Hiệp Hòa: Phấn đấu trở thành trung tâm động lực kinh tế phía Tây
Một trong những điểm nhấn ở Hiệp Hòa năm qua là việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông. Đồng chí Hoàng Công Bộ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Giai đoạn 2021-2025, huyện ưu tiên, tập trung cao nguồn lực phát triển giao thông đối ngoại. Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành xây dựng các tuyến giao thông kết nối liên hoàn các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ, khu dân cư mới. Tập trung đầu tư một số tuyến đường, cầu trọng điểm qua sông Cầu theo quy hoạch được phê duyệt”.
Thực tế, các tuyến đường đã và đang triển khai thời gian qua mở ra nhiều cơ hội cho huyện bứt phá. Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, năm 2022, toàn huyện triển khai cải tạo, nâng cấp, mở mới 53 km đường giao thông (đạt 47,7% so với kế hoạch giai đoạn 2021-2025) và 4 cầu dân sinh (trong đó 3 cầu đã hoàn thành), tổng mức đầu tư khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tuyến đường Bắc - Nam với tổng kinh phí hơn 400 tỷ đồng đã hoàn thành, góp phần chia sẻ lưu lượng giao thông cho tuyến ĐT 295; trở thành tuyến chính giao thương sang Hà Nội qua cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú; vận chuyển hàng hóa đến các cụm công nghiệp Việt Nhật, Jutech và trong tương lai là Khu công nghiệp (KCN) Hương Lâm - Xuân Cẩm. Cùng đó tạo động lực mở rộng không gian đô thị của huyện với các khu đô thị-dịch vụ thương mại mới như Tây Nam thị trấn Thắng; Thường Thắng, Bắc Lý.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo huyện Hiệp Hòa trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đình Xuân Biều cho lãnh đạo xã Xuân Cẩm và thôn Xuân Biều, tháng 9/2022. |
Đường nối ĐT 295 lên đê sông Cầu dài khoảng 2,5 km giữ vai trò quan trọng là vành đai kết nối với KCN Hòa Phú, đồng thời, tạo động lực cho sự phát triển các khu đô thị, thương mại dịch vụ mới thuộc 3 xã Châu Minh, Mai Đình, Hương Lâm, từ đó hỗ trợ sự phát triển của KCN Hòa Phú và Hòa Phú mở rộng.
Trên tuyến đường nối QL 37 đi Thái Nguyên dài hơn 10 km sẽ có cầu Hòa Sơn bắc sang TP Phổ Yên, kết nối trực tiếp với KCN Yên Bình. Trên tuyến này, theo quy hoạch huyện Hiệp Hòa sẽ có một cụm công nghiệp Hòa Sơn-Quang Minh; mở 2-3 khu đô thị mới tạo động lực cho sự phát triển của khu vực thượng huyện. Hay việc xây dựng đường dẫn và cầu Hà Bắc 2 là điều kiện tốt để huyện thu hút đầu tư xây dựng cảng logistics Đông Lỗ - Tiên Sơn, tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động của toàn bộ các KCN, cụm công nghiệp trên dọc trục đường vành đai 4…
Rất dễ nhận thấy, với hạ tầng giao thông như vậy, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện sẽ được “kéo” gần nhau hơn, huyện Hiệp Hòa ngày càng có sự kết nối chặt chẽ, từ đó đẩy mạnh giao thương sang các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên - những địa phương phát triển công nghiệp rất mạnh.
Bên cạnh đó, để tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển thành vùng động lực phía Tây của tỉnh, sau khi được công nhận huyện nông thôn mới (NTM), năm qua, Hiệp Hòa đã xây dựng cơ chế, chính sách, tập trung nguồn lực đầu tư nâng chất lượng các tiêu chí. Theo đó, huyện bố trí kinh phí hỗ trợ 2-3 tỷ đồng cho mỗi xã đăng ký xây dựng NTM nâng cao, từ 300-400 triệu đồng (tùy theo loại thôn) cho các thôn kiểu mẫu thực hiện trong năm. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ gần 40 tỷ đồng từ ngân sách T.Ư, tỉnh và huyện cùng sự đầu tư của các địa phương, đến nay, huyện hoàn thành xây dựng thêm 3 xã NTM nâng cao, 12 thôn NTM và 17 thôn NTM kiểu mẫu, vượt chỉ tiêu được giao.
Ngoài ra, huyện ưu tiên đầu tư kinh phí xây dựng, chỉnh trang cơ sở vật chất phục vụ sự nghiệp giáo dục với 236 phòng học, 134 phòng chức năng, góp phần nâng tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học lên gần 94%, vượt mức bình quân chung của tỉnh. Để tiêu chí môi trường nâng lên về chất, huyện tập trung chỉ đạo hoàn thành công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện dự án xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn huyện Hiệp Hòa (giai đoạn 1- xã Đông Lỗ).
Cùng với tạo động lực trong phát triển KT-XH, Hiệp Hòa chú trọng xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị vững mạnh; tập trung khắc phục, giải quyết tốt những mặt hạn chế. Nổi bật là chỉ đạo tổ chức thành công đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở gắn với bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng dân phố nhiệm kỳ 2022-2025, nâng tỷ lệ trưởng thôn là đảng viên lên 93,7% (vượt 8,7% chỉ tiêu nhiệm vụ BTV Tỉnh ủy giao).
Khu công nghiệp Hòa Phú đang được giải phóng mặt bằng để mở rộng giai đoạn I. |
Hỗ trợ kinh phí mỗi xã 150 triệu đồng xây dựng mô hình chính quyền thân thiện. Hết tháng 11/2022, 100% xã, thị trấn hoàn thành ra mắt mô hình. Ngoài tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử và xử lý công việc cho cán bộ, công chức, huyện yêu cầu các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc. Trực tiếp nắm bắt mức độ hài lòng của công dân khi đến liên hệ để kịp thời động viên, khích lệ hoặc nhắc nhở, chấn chỉnh tác phong, lề lối đối với đội ngũ cán bộ. Những mặt hạn chế trong công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng từng bước được tập trung khắc phục hiệu quả. Giải quyết đơn, thư mới phát sinh trong năm đạt 100%. Nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến một số người dân ở xã Hợp Thịnh, Mai Đình, Xuân Cẩm đã được giải quyết xong…
Những kết quả tích cực trên góp phần giúp huyện Hiệp Hòa tạo dựng nền tảng vững chắc để phấn đấu cho mục tiêu xây dựng, phát triển huyện trở thành trung tâm động lực kinh tế phía Tây của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.
Bài, ảnh: Quốc Trường
Ý kiến bạn đọc (0)