Cà phê ống tre bán gần 200 ly mỗi ngày
Gần chục ngày nay, bên hông cầu Ông Lãnh, quán cà phê có mặt tiền rộng hơn 3 mét và chiều sâu khoảng một mét đều đặn khách ra vào sáng và tối. Quán trang trí bên ngoài đơn giản với bảng hiệu, một phần vỉa hè đặt 5 bàn ghế gấp thường dùng trong cắm trại. Một góc vỉa hè là quầy cà phê theo dạng take away, chủ nhân là anh Nguyễn Huỳnh, 27 tuổi.
Anh Nguyễn Huỳnh với mô hình cà phê trong ống tre, sáng 13/12. |
Trên quầy ngoài đồ pha chế thì còn xếp một hàng ống tre màu xanh, không có ly nhựa hoặc thủy tinh. "Quán nói không với đồ nhựa một lần, khách sẽ uống nước bằng ống tre", anh Huỳnh cho biết, tay liên tục rót cà phê vào ống, cắm ống hút cỏ bàng, thêm muỗng gỗ, trang trí lá dứa trước khi nhân viên mang xuống bàn phục vụ khách.
Trước khi mở quán, Huỳnh làm trong ngành kiến trúc. Trong những lần đi cắm trại, anh thường dùng ống tre để đựng đồ ăn, thức uống. Một tháng trước, khi nghỉ việc để cùng nhóm bạn kinh doanh, Huỳnh nghĩ ngay tới mô hình cà phê ống tre. "Tôi bắt tay vào làm không chút đắn đo, vì loại hình này độc lạ lại thân thiện môi trường", chủ quán cho biết.
Ngoài tìm hiểu và mày mò cách pha cà phê theo công thức riêng, Huỳnh lên tận Tây Nguyên để tìm nguồn ống tre. Anh chọn giống nứa vì có thân to, ruột rỗng vừa đủ thay thế ly nhựa. Anh nhờ nông dân chặt tre thành các đốt dài khoảng 16 m, rộng 5 cm và vạt nhẵn cành lá. Một tuần quán nhập về hơn 1.000 ống tre, mỗi ngày sử dụng hơn 150 ống. Nhân viên mài nhẵn và rửa sạch ống tre với xà bông qua ba lần nước rồi phơi khô trước khi pha cà phê.
"Nếu quán bình thường chỉ nửa tiếng để chuẩn bị thì cho tôi mất gần hai giờ để pha cà phê và làm sạch ống tre", chủ quán nói. Theo anh, dù mất nhiều thời gian nhưng ly cà phê trở nên bắt mắt với màu xanh của ống tre, hương bị thơm hơn và tạo cảm giác thân thiện với môi trường cho người uống.
Thực đơn đồ uống của quán đều gọi là cà phê ống. Ngoài cà phê vị nguyên bản hoặc thêm sữa còn có thêm sữa dứa là món đặc trưng, với giá dao động từ 26.000 đến 32.000 đồng. Theo người bán, giá trên đã bao gồm tiền ống tre 12.000 đồng, có thể uống tại chỗ hoặc mang về. Khách uống tại chỗ cũng giá trên vì phải tính thêm chi phí bàn ghế, dọn dẹp, phục vụ. Trường hợp mua mang đi, ống tre sẽ được ghim thêm quai làm bằng lá dừa, dùng màng bọc thực phẩm thay nắp đậy.
Một ống thường sử dụng lại khoảng 5 lần để đảm bảo vệ sinh. Theo Huỳnh, vì giá ống tre còn khá cao nên anh khuyến khích mọi người mang đổi lại ống để được tặng thêm đồ uống. Mỗi ngày quán bán khoảng 150 ly, nhiều hơn vào cuối tuần. Mỗi ly mất khoảng 4 phút để pha chế xong, lâu hơn cà phê bình thường nên khi đông, khách phải chờ gần chục phút để được phục vụ. Có những ngày, quán phải đóng cửa sớm vì không đủ ly.
Ống tre tươi được sử dụng khoảng 5 lần để đảm bảo vệ sinh. |
Quán có không gian nhỏ, sức chứa khoảng 15 người.
Sáng 13/12, anh Việt Cường dừng xe đứng đợi bên vỉa hè khoảng 15 phút mới mua được 4 ly cà phê. Người đàn ông 33 tuổi cho biết đi gần 20 km từ TP Thủ Đức vì "quá tò mò cái ống tre sau khi xem một số video trên mạng xã hội". Theo anh, hương vị cà phê căn bản nhưng đẹp mắt ở cái ống và muốn ủng hộ cho loại hình đồ uống thân thiện với môi trường.
Nhà cách quán vài trăm mét, chị Út Ly chọn ngồi tại quán và dùng thử món cà phê sữa dứa. Cũng mất thời gian chờ đợi vì quán khá đông vào buổi sáng nhưng Ly khá hài lòng vì thức uống kết hợp được cả mùi thơm cà phê và lá dứa. "Chiếc ly có màu xanh nhìn khá bắt mắt, trang trí cũng đẹp. Tuy nhiên, quán khá nhỏ, chưa phù hợp với việc ngồi tại chỗ và cũng không có trà đá đi kèm", cô gái 26 tuổi nói. Sau khi uống xong, Ly mua thêm hai cốc mang về và sẽ tận dụng chiếc ống tre để đựng đồ hoặc uống nước.
Trung bình mỗi ngày anh Huynh bán được gần 200 ly, thời gian tới quán sẽ tìm thêm nguồn ống tre để mở thêm chi nhánh. Quán mở từ 7h đến 10h30 và 15h - 22h30 mỗi ngày. Do lòng đường bên hông cầu khá hẹp nên khách phải gửi xe ở nơi khác. Không gian cũng khá nhỏ nên đa phần khách mua mang đi.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)