Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử Chiến thắng Như Nguyệt năm 1077 trên vùng đất Hiệp Hòa
BẮC GIANG - Sáng 30/7, UBND huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử Chiến thắng Như Nguyệt năm 1077 trên vùng đất Hiệp Hòa". Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo hội thảo.
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cùng các đồng chí Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa; Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng chủ trì hội thảo.
Cùng dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bộ CHQS tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Hiệp Hòa; một số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử ở T.Ư và 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh.
Đồng chí Mai Sơn phát biểu chỉ đạo. |
Đề dẫn hội thảo nêu rõ: Hiệp Hòa là vùng đất cổ. Điều này được thể hiện rất sâu đậm qua những dấu tích vật chất được phát hiện từ lòng đất thông qua khu di chỉ khảo cổ học Đông Lâm (xã Hương Lâm), trống đồng Bắc Lý, trống đồng Xuân Giang. Cùng với đó là hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị tiêu biểu như: Hệ thống lăng đá; quần thể di tích danh thắng Y Sơn và lễ hội Y Sơn; đình Lỗ Hạnh (đệ nhất Kinh Bắc) và nghệ thuật hát ca trù, dân ca quan họ cổ.
Trong lịch sử, vùng đất này có rất nhiều văn nhân, võ tướng thành danh; địa phương có nhiều tiến sĩ nhất tỉnh Bắc Giang thời kỳ phong kiến. Đặc biệt, Hiệp Hòa còn tự hào về truyền thống yêu nước, cách mạng kiên cường, bất khuất; chiến địa, chiến lũy của quân dân nhà Lý chống giặc Tống ở thế kỷ thứ XI và là ATKII của T.Ư Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Ngược dòng lịch sử, vào giữa thế kỷ thứ XI, trước âm mưu xâm lược của quân Tống, nhà Lý đã chủ động chuẩn bị mọi mặt trước khi cuộc chiến xảy ra. Thái úy Lý Thường Kiệt đã chọn khúc sông có lợi thế về điều kiện tự nhiên để huy động quân dân hai bên bờ sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay) xây dựng phòng tuyến kiên cố, có chiều dài hàng chục km từ dãy núi Tam Đảo đến sông Lục Đầu. Trong đó, trọng điểm của phòng tuyến thuộc các xã Yên Phụ, Tam Đa, Tam Giang thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh và huyện Hiệp Hòa, Việt Yên của tỉnh Bắc Giang.
Các đồng chí chủ trì. |
Nếu như bờ nam sông Như Nguyệt là chiến lũy thì bờ bắc sông Như Nguyệt thuộc vùng đất Hiệp Hòa là chiến tuyến. Trận chiến năm 1077 giữa quân dân nhà Lý với quân xâm lược Tống diễn ra trên vùng đất Hiệp Hòa, quân ta đã chiến thắng. Cuộc chiến tranh Việt - Tống kết thúc mở ra trang sử mới huy hoàng cho lịch sử và văn hóa quốc gia Đại Việt; khẳng định vai trò của Lý Thường Kiệt; vai trò, công lao của người dân huyện Hiệp Hòa trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Trên cơ sở khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng, tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ nhiều nội dung xung quanh chiến thắng Như Nguyệt năm 1077. TS Ngô Văn Cường, Viện Nghiên cứu Kinh Thành, thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhấn mạnh đến vị trí chiến lược của vùng đất Bắc Giang trong kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống.
Một số đại biểu đề cập đến nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong trận chiến trên sông Như Nguyệt năm 1077; vị trí, vai trò, ý nghĩa và công lao của người dân huyện Hiệp Hòa đối với chiến thắng Như Nguyệt trong lịch sử chiến tranh chống quân xâm lược Tống thế kỷ XI; vai trò của các danh tướng nhà Lý tham gia chiến tuyến Như Nguyệt năm xưa.
Các đại biểu dự hội thảo. |
Ngoài ra, nhiều tham luận tập trung phản ánh, trao đổi về kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử chiến thắng Như Nguyệt; những câu chuyện, địa danh và lễ hội gắn liền với chiến thắng Như Nguyệt trên vùng đất Mai Đình (Hiệp Hòa). Cùng đó, đề xuất giải pháp để liên kết hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang trong việc phát huy giá trị chiến thắng Như Nguyệt năm 1077 bên phòng tuyến sông Cầu…
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Mai Sơn nhấn mạnh, với các ý kiến tham luận sâu, kỹ, tâm huyết, hội thảo đã thực sự thành công, đạt được các mục tiêu: Làm sáng tỏ hơn ý nghĩa, giá trị của chiến thắng Như Nguyệt trên địa bàn huyện Hiệp Hòa; những đóng góp của người dân Hiệp Hòa trong chiến thắng đó và đề ra được định hướng, giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của chiến thắng trong hiện tại và tương lai.
Đánh giá cao chất lượng các tham luận, đồng chí đề nghị huyện Hiệp Hòa, cơ quan chuyên môn, các nhà nghiên cứu rà soát, có sự thống nhất về nhận định, những số liệu thống kê trong các tài liệu liên quan, làm cơ sở để tập trung hoàn thiện kỷ yếu hội thảo.
Huyện Hiệp Hòa khẩn trương xây dựng kế hoạch, vận động xã hội hóa để tôn tạo các di tích tại xã Mai Đình, các khu vực diễn ra sự kiện chiến thắng Như Nguyệt. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa giá trị chiến thắng, góp phần tạo tiền đề cho việc phát triển du lịch trên địa bàn.
Quang cảnh hội thảo. |
Kết thúc hội thảo, các đồng chí chủ trì thống nhất đánh giá những bài phát biểu, tham luận của các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử, văn hóa… tại hội thảo đã góp phần làm rõ giá trị lịch sử của chiến thắng Như Nguyệt 1077 trên vùng đất Hiệp Hòa trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước ngàn đời của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Từ kết quả hội thảo đạt được, huyện có thêm những căn cứ khoa học trong việc phối hợp, triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử chiến thắng Như Nguyệt. Trong đó có việc quy hoạch, khảo cổ, sưu tầm tư liệu, thiết lập hồ sơ xếp hạng di tích vật thể và phi vật thể. Đồng thời, tập trung vận động nguồn lực xã hội hóa tham gia đóng góp bảo tồn, tôn tạo di tích và phát huy, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa của địa phương trong tiến trình phát triển của dân tộc.
Tin, ảnh: Quốc Trường
Ý kiến bạn đọc (0)