Hiệp Hòa: Giải tỏa nhiều công trình trong hành lang bảo vệ đê điều
Cán bộ xã gặp gỡ, tuyên truyền, vận động nhân dân thôn Cẩm Hoàng, xã Xuân Cẩm bảo vệ hành lang an toàn đê điều. |
Hiệp Hòa có 39,6 km đê cấp III tả Cầu, đi qua 11 xã của huyện. Tuyến đê chạy qua các làng cổ, người dân sinh sống từ lâu đời nên đã xây dựng một số công trình, nhà cửa vi phạm hành lang bảo vệ đê, ảnh hưởng đến nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn có 32 điểm tập kết, kinh doanh cát, sỏi ven đê; trong đó 14 hộ chưa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Các trường hợp này sử dụng hành lang đê làm nơi tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi... tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn hành lang bảo vệ đê.
Nhiều hộ dân thôn Cẩm Bào, xã Xuân Cẩm tháo dỡ công trình vi phạm hành lang bảo vệ đê. |
Từ năm 2022 đến nay, huyện đã xử lý 29/29 trường hợp vi phạm, trong đó tự giải tỏa 25 trường hợp; lập hồ sơ xử phạt hành chính, cưỡng chế, yêu cầu dừng hoạt động 4 trường hợp.
Huyện đã chỉ đạo hướng dẫn các hộ kinh doanh cát sỏi ven sông hoàn tất các thủ tục về đất đai, bến thủy nội địa, bảo vệ môi trường… để các hộ đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.
Thi công cứng hóa đường gom lên đê khu vực kè Đại Mão, xã Đại Thành. |
Đối với các bến, bãi không có trong quy hoạch, không có chấp thuận chủ trương đầu tư, huyện đã giải tỏa xong 14/14 trường hợp. Sau giải tỏa, huyện giao nhiệm vụ trực tiếp cho chủ tịch UBND các xã quản lý, chịu trách nhiệm nếu để tái lấn chiếm.
Cùng với việc xử lý vi phạm đê điều, năm 2022, huyện đầu tư cứng hóa mặt đê tả Cầu đoạn đi qua xã Hợp Thịnh dài hơn 1,5 km, kinh phí gần 8 tỷ đồng. Trên địa bàn đã hình thành các tuyến đê kiểu mẫu đi qua làng cổ, các điểm dân cư hiện hữu. Những kết quả trên cho thấy quyết tâm chính trị cao của huyện Hiệp Hòa trong công tác bảo vệ đê điều, bảo đảm an toàn chống lũ.
Tin, ảnh: Phương Nhung
Ý kiến bạn đọc (0)