Trung úy Nguyễn Đức Sơn và giải xuất sắc hội thao quân sự quốc tế: Phần thưởng từ khổ luyện
Trung úy Nguyễn Đức Sơn quê ở xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam (Bắc Giang). Ngày còn nhỏ, mỗi lần thấy bộ đội hành quân qua nhà, rồi những đoàn xe kéo pháo đi huấn luyện chạy trên đường, Sơn lại hào hứng dõi mắt theo cho đến khi đoàn quân khuất tầm nhìn. Tốt nghiệp Trường sĩ quan Lục quân 1, năm 2019, anh nhận công tác tại Tiểu đoàn Trinh sát 1, Bộ Tham mưu, Quân đoàn 2.
Đội tuyển Hóa học Quân đội nhân dân Việt Nam tại thao trường Tân Cương (Trung Quốc), Trung úy Nguyễn Đức Sơn ngoài cùng bên trái, hàng đầu. |
Với nỗ lực không ngừng, anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đồng thời tích cực tham gia và đạt nhiều thành tích cao trong các hội thi, hội thao ở cơ sở như chạy việt dã, võ thuật... Đặc biệt năm 2020, Nguyễn Đức Sơn đoạt giải Nhất toàn năng Hội thao “phân đội trinh sát giỏi” do Quân đoàn 2 tổ chức. “Tiếng lành đồn xa”, Sơn được lựa chọn tham gia đội tuyển Hóa học Quân đội nhân dân Việt Nam thi đấu tại Army Games 2021.
Những ngày luyện tập trên thao trường Korla, Tân Cương (Trung Quốc), đối mặt với hàng loạt khó khăn như thời tiết khắc nghiệt, khô hanh khiến nhiều người bị chảy máu mũi. Gió to đến mức có thể làm lệch hướng bay của lựu đạn, bão cát ập đến bất cứ lúc nào.
Cùng với đó là quy chế nội dung thi rất nặng, các thí sinh phải mang mặc đầy đủ trang bị phòng hóa, áo giáp, bình tông đựng nước, túi và hộp tiếp đạn, lựu đạn, mũ sắt... Khó khăn chưa dừng ở đó, với yêu cầu bắt buộc phải sử dụng súng tiểu liên QBZ-95 do Trung Quốc sản xuất - loại vũ khí không có trong biên chế của đơn vị cũng như chưa được sử dụng trong huấn luyện - nên là thử thách rất lớn.
Khắc phục khó khăn, anh Sơn cùng đồng đội đã tích cực luyện tập, tăng thời gian và cường độ, tìm ra phương án thích ứng với hoàn cảnh, hạn chế tác động của khí hậu, môi trường. Súng tiểu liên QBZ-95 hoàn toàn lạ lẫm, các anh vừa luyện tập vừa nghiên cứu tính năng kỹ, chiến thuật, nhất là sức giật, độ nẩy, phương pháp ngắm qua lỗ ngắm (khác so với khe ngắm trên súng AK), thậm chí phải “ngó nghiêng” nhìn sang đội bạn để “học mót”.
Trung úy Sơn cũng đề ra quyết tâm phải đạt được những phát bắn ngày càng nhanh hơn, chính xác hơn, đáp ứng yêu cầu vận động bắn trúng các mục tiêu xuất hiện ngẫu nhiên trong thời gian từ 6 đến 8 giây ở khoảng cách từ 100 m đến 350 m.
Ngày 29/8/2021, Đội tuyển Hóa học Quân đội nhân dân Việt Nam bước vào thi đấu với phong độ xuất sắc. Trước Ban Tổ chức, Hội đồng trọng tài và bạn bè quốc tế, Sơn cùng đồng đội đã khẳng định được kỹ năng, bản lĩnh, trí tuệ, bình tĩnh hạ gục các mục tiêu với thời gian nhanh nhất. Thật vui mừng khi Trung úy Sơn đạt điểm cá nhân tuyệt đối, được trao giải xuất sắc. Tập thể đội tuyển Hóa học Quân đội nhân dân Việt Nam xếp thứ 2 toàn đoàn nội dung bắn súng, chỉ sau chủ nhà Trung Quốc.
Nói về biết bí quyết để hạ gục các mục tiêu, Trung úy Nguyễn Đức Sơn chia sẻ: “Súng tiểu liên QBZ-95 độ giật nhẹ hơn so với AK nên không cần ghì quá chặt để tránh bị rung. Thao trường nước bạn mênh mông một màu sỏi cát, màu bia lại trùng màu thao trường rất khó định vị.
Vì thế phải tập trung quan sát cao độ, ghi nhớ vị trí ẩn của từng bia qua buổi tập làm quen thao trường trước đó, để khi vào thi đấu chính thức, mục tiêu hiện là nhanh chóng lấy được đường ngắm, kết thúc phát bắn”. Biết kết quả thi đấu của Sơn, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn trinh sát 1 rất phấn khởi. Đại úy Đồng Văn Trường, Chính trị viên Tiểu