Góp sức gìn giữ di tích ATK II
Tự hào, trân quý di sản
Đến tham quan đình Vân Xuyên (xã Hoàng Vân) vào một ngày cuối tháng 4, khi chúng tôi loay hoay liên lạc với Ban Quản lý di tích thì có người đàn ông bước tới hỏi thăm. Đó chính là ông Ngô Văn Điệp (SN 1960), người trông coi ngôi đình.
Ông Nguyễn Bá Nghĩa giới thiệu về đình Xuân Biều. |
Ông cho biết, thường ngày, cửa đình được đóng kín để phòng kẻ gian. Tuy nhiên, khi làng có việc, ông thường đến sớm để mở cửa, chuẩn bị bàn ghế, trà thuốc. Mỗi khi du khách hay người dân muốn tham quan di tích đình Vân Xuyên, chỉ cần gọi vào số điện thoại được gắn trên cổng để liên lạc, ít phút sau, ông Điệp đã có mặt mở cửa.
Khi còn nhỏ, ông Điệp đã theo cha phụ việc, sắp xếp bàn ghế, lo trà nước cho quan khách ở đình mỗi dịp lễ hội hay làng có việc quan trọng. Với mong muốn cùng góp sức giữ gìn văn hóa, truyền thống tốt đẹp của làng, cách đây hơn 10 năm khi cha già yếu, ông Điệp được dân làng tín nhiệm giao việc chăm sóc, trông coi và việc cúng tế tại đây. Vừa tiếp chuyện chúng tôi, ông Điệp vừa lau chùi chiếc kiệu nằm trong gian trái đình. Đây là chiếc kiệu dùng để rước thánh mỗi khi tổ chức lễ tế thần.
Theo sử sách ghi lại: Đêm 1/6/1945, đội tự vệ tổng Hoàng Vân cùng lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Giang tập trung ở đình Vân Xuyên tiến vào huyện giành chính quyền, thành lập chính quyền cách mạng. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chặng đường đấu tranh cách mạng của Đảng, đưa huyện trở thành địa phương được giải phóng sớm nhất của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh trước ngày tổng khởi nghĩa ở Hà Nội (19/8/1945).
Xưa kia, đình làng là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng. Những năm sau này, đất nước phát triển, cuộc sống có nhiều đổi thay, hoạt động văn nghệ, thể thao được tổ chức tại nhà văn hóa thôn nhưng không gian đình Vân Xuyên vẫn là nơi thân quen, gần gũi với bà con. Ngày rằm, lễ Tết, nhân dân sắm sửa hương hoa, trà, thuốc mang ra đình lễ thánh, cầu sức khỏe, mưa thuận gió hòa, bình an, may mắn cho nhân dân trong làng.
Từ khi nhận nhiệm vụ chăm sóc đình Vân Xuyên, ông Điệp chẳng mấy khi đi đâu xa mà thường xuyên lui tới đình để gìn giữ các đồ vật do người xưa để lại. Nhờ có bàn tay của ông Điệp nên đình luôn sạch sẽ, ngăn nắp, người dân thường đến đây để thư giãn, ngắm cảnh.
Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, ông cho biết thêm, đình làng là hồn cốt của một vùng quê mà ai đi xa cũng hướng về. Năm 2020, đình Vân Xuyên là một trong 8 di tích ATK II vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia Đặc biệt, nhân dân càng thêm tự hào, dạy bảo con cháu ra sức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Phát huy giá trị di tích
Năm 1999, ông Nguyễn Bá Nghĩa (SN 1946), ở thôn Xuân Biều, xã Xuân Cẩm được Chi hội Người cao tuổi thôn tín nhiệm giao đảm nhận công việc trông nom đình Xuân Biều. Dù không có thù lao hỗ trợ song 23 năm qua, ông cùng vợ luôn cần mẫn, trách nhiệm với công việc chung của làng.
Ông Ngô Văn Điệp trông coi, dọn dẹp đình Vân Xuyên. |
Đưa chúng tôi đi tham quan một vòng quanh đình và giới thiệu về di tích, ông Nghĩa kể: “Trẻ vui nhà, già vui chùa, tôi thường xuyên dọn dẹp, chăm sóc, hương khói để nơi thờ tự linh thiêng luôn ấm cúng. Đây cũng là niềm vui tinh thần của người cao tuổi”.
Cách đây gần 80 năm, ngày 12/3/1945 tại đình Xuân Biều diễn ra cuộc mít tinh giành chính quyền cấp xã đầu tiên trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Bắc Giang và là một trong những cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cấp xã sớm trên toàn quốc. Với ý nghĩa lịch sử đó, đình làng Xuân Biều được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đặc biệt. Nơi đây còn nhiều hiện vật quý như: Bài vị, kiệu, long đình, hai ngai thờ Đức Thánh...
Trẻ vui nhà, già vui chùa, tôi thường xuyên dọn dẹp, chăm sóc, hương khói để nơi thờ tự linh thiêng luôn ấm cúng. Đây cũng là niềm vui tinh thần của người cao tuổi”. Ông Nguyễn Bá Nghĩa (SN 1946), ở thôn Xuân Biều, xã Xuân Cẩm |
Theo các cụ truyền lại, xa xưa do không có người trông coi thường xuyên nên kẻ trộm lẻn vào đình lấy mất đôi lục bình quý. Từ ngày ông Nghĩa nhận quán xuyến trông coi, tài sản quý báu từ thời ông cha xưa để lại được chăm chút gìn giữ, không để xảy ra mất cắp.
Ông Nghĩa chia sẻ: “Năm nay, đình Xuân Biều đang được Nhà nước trùng tu, nâng cấp với kinh phí 12 tỷ đồng dự kiến hoàn thành cuối năm. Chúng tôi mong muốn sau khi hoàn thành, di tích sẽ phát huy hơn nữa giá trị lịch sử, văn hóa; trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc cho thế hệ trẻ đồng thời thu hút du khách tham quan, vãn cảnh".
Theo tập quán văn hóa làng xã, đình làng là nơi linh thiêng của cộng đồng dân cư sở tại. Người dân quê hương Hiệp Hòa càng tự hào hơn khi đình Xuân Biều và đình Vân Xuyên gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, các phong trào đấu tranh cách mạng của dân tộc.
Ông Đồng Quang Khánh, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hiệp Hòa cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện luôn chung sức bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di tích. Các điểm di tích đình, lăng, miếu đều có ban quản lý, cử người tâm huyết, trách nhiệm như các ông Ngô Văn Điệp, Nguyễn Bá Nghĩa để giao cho công việc trông coi. Nhờ vậy các di tích được bảo vệ, gìn giữ, không để xảy ra mất an ninh trật tự, trộm cắp cổ vật.
Bài, ảnh: Ngọc Anh - Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)