Hoàng An - vùng quê cách mạng khởi sắc
BẮC GIANG - Phát huy truyền thống cách mạng của vùng An toàn khu II (ATK) Hiệp Hòa, cán bộ, đảng viên, nhân dân xã Hoàng An đã năng động chuyển đổi mô hình sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới.
Khai thác lợi thế, phát huy truyền thống cách mạng
Những ngày Tháng Tám lịch sử, chúng tôi về thăm xã Hoàng An, vùng quê cách mạng đang khởi sắc. Đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ, các thôn xóm xuất hiện những ngôi nhà cao tầng hiện đại, đẹp đẽ xen trong sắc xanh của cây lá. Nơi đây có Đình Chợ Vân - một trong 8 điểm di tích lịch sử của ATK II Hiệp Hòa được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và Nhà trưng bày ATK II là những "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp niềm tự hào dân tộc và tình yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ.
Các em học sinh tham quan Đình Chợ Vân. |
Hơn chục năm trở về trước, do hạn chế về nguồn lực đầu tư nên hạ tầng cơ sở ở xã Hoàng An vẫn lạc hậu, đời sống người dân còn khó khăn. Phát huy tiềm năng về đất đai, nguồn lực lao động, có bề dày truyền thống quê hương cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hoàng An đã không ngừng phấn đấu để phát triển toàn diện, nhất là từ khi xã triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cùng nỗ lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân, năm 2015 xã đạt chuẩn NTM và tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao, đặc biệt trong đó là tiêu chí thu nhập.
Cùng với đầu tư nâng cấp hạ tầng làm động lực phát triển kinh tế, các công trình trường học, trạm y tế trên địa bàn xã đều được quan tâm bố trí kinh phí xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Toàn bộ các thôn có nhà văn hóa, 100% đường liên xã và đường trục xóm được đổ bê tông. Mới đây, từ nhiều nguồn lực, đường nội đồng, kênh mương ở một số thôn được cứng hóa, tạo điều kiện thuận lợi để bà con phát triển sản xuất.
Hằng ngày, bà Bùi Thị Đài ở thôn Bảo An gói bánh chưng để bán. |
Hoàng An vốn nổi tiếng với sản phẩm bánh chưng Vân. Phát huy lợi thế này, xã thành lập tổ hội nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bánh chưng Vân với gần 40 hộ làm nghề. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao An Bình chuyên chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi và làm bánh chưng.
Bánh chưng Vân được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh năm 2022. Khác với bánh chưng gói lá dong thường có màu xanh nhạt của diệp lục ở lá thấm vào khi luộc, bánh chưng Vân gần như vẫn giữ được nguyên màu trắng vì gói bằng lá chít. Hương vị dẻo thơm, bùi ngậy của gạo nếp cái hoa vàng quyện với đỗ xanh, thịt mỡ được nhiều thực khách ưa thích. Cũng từ nghề truyền thống gói bánh chưng mà nhiều gia đình thoát nghèo, có của ăn của để. Như bà Bùi Thị Đài (SN 1960), thôn Bảo An học gói bánh chưng từ năm 15 tuổi để rồi lớn lên, lập gia đình, nghề này đã mang lại nguồn thu chính cho vợ chồng bà. Hằng ngày, ngoài gói bánh chưng, bánh tro, bánh gai bán tại nhà, bà còn làm bánh theo đơn đặt hàng của khách. Trung bình mỗi tháng, gia đình xuất bán hơn 1 nghìn chiếc bánh các loại. Cao điểm như dịp Tết nguyên đán năm 2024, lò bánh của gia đình bà Đài bán ra thị trường hàng chục nghìn chiếc bánh chưng. Bà chia sẻ: “Từ nghề này, vợ chồng tôi có điều kiện nuôi các con ăn học, trưởng thành như hiện nay”.
Năm 2023, tổng diện tích trồng trọt của xã là 668 ha; trong đó chủ yếu cây lúa với 439 ha, còn lại là rau màu các loại. Tổng đàn gia súc, gia cầm đạt hơn 13 nghìn con. Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, hằng năm, xã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con; triển khai nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Đơn cử như mô hình 37ha Lúa chất lượng cao TBR 225 tại các thôn: Bảo An, An Cập, Hoàng Liên cho năng suất trung bình khoảng 62 tạ/ha. Mô hình lúa nếp cái hoa vàng 20 ha tại các thôn này đạt năng suất trung bình 52 tạ/ha.
