Đôi nghê - linh vật quý hiếm ở đình Quyền
Đây là hai tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử, kiến trúc và văn hóa tâm linh. Theo các cụ cao niên trong làng, đôi linh vật nghê này có từ những năm đầu tiên khởi lập đình, được dân làng tôn thờ trên hương án trong hậu cung. Hình dáng đôi linh vật nghê đang chống hai chân trước, dáng thu mình vươn cao, tư thế ngẩng đầu, cổ vươn, mặt hướng lên phía trên. Mắt nghê lồi, mũi nở, miệng rộng ngậm viên ngọc, tai có hình như tai voi nhỏ, có nhiều vòng râu xoăn nối dài, bờm tóc kết thành những sóng to, ức nở. Phần thân và đùi nghê có chạm nổi vảy rồng, lưng khum hình mây lửa, bàn chân có móng vuốt, đuôi vuốt thẳng sau lưng. Đôi nghê được tạo dáng thuần Việt, thanh thoát, ngộ nghĩnh mang đậm nét kiến trúc điêu khắc thời Lê, thể hiện được tài hoa của bàn tay nghệ nhân thời bấy giờ.
Đôi nghê – linh vật quý hiếm ở đình Quyền. |
Đôi nghê được đặt trong hậu cung, trên hương án, trước ngai vị của Thành hoàng làng nên càng tôn thêm sự uy nghi. Ông Trần Nam Tư, thủ nhang ở đình Quyền cho biết: “Đã có nhiều nhà nghiên cứu văn hoá, nhiếp ảnh… đến tìm hiểu, khảo sát, quay phim, chụp ảnh đều rất thích thú về đường nét nghệ thuật tinh xảo của đôi linh vật nghê cổ này. Người dân, con em xa quê mỗi khi có việc làng vào đình thắp hương và được tôi giới thiệu đều trầm trồ khen ngợi và rất tự hào về đôi nghê quý này”.
Toàn tỉnh còn nhiều đôi linh vật nghê được lưu giữ trong các di tích nhưng đa phần làm bằng đá, còn chạm khắc bằng gỗ như đôi nghê ở đình Quyền thì rất hiếm. |
Theo ông Tư, đôi linh vật nghê quý hiếm này tồn tại được đến ngày nay do công tác bảo tồn di tích được nhân dân địa phương quan tâm hàng trăm năm qua, là cổ vật linh thiêng của làng. Chỉ khi nào có việc, ông Tư mới mở cửa đình, sau đó lại khóa chặt. Ngày 10 tháng Giêng hằng năm là lễ hội đình Quyền, đôi linh vật nghê được bao sái bằng nước rượu gừng. Trong ngày sự lệ này dân làng có thể được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đôi nghê cổ quý hiếm dưới sự hướng dẫn của ông thủ nhang.
Đình Quyền đã được tu sửa lại, có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 5 gian toà tiền đình nối một gian hậu cung. Các cấu kiện kiến trúc còn bảo lưu được một số mảng chạm khắc có giá trị nghệ thuật. Trong đình thờ ba anh em: Thanh Công Bản cảnh Chiêu Thảo đại vương, Kỳ Công Bản cảnh Chiêm Báo đại vương và Kim Nương Bà Kỳ Đô công chúa hiển Thánh ở thời Trần. Các vị có công đánh giặc ngoại xâm và dạy dân làm nghề nông ở trang Sơn Giao xưa (Ngọc Sơn ngày nay). Ông Phạm Hải Quân, cán bộ văn hóa - xã hội xã Ngọc Sơn chia sẻ: “Đình quyền là di tích lịch sử văn hoá có giá trị trên nhiều phương diện. Ban Quản lý di tích đình Quyền thường xuyên tuyên truyền nhân dân cùng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đặc biệt là việc gìn giữ đôi nghê cổ”.
Được biết, toàn tỉnh còn nhiều đôi linh vật nghê được lưu giữ trong các di tích nhưng đa phần làm bằng đá, còn chạm khắc bằng gỗ từ thế kỷ XVIII như đôi nghê ở đình Quyền thì rất hiếm. Có thể nói đôi linh vật nghê ở đình Quyền là tiêu bản chuẩn cho hình mẫu linh vật nghê thuần Việt, hiện vật quan trọng có giá trị để nghiên cứu bảo tồn và phát huy.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)