Cao Thượng - Ngô Xá: Tình huynh đệ, nghĩa thâm giao
Ghi nhớ công ơn của những người có công, hai làng đều thờ hai vị nữ chúa và có mối tình huynh đệ kết nghĩa với nhau. Người chị được làng Cao Thượng thờ ở đền Cao Thượng còn gọi đền Chợ. Theo truyền thuyết xưa, người chị có công trông coi của cải, kho vàng Thiên Đổng của núi Chợ - núi Yên Ngựa sau được dân suy tôn là Bà Chúa Kho và lập đền thờ dưới chân núi Yên Ngựa.
Đình Ngô Xá, xã Cao Xá, huyện Tân Yên. |
Người em được làng Ngô Xá thờ ở đình Vàng. Xuất phát từ tục thờ và mối tình ruột thịt của hai chị em nữ chúa, nhân dân làng Cao Thượng và Ngô Xá đã có tục kết ước với nhau từ bao đời nay. Đó là ước tình, ước nghĩa của các làng Việt cổ trên đất Tân Yên.
Nhân dân trong vùng còn lưu truyền rằng, năm đó làng Cao Thượng làm đình, phải mua gỗ lim từ Thanh Hoá ra. Gỗ lim được đóng bè ngược dòng sông Thương, đưa qua ngòi Ngân Chử ở phía trước làng Cao Thượng, khi những bè gỗ lim về đến ngòi Ngân Chử thì nước sông bị cạn. Nhân dân làng Ngô Xá đã ra giúp làng Cao Thượng kéo gỗ về dựng đình. Từ đó dân hai làng càng thêm gắn bó, coi nhau như anh em ruột thịt, gắn bó giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, lúc thiên tai.
Trong quan hệ thường ngày, hai bên gọi nhau rất thân mật là “xã cả” và “hàng ước”. Vì có mối thâm tình nên hai bên cũng đưa ra giao ước không được đánh chửi nhau, trai gái hai làng không tìm hiểu lấy làm vợ chồng. Là người hàng ước phải đối xử với nhau thân tình, quý trọng và coi nhau như anh em một nhà. Trong lao động sản xuất, hai làng thường xuyên giúp đỡ nhau.
Người bên Ngô Xá đi chợ sang bên chợ Mọc thường được người bên Cao Thượng mời vào phía trong sân đình Chợ để mua bán. Kháng chiến chống Pháp, trong những ngày mưa bom bão đạn, giặc Pháp bắn phá làng Cao Thượng, nhân dân làng Ngô Xá đem tre và lương thực sang giúp nhân dân Cao Thượng xây dựng bảo vệ làng.
Hằng năm, xuân thu nhị kỳ, dân làng hai bên mở hội đều mời nhau đến dâng hương lễ Thành hoàng, thăm hỏi, động viên nhau. Dân địa phương vẫn gọi là đi ăn “hội hàng ước”, hai bên đón tiếp nhau rất trịnh trọng và thành kính. Việc đi “ăn ước” và đón “hàng ước”, “xã cả” đều do làng đứng ra tổ chức. Người đi “ăn ước” phải là người không vi phạm lệ làng, không có tật, không trong thời gian chịu tang, ăn nói phải đứng đắn, phải ở tuổi thành đinh trở lên.
Năm hội “hàng ước” phải có rước kiệu bát cống, có tán, lọng, cờ quạt, binh đao, có biển hiệu nhị vị nữ chúa đại vương (hai vị công chúa làng thờ), có phường bát âm. Đoàn đại diện đi hội “hàng ước” đi “ăn ước” gồm nhiều thành phần quan trọng hơn, số người lên tới 20 người được xếp vào ăn cỗ “hàng ước”, nhân dân hai làng cùng nhau vui hội. Năm hội “hàng ước” làng đón dân “xã cả” “dân ước” phải tổ chức đón từ đầu làng, nghênh tiếp đón đoàn của “dân anh”.
Trong hội “hàng ước” có lệ làm cỗ đón “dân anh”, lệ tế lợn đen tuyền ở đình, lệ hát ca trù thờ Thánh, các trò vui khác như: Đánh vật, cờ bỏi, chọi gà, nhẩy phỗng, tổ tôm, tam cúc điếm, buổi tối có hát tuồng, hát chèo, hát đối, hát ví... Kể từ năm 1960, tục kết ước hai làng bị lắng xuống, không còn duy trì được đều đặn.
Trong những năm gần đây, các bậc cao niên hai làng đã có những buổi gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm đẹp và mong muốn duy trì nối lại hội “hàng ước” như xưa. Tuy tục lệ ấy không còn nhưng hai bên vẫn đi lại, coi nhau là anh em và gắn kết, giúp nhau trong đời sống thường ngày. Hai làng cũng đưa ra những quy ước chung để duy trì tục “kết ước” cho phù hợp với đời sống mới. Năm 2005, làng Ngô Xá khởi công tu tạo lại ngôi đình cổ.
Trong ngày lệ truyền thống cũng là ngày lễ khánh thành đình, nhân dân làng Cao Thượng có lễ sang dâng mừng. Trong ngày vui khánh thành tu tạo đình Ngô Xá khang trang tố hảo, tục “kết ước” xưa của hai làng lại được ôn lại bên mái đình cổ. Đó là một nét đẹp văn hoá trong các làng Việt cổ ở Tân Yên.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)