Năng động chuyển đổi nghề
Không chỉ phát triển nghề truyền thống, người dân Hoàng An còn năng động đưa thêm nghề mới, tạo việc làm, tăng thu nhập và làm giàu. Thôn Hoàng Liên được nhiều người biết đến với những ngôi nhà khang trang xen giữa những vườn cây xanh xum xuê, trù phú của vùng quê cách mạng ATK II. Bà Nguyễn Thị Hà, trưởng thôn cho biết: Thôn có 530 hộ, hơn 2 nghìn nhân khẩu. Trước đây, người dân trong thôn chỉ quanh quẩn với ruộng đồng, cây lúa. Cách đây 30 năm, nhờ nhạy bén thị trường, một số hộ đã chuyển đổi sang ươm giống, cung cấp cây xanh cho các công trình, dự án. Thay vì chỉ có những ruộng khoai, lúa; từ đó đến nay, khắp làng quê Hoàng Liên phủ một màu xanh của những hàng cây như: Bàng nhập khẩu, lộc vừng, bằng lăng, phong linh, sưa, sấu, sao đen và nhiều loại cây công trình khác. Nghề kinh doanh cây công trình đã mang lại thu nhập cao cho nhiều gia đình, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn. Không chỉ thanh niên có việc làm mà người già, người trung tuổi cũng tận dụng góc sân, mảnh vườn để trồng cây, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình và đóng góp xây dựng quê hương. Trong thôn hiện có khoảng 50 hộ làm nghề ươm cây giống và kinh doanh cây công trình. Thôn Hoàng Liên ngày càng có nhiều hộ khá, giàu và hiện chỉ còn 15 hộ nghèo, chủ yếu thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, không có khả năng lao động.
Công ty TNHH Sản xuất cơ khí và Thương mại Hoàng Phương ở thôn Bảo An tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. |
Chị Ngô Thị Lý, Giám đốc Công ty TNHH Cây xanh Bắc Giang ở thôn Hoàng Liên có nhiều năm kinh nghiệm trồng, kinh doanh các loại cây công trình. Không chỉ ươm giống, bán cây mà doanh nghiệp còn kết nối bao tiêu sản phẩm cho một số hộ dân ở thôn Vạn Thạch, xã Hoàng Vân. Mỗi năm công ty cung cấp ra thị trường hàng chục vạn cây công trình. Chị Lý cho biết: “Nghề ươm giống, buôn bán cây công trình đã có từ lâu năm và ngày càng phát triển. Hiện gia đình chị và trong họ có hàng chục người kinh doanh cây công trình, thu nhập ổn định".
Hiện nay, trên địa bàn xã Hoàng An có 39 doanh nghiệp đang hoạt động tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Ngoài ra, người dân còn năng động phát triển dịch vụ thương mại, toàn xã có 370 hộ buôn bán nhỏ, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Nhiều lao động làm nghề xây dựng, mộc và các dịch vụ, thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng. Nhờ sự cần cù chịu khó, ham học hỏi mà đời sống người dân ở vùng ATK II ngày càng được nâng cao; số hộ nghèo giảm hằng năm. Năm 2023, xã còn 32 hộ nghèo, tỷ lệ 1,77%; 49 hộ cận nghèo, tỷ lệ 2,71%.
Ông Nguyễn Đình Long Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Truyền thống cách mạng là niềm tự hào và trở thành động lực cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Hoàng An phấn đấu, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp".
Xã được hưởng chính sách hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng vùng ATK II như: Làm đường bê tông; nâng cấp, tu sửa di tích; người dân được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế… Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả. Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển KT-XH. Thực hiện tốt công tác giảm nghèo, chăm lo an sinh xã hội; khuyến khích các đoàn thể giúp đỡ hội viên về giống, vốn sản xuất; đẩy mạnh tuyên truyền, khơi gợi ý chí tự lực, tự cường vươn lên của nhân dân. Mới đây, từ nguồn vốn thuộc Dự án 2 "Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo" thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024, xã triển khai dự án hỗ trợ bò sinh sản cho 19 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đây sẽ là sinh kế để người nghèo có việc làm, tạo thu nhập ổn định giúp các hộ sớm vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Bài, ảnh: Nguyên Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)