Khai hội chùa Vĩnh Nghiêm năm 2023: Linh thiêng chốn tổ
Các đại biểu và đông đảo du khách tham dự lễ khai hội. |
Dự lễ khai hội có các đồng chí: Mai Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Đăng Khoa, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo một số bộ, ngành T.Ư, tỉnh Bắc Giang, huyện Yên Dũng; Thượng tọa Thích Thiện Văn, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Giang, Viện chủ tổ đình Vĩnh Nghiêm cùng đông đảo tăng ni, phật tử, du khách thập phương.
Lễ hội nổi tiếng vùng Kinh Bắc
Chùa Vĩnh Nghiêm (còn gọi là chùa Đức La) tọa lạc nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, với thế con quy ẩm thực, nhìn ra ngã ba Phượng Nhãn - nơi hợp lưu của sông Thương và sông Lục Nam, vùng Cẩm Lý - cửa ngõ ra vào núi Yên Tử, bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo - đền Kiếp Bạc. Chùa Vĩnh Nghiêm là nơi Phật hoàng sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm, từng là nơi thuyết pháp của Trúc Lâm Tam Tổ, nơi đào tạo, định chức danh cho các tăng sĩ thời Trần. Chùa được coi là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm, có vị trí đặc biệt trong lịch sử Phật giáo thời Trần nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung và kho Mộc bản đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Phát biểu khai hội, đồng chí Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng nêu rõ: “Không chỉ nổi tiếng với các hạng mục công trình đồ sộ, gắn kết chặt chẽ, mang tính chuẩn mực của chùa cổ Việt, chùa Vĩnh Nghiêm còn nổi tiếng bởi giá trị điêu khắc tinh tế, điêu luyện, được thể hiện rõ nét trong hệ thống tượng Phật, được các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa xem như một bảo tàng văn hóa Phật giáo Đại thừa tiêu biểu ở miền Bắc Việt Nam. Chùa nổi tiếng với bộ Mộc bản chứa đựng những giá trị to lớn về ngôn ngữ, văn học, y học, phong thuỷ và thẩm mỹ học…”.
Đồng chí Hoàng Văn Thanh phát biểu khai hội.
|
Với những giá trị to lớn của di tích, di sản, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Vĩnh Nghiêm đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận là di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 20/9/2019, chùa Vĩnh Nghiêm được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận là Điểm du lịch. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm.
Gắn liền với di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm hằng năm mang đậm dấu ấn bản địa, với những nét đặc trưng riêng gắn với danh lam cổ tự Vĩnh Nghiêm. Từ lâu, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm đã trở thành một lễ hội lớn của khu vực, thu hút đông đảo cộng đồng dân cư sở tại cùng các vùng lân cận và muôn ngàn khách thập phương tham gia.
Năm 2015, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận di tích quốc gia đặc biệt.
Năm 2013, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2019, chùa Vĩnh Nghiêm được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận là Điểm du lịch.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm.
Chương trình nghệ thuật tại lễ khai hội. |
Chương trình nghệ thuật khai hội được đổi mới theo hướng nhấn mạnh về con đường Hoằng Dương Phật pháp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông tại chùa Vĩnh Nghiêm cũng như dòng Phật giáo Trúc Lâm thời Trần; sự lan tỏa dấu ấn trong đời sống xã hội, trong mỗi con người với phương châm “tu tại tâm” theo triết lý “Cư Trần lạc đạo”, đồng thời tiếp tục quảng bá di sản Mộc bản đã được UNESCO ghi nhận hơn 1 thập kỷ nay.
Nhiều nét mới
Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm ngày nay đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá tinh thần không thể thiếu được của vùng Kinh Bắc, được bạn bè gần xa và khách du lịch quốc tế biết đến.
Với việc từng bước khôi phục đầy đủ các lễ nghi, các hoạt động văn hóa theo đúng hồ sơ đã trình công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm năm nay được tổ chức với những nét độc đáo thể hiện ở cả phần lễ, phần hội.
Nhân dân xã Trí Yên tham gia rước lễ.
|
Theo đó, lễ hội có nhiều hoạt động gồm: Rước lễ theo nghi lễ nhà chùa, màn trống hội, múa lân. Đặc biệt là chương trình nghệ thuật tại lễ khai mạc với màn sử thi “Vĩnh Nghiêm cổ tự” (gồm 4 chương: Về cõi Phật; Miền đất học; Vĩnh Nghiêm thời kỳ kháng chiến; Yên Dũng ngày mới) do các diễn viên, nhạc công Nhà hát Tuồng Việt Nam trình diễn thu hút đông đảo du khách thập phương thưởng thức.
Tại lễ hội diễn ra Giải vô địch vật dân tộc, vật tự do cấp tỉnh; Giải kéo co mở rộng huyện Yên Dũng và các hoạt động giao lưu văn nghệ. Cùng đó là tổ chức nhiều trò chơi dân gian: Bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt, đi cầu cần, nhảy bao bố. Trong không gian lễ hội còn có thuyết giảng Phật pháp.
Du khách thập phương đi hội chùa Vĩnh Nghiêm.
|
Đặc biệt năm nay, 18/18 xã, thị trấn trong huyện tổ chức gian hàng giới thiệu, quảng bá các hình ảnh, tư liệu về thành tựu phát triển KT-XH, trưng bày sản phẩm tiêu biểu của địa phương.
Tin, ảnh: Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)