đi các xã, thị trấn gồm: Thắng, Danh Thắng, Thường Thắng, Hương Lâm, Bắc Lý, Châu Minh, Mai Đình. Mặt đường hiện là 8 m. Theo quy mô dự án, sau cải tạo, toàn bộ tuyến đường có chiều rộng mặt đường là 13 m, bằng tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng (mở rộng 5 m so với mặt đường hiện tại).
"Các địa phương nghiên cứu, học tập kinh nghiệm GPMB ở Hiệp Hoà để áp dụng, nhân rộng. Đây là cách làm sáng tạo, không những không phát sinh đơn thư khiếu kiện mà còn tiết kiệm cho ngân sách, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng" - Đồng chí Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh. |
Tuyến đường mở rộng, thông thoáng sẽ thúc đẩy kết nối giao thương giữa huyện Hiệp Hòa với các địa phương như: Hà Nội, Bắc Ninh; kết nối các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Tuyến đường cũng là một trong những hạng mục quan trọng để phát triển hạ tầng giao thông, góp phần hoàn thiện tiêu chí đưa Hiệp Hoà trở thành đô thị loại IV vào năm 2025. Vì vậy đây là nhiệm vụ cấp bách đối với địa phương, cần có cách làm mới, phù hợp với thực tiễn, huy động sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể để tuyên truyền, vận động bà con nhân dân giải tỏa hành lang an toàn giao thông; hiến đất mở rộng lòng đường.
“Không ai mang vỉa hè, đoạn đường đi đâu”
Xác định rõ vai trò của công trình tác động đến phát triển KT-XH địa phương cũng như “rào cản” trong quá trình thực hiện nên huyện có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, ban hành nghị quyết riêng về triển khai tuyến đường. Đây là một trong những điểm mới trong triển khai GPMB bởi trước đây huyện chỉ ban hành nghị quyết chung về phát triển hạ tầng. Theo đó, ngay khi được Chủ tịch UBND tỉnh nhất trí về chủ trương, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Nghị quyết về lãnh đạo thực hiện giải tỏa hành lang an toàn giao thông, GPMB, chỉnh trang đô thị phục vụ cải tạo, nâng cấp ĐT 295. UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện, tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt kế hoạch làm đường. Thành phần tham dự ngoài lãnh đạo huyện, các cơ quan chuyên môn của UBND huyện, lãnh đạo, đoàn thể cấp xã còn có bí thư, trưởng các thôn, tổ dân phố có tuyến đường đi qua. Các đảng ủy, chi bộ các thôn, tổ dân phố đều có nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho đảng viên. Giao trách nhiệm cho các tổ chức đoàn thể chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên gương mẫu thực hiện giải tỏa hành lang an toàn giao thông, hiến đất làm đường.
Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Thắng nói: “Trong tuyên truyền, chúng tôi phải để người dân hiểu được việc cải tạo, nâng cấp là để phục vụ đời sống người dân. Đường làm xong, Nhà nước cũng không mang vỉa hè, đoạn đường đẹp đó đi đâu mà hộ dân được sử dụng. Khi gia đình có việc hay buôn bán có vỉa hè, đoạn đường rộng thì thuận lợi hơn, cớ gì mà không đồng ý. Vì vậy, hơn 360 hộ của thị trấn bị ảnh hưởng khi làm đường đã nhất trí cùng chung sức với chính quyền địa phương, hiến đất xây công trình”.
“0 đồng” GPMB
Khi tư tưởng được “đả thông” thì việc GPMB “thuận buồm, xuôi gió”. Những ngày này, tại thị trấn Thắng, các công trình liên quan đến dự án đều được người dân tự nguyện tháo dỡ. Ngoài ra, thị trấn thành lập một tổ giúp người dân giải toả công trình. Ông Phạm Văn Tuyên, tổ dân phố Dinh Hương nói: “Mỗi ngày gia đình tôi thu mua, kinh doanh khoảng 1 vạn quả trứng. Nhưng khi làm đường, cần phải phá bỏ một phần tường, mái che trước mặt, tôi tạm đóng cửa. Tôi hiểu, muốn đường nhanh xong thì nhanh bàn giao mặt bằng mới được”. Còn ông Nguyễn Quốc Chính, cùng tổ dân phố niềm nở: “Nhà tôi mất khoảng chục m2 đất ở nhưng lại được nhiều thứ khác. Không có Nhà nước làm đường thì mình sao được như vậy nên bà con đều phấn khởi”.
Cán bộ địa chính thị trấn Thắng tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận. |
Bên cạnh tuyên truyền, để chuẩn bị thực hiện dự án, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức ra quân giải tỏa hành lang an toàn giao thông. Tất cả các trường hợp vi phạm được lập biên bản, tổ chức tháo dỡ, sơn vạch ranh giới theo quy định. Sau khi giải tỏa, giao các xã, thị trấn và đơn vị chuyên môn quản lý chặt chẽ không để tái phạm. Quá trình thực hiện ở bước này, huyện tổ chức đo đạc (miễn phí) cho tất cả các hộ dân giáp với mặt đường; thực hiện việc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất miễn phí cho hộ dân.
Đến nay, trên toàn tuyến đã giải tỏa được 3.650 m2 (đạt 100%) các công trình ki ốt, mái che mái vẩy, cổng, tường rào; các hộ dân đã tự nguyện hiến toàn bộ khoảng 11 ha đất cần GPMB. Ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hoà cho biết: “Đất ở thị trấn hay dọc tuyến đường đều có giá trị cao. Tuy nhiên, có sự chung tay, góp sức của người dân nên cả tuyến đường dài huyện không mất chi phí bồi thường GPMB. Đây cũng là công trình có thời gian GPMB nhanh nhất trên địa bàn huyện, chỉ sau khoảng 1 tháng triển khai, cơ bản người dân đồng thuận, hiến đất làm công trình. Đạt được kết quả này, kinh nghiệm của huyện trước tiên là tuyên truyền, sau đó thực hiện giải toả hành lang an toàn giao thông. Khi đến bước này, bà con đều nhận thức rõ đây là sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị nên cần phải có trách nhiệm. Quá trình thực hiện, huyện thực hiện công khai, minh bạch tất cả các cơ chế, chính sách. Lãnh đạo huyện thường xuyên làm việc với các xã, thị trấn để kiểm điểm tiến độ. Đồng thời giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh”.
Hiện nay, tranh thủ có mặt bằng, nhà thầu thi công tuyến đường đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến, trước ngày 15/4 sẽ hoàn thành cải tạo đoạn từ thị trấn Thắng đến xã Danh Thắng; đoạn từ xã Danh Thắng đi Châu Minh xong trước 30/6; đoạn từ xã Châu Minh đến xã Mai Đình (làm mới 1 làn đường) xong trong năm 2023. Với sự thành công GPMB ĐT 295, huyện đang đề nghị tỉnh tiếp tục nâng cấp, cải tạo ĐT 296 đoạn từ thị trấn Thắng đến cầu Vát sang bên Sóc Sơn (Hà Nội). Khi triển khai tuyến đường, huyện chịu trách nhiệm GPMB, phấn đấu bàn giao cho đơn vị thi công trong thời gian sớm nhất.
Tại hội nghị kiểm điểm đầu tư xây dựng cơ bản của UBND tỉnh vừa qua, đồng chí Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Các địa phương nghiên cứu, học tập kinh nghiệm GPMB ở Hiệp Hoà để áp dụng, nhân rộng. Đây là cách làm sáng tạo, không những không phát sinh đơn thư khiếu kiện mà còn tiết kiệm cho ngân sách, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng”.
Bài, ảnh: Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)