Công nghiệp về làng, cuộc sống đổi thay
|
Nông thôn khởi sắc
Trở lại thôn Ninh Tào, xã Hợp Thịnh một ngày đầu tháng 3, chúng tôi thấy nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang mới được xây dựng. Theo ông Đào Văn Quán, Trưởng thôn Ninh Tào, hơn 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được thu hồi để xây dựng Cụm công nghiệp Hợp Thịnh.
Diện mạo thôn Ninh Tào, xã Hợp Thịnh ngày càng khởi sắc. |
Do vậy, đến nay gần 90% người dân trong độ tuổi lao động làm việc trong doanh nghiệp; nhiều gia đình có 3 đến 4 người là công nhân, thu nhập ổn định từ 5-10 triệu đồng/người/tháng. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Ngọc Ký có 8 khẩu thì 3 người là công nhân. Từ nguồn tiền tích cóp, cách đây 2 năm, gia đình anh xây được căn nhà khang trang trị giá hơn 1 tỷ đồng. Như lời anh Ký nói, nếu không có công việc ở doanh nghiệp mà chỉ trông vào đồng ruộng thì có lẽ việc xây nhà to đẹp chỉ là giấc mơ.
Có vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp với huyện Phổ Yên (Thái Nguyên), TP Hà Nội, lại có Cụm công nghiệp Hợp Thịnh nên đời sống người dân xã Hợp Thịnh gần đây nhiều đổi thay. Riêng trong xã có 23 doanh nghiệp đang hoạt động thu hút hơn 1 nghìn lao động.
Ngoài ra còn hơn 2 nghìn người làm tại các doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh, thu nhập từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. Mỗi sáng, tại khu vực trung tâm xã có hàng chục xe ô tô đưa người dân đi làm công ty tại khắp nơi. Trong câu chuyện với Chủ tịch UBND xã Hợp Thịnh Nguyễn Văn Hảo được biết, tỷ lệ hộ nghèo ở xã hiện chỉ còn 2,24% (giảm hơn 7% so với năm 2015), việc huy động nhân dân đóng góp các loại quỹ an sinh xã hội có nhiều thuận lợi.
Nhiều doanh nghiệp khác như: Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong, xã Đoan Bái; Công ty cổ phần Thời trang Hà Thanh, xã Hoàng Thanh; Công ty TNHH một thành viên Việt Pan Pacific world, xã Danh Thắng; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thương mại công nghệ mặt trời, xã Thanh Vân cũng thu hút hàng nghìn lao động địa phương.
Theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động huyện, khi dịch Covid-19 xảy ra các đơn vị đã nỗ lực duy trì sản xuất, đổi mới mẫu mã, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, vì thế trên địa bàn huyện không có doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc cắt giảm nhân công, người dân có việc làm, thu nhập để trang trải cuộc sống.
Chọn nhà đầu tư thân thiện
Theo tổng hợp của UBND huyện, 5 năm qua, Hiệp Hòa thu hút 95 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư hơn 5.193 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với năm 2015. Toàn huyện có hơn 450 doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 20 nghìn lao động địa phương thu nhập bình quân từ 5 đến 9 triệu đồng/người/tháng.
Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh và dịch vụ Nông nghiệp sạch Đông Hưng, xã Đông Lỗ trồng rau cung cấp cho bếp ăn công nghiệp. |
Thay vì trước đây người dân Hiệp Hòa phải đi xa làm ăn thì nay đã trở về địa phương tìm việc. Chị Nguyễn Thị Dịu, thôn Thanh Phác, xã Thanh Vân là công nhân Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Sản xuất thương mại công nghệ mặt trời, Cụm công nghiệp Thanh Vân cho hay: “Trước đây vì không tìm được việc làm ở quê nên tôi phải đi làm cách nhà hơn 20 cây số. Khoảng 3 năm nay, khi biết ở quê có doanh nghiệp đầu tư nhà máy, tôi xin về làm việc để được gần nhà, tiện chăm sóc gia đình”.
5 năm qua, huyện Hiệp Hòa thu hút 95 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư hơn 5.193 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với năm 2015. Toàn huyện có hơn 450 doanh nghiệp, hợp tác xã tạo việc làm cho 20 nghìn lao động địa phương. |
Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, huyện Hiệp Hòa xác định mục tiêu phát triển công nghiệp, coi đây là trụ cột của nền kinh tế; ngoài ra chú trọng phát triển dịch vụ, nông nghiệp hàng hóa. Ví như tại xã Đông Lỗ hiện có diện tích trồng rau lớn của huyện Hiệp Hòa với 103 ha. Tại đây, ngoài những lao động trẻ tìm được việc trong nhà máy, nhiều lao động trung tuổi đã tận dụng diện tích đất canh tác còn lại để sản xuất rau màu cung cấp cho các bếp ăn tập thể, siêu thị.
Theo bà Đào Thị Vui, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ rau sạch Hưng Thịnh thì 5 năm gần đây, nhân dân dồn điền đổi thửa tập trung sản xuất theo hướng an toàn trong nhà màng nên năng suất cao, tiêu thụ thuận lợi. Trung bình mỗi ngày Hợp tác xã thu hoạch khoảng 3,5 tấn rau lá và củ quả các loại.
Việc tiêu thụ thuận lợi bởi phần lớn sản phẩm đã được ký hợp đồng với bếp ăn của Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong, xã Đoan Bái và Công ty cổ phần May Minh Đức (Việt Yên). Nhiều xã khác như: Đoan Bái, Mai Trung, Mai Đình cũng có diện tích rau màu lớn cung cấp cho doanh nghiệp.
Bên cạnh những lợi ích mang lại, người dân các xã ven khu, cụm công nghiệp lại lo ngại môi trường ô nhiễm, an ninh trật tự phức tạp. Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong chính sách thu hút đầu tư, huyện quan tâm mời gọi những doanh nghiệp lĩnh vực gia công hàng may mặc xuất khẩu, sản xuất linh kiện điện tử, cơ khí chế tạo, chế biến nông lâm sản, công nghiệp phụ trợ thân thiện với môi trường. Về lâu dài, để bảo đảm đời sống người dân, huyện chỉ đạo các ngành chức năng quan tâm các hoạt động an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn các xã ven khu, cụm công nghiệp.
Bài, ảnh: Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)