Bảo quản mộc bản theo phương pháp thủ công truyền thống
Các mộc bản đều được khắc trên gỗ thị. Đây là loại gỗ với đặc tính mềm, mịn, dai, dễ khắc, ít cong vênh, khó nứt vỡ, rất phù hợp với việc khắc ván in. Chữ trên mộc bản đều là chữ Hán - Nôm, khắc ngược (âm bản) để khi in ra giấy sẽ trở thành chữ xuôi.
Một tấm mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: Anh Khoa |
Nhận thức và đánh giá cao giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật kho mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm nên từ rất sớm, các nhà sư từng trụ trì tại chùa và các chuyên gia luôn trăn trở tìm phương pháp bảo tồn, đồng thời phát huy giá trị của kho mộc bản.
Ngay từ những năm 1945, nhà chùa đã quan tâm gìn giữ, bảo vệ kho mộc bản khỏi các tác nhân có hại từ thiên tai, địch họa, chiến tranh. Từ khi chưa có nhiều các phương tiện kỹ thuật hiện đại, các nhà sư ở chùa đã vận dụng linh hoạt phương pháp thủ công truyền thống trong việc bảo vệ mộc bản.
Theo Đại đức Thích Thanh Vịnh, Phó trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, để bảo quản tốt các mộc bản tránh ẩm mốc, mối mọt, nhà chùa chuẩn bị các tủ gỗ lim, xung quanh được bưng bởi các thanh gỗ nhỏ rộng chừng 5 cm, dày 3 cm tạo chấn song, không bưng kín để tạo sự thông thoáng, lưu thông không khí.
Ngày 16/5/2012, tại Thái Lan, Ủy ban UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã chính thức ghi danh Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm vào danh mục Di sản tư liệu trong Chương trình ký ức thế giới. Nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu Việt Nam và một số nước trên thế giới đã tìm về Vĩnh Nghiêm để nghiên cứu quá trình bảo tồn, hướng phát huy những giá trị của kho mộc bản. Kho mộc bản có 3.050 bản, với 9 đầu sách lớn thuộc hai loại kinh, sách chính. Về kinh Phật có hai bộ Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh và A Di Đà kinh. Đây là 2 bộ kinh chủ yếu dùng trong Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Về luật giới Phật có: Đại thừa chỉ quán, Tỳ khâu ni giới, Sa di ni giới kinh. Về sách có Thần du Tây phương ký, Tây phương mỹ nhân truyện, Kính tín lục, Yên Tử nhật trình... |
Phần trên đỉnh tủ được che kín bằng gỗ, trang trí tạo mái giả để tránh chống dột trực tiếp vào mộc bản. Mỗi tủ kệ được làm từ 2 đến 3 tầng có khoảng ngăn cách trên dưới để tạo sự lưu thông không khí giữa bên ngoài và bên trong.
Dưới các chân của kệ gỗ đều đặt các bát con, trong bát có đổ dầu trẩu, quết dầu trẩu để bảo vệ tránh mối mọt tàn phá mộc bản. Theo kinh nghiệm dân gian, dầu trẩu được chiết xuất từ quả trẩu, nước quả trẩu bôi vào chân các tủ gỗ để kinh hoặc đốt dầu trẩu bằng đèn thì các loại côn trùng đều sợ.
Phần trên các kệ, mộc bản được sắp xếp cẩn thận theo các bộ và để tránh nấm mốc nên kệ để mộc bản thường được nhà chùa đặt ở những nơi thoáng gió, nơi có khả năng hút ẩm tốt. Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc ở vùng chiêm trũng, chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi khí hậu thời tiết nên việc bảo vệ mộc bản khỏi các tác nhân từ nhiên nhiên là rất quan trọng.
Ngày nay mặc dù khoa học hiện đại và có nhiều phương pháp, công nghệ tiên tiến, nhà lưu giữ trưng bày mộc bản đã hoàn thiện. Tuy nhiên, các nhà sư tại chùa vẫn gìn giữ và bảo quản mộc bản theo phương pháp thủ công truyền thống. Số lượng mộc bản vẫn được bảo lưu nguyên vẹn. Nhà chùa thường xuyên kiểm tra, vệ sinh mộc bản và có các biện pháp xử lý để phòng, chống côn trùng, nấm mốc gây hại và đặt mộc bản trong các kệ gỗ, cửa tủ kệ luôn được khóa cẩn thận.
Như vậy để thấy suốt một thời gian dài, trải qua bao sự thăng trầm của đất nước, sự tàn phá của chiến tranh và thiên tai, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có thất lạc đôi chút song về cơ bản vẫn được bảo quản tốt và phát huy giá trị trong đời sống đương đại, điều đó phần lớn có sự đóng góp công sức, tâm huyết và kinh nghiệm quý báu của các sư trụ trì tại chùa.
Phùng Thị Mai Anh
Ý kiến bạn đọc (0)