Bắc Giang: Cảnh giác trước chiêu trò du lịch giá rẻ, kèm tặng sản phẩm
Bà P.T.T ở thôn Hưng Đạo, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) cầm trên tay hộp sữa mà các đối tượng để lại.
|
Khoảng tháng 6/2023, trên địa bàn xã Đông Lỗ xuất hiện thông tin, người dân chỉ cần đóng số tiền không lớn là được đi du lịch dài ngày, bao trọn gói ăn nghỉ, lúc về còn được tặng quà “khủng”. Nhiều người ở các thôn khi được giới thiệu, rỉ tai đã nhanh chóng nộp tiền, khấp khởi mừng thầm, mong ngóng đợi chuyến đi du lịch giá rẻ và có quà khi kết thúc đợt du lịch.
Bà P.T.T (SN 1964) ở thôn Hưng Đạo, xã Đông Lỗ có lẽ là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Bà T kể lại vụ việc: “Trung tuần tháng 6 vừa qua, một người bạn của tôi tên là N.T.B.T (SN 1964) ở xã Tiên Sơn (Việt Yên) cho biết một công ty tổ chức đi du lịch Sa Pa 3 ngày 2 đêm, chi phí 1,7 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với mức giá của các công ty du lịch khác. Đặc biệt, sau khi kết thúc chuyến đi, mỗi người sẽ được tặng 5 hộp sữa bột loại 450g/lon với nhiều công dụng được quảng cáo như “thần dược”. Nếu tôi đứng ra thu tiền những người muốn đi thì sẽ được trích lại 50 nghìn đồng/người gọi là chi phí điện thoại”.
Do bà P.T.T là chi hội trưởng một đoàn thể của thôn nên khi thấy bà đưa ra thông tin đó, nhiều người tin ngay, tìm đến nộp tiền, xin tham gia chuyến du lịch. Kết quả, bà T thu tiền của 59 người được hơn 100 triệu đồng, sau khi trừ tiền “điện thoại” 2,95 triệu đồng, bà nộp hơn 97 triệu đồng cho bà N.T.B.T (có ký nhận). Bản thân bà P.T.T cũng đăng ký tham gia chuyến du lịch nên bà cũng là một trong những nạn nhân.
Thế nhưng chờ đợi mãi người dân vẫn chưa được đi du lịch. Theo bà P.T.T, sau nhiều lần thúc giục, bà N.T.B.T nói thẳng là công ty kia không thể tổ chức các chuyến du lịch mà thực chất thu tiền để bán sữa. Tranh cãi mãi, cuối cùng bà P.T.T đành ngậm ngùi nhận các thùng sữa về phát cho những người đã nộp tiền và bỏ tiền túi ra để đền các nạn nhân với mức 1 triệu đồng/người.
Thùng sữa còn sót lại tại nhà bà P.T.T.
|
Tại nhà bà P.T.T, chúng tôi thấy còn sót lại vài hộp sữa dán nhãn “Alpha sữa non” sản xuất tại Công ty cổ phần Dược phẩm quốc tế Việt Nam Anh quốc Trương Đại Hưng, địa chỉ ở thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) với những công dụng như: Giúp phòng ngừa loãng xương, tốt cho tim mạch, não bộ, ăn ngon ngủ tốt, tăng cường sức đề kháng… Phóng viên đã nhiều lần gọi vào số điện thoại của Công ty này in ở trên vỏ hộp sữa nhưng không liên lạc được.
Theo điều tra của phóng viên Báo Bắc Giang, trên địa bàn xã Đông Lỗ có gần 100 người ở các thôn Hưng Đạo, Đông Lỗ, Vân Cẩm… đã nộp tiền để đi du lịch theo hình thức trên nhưng đến nay không hề có chuyến du lịch nào được tổ chức. Trong khi đó, những hộp sữa kia không biết có dám sử dụng hay không, vì không chắc về chất lượng. Ngoài nhóm của bà P.T.T còn có nhiều nhóm khác, mỗi nhóm đều có người đứng ra thu tiền nhưng khi sự việc vỡ lở, người dân chỉ nhận lại được vài trăm nghìn đồng và mấy hộp sữa.
Trao đổi với ông Trần Văn Duy, Chủ tịch UBND xã Đông Lỗ được biết, trước đây trên địa bàn xã đã từng có hiện tượng một số đối tượng đến lén lút hoạt động đội lốt tư vấn, tri ân khách hàng để lừa đảo, bán hàng không rõ nguồn gốc, chất lượng thấp với giá cao cho người dân. UBND và Công an xã đã tuyên truyền đến các thôn nhưng vụ việc lần này diễn ra âm thầm, một số cán bộ đoàn thể ở các thôn cũng tham gia nên các đối tượng càng lôi kéo được nhiều người.
Ngay sau khi phát hiện ra vụ việc, UBND xã đã yêu cầu ban quản lý các thôn không được tiếp tay cho các đối tượng đến hoạt động, khi có nghi vấn phải báo ngay cho lực lượng công an xã và chính quyền cơ sở.
Hiện nay, Công an huyện Hiệp Hòa và Công an xã Đông Lỗ đang tiến hành rà soát, làm việc với những người liên quan để có biện pháp xử lý.
Theo lực lượng công an, tội phạm lừa đảo ngày càng tinh vi, sử dụng nhiều thủ đoạn, hình thức mới, rất khó lường. Người dân nếu không tỉnh táo có thể bị các đối tượng đánh vào lòng tham, sập bẫy, khi nhận ra thì đã muộn.
Được biết, từ đầu năm đến nay, Viện KSND các cấp trên địa bàn tỉnh thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố 42 vụ/57 bị can tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; TAND hai cấp đưa ra xét xử 26 vụ/35 bị cáo tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo, Thượng tá Hà Đức Thân, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bắc Giang) cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, nhân dân về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; nâng cao ý thức cảnh giác, không vì ham lợi mà vướng vào cạm bẫy các đối tượng giăng ra.
Chính quyền, đoàn thể các địa phương có biện pháp nghiêm cấm cán bộ tham gia hoặc tiếp tay cho các đối tượng hoạt động lừa đảo, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nhân dân cần kịp thời trình báo, tích cực phối hợp cung cấp thông tin cho lực lượng công an khi phát hiện có vụ việc, dấu hiệu lừa đảo.
Về phía lực lượng công an sẽ xử lý nghiêm minh các đối tượng phạm tội nhằm răn đe, phòng ngừa chung. Đẩy mạnh đấu tranh, trấn áp, triệt xóa các đường dây, ổ nhóm, đối tượng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bài, ảnh: Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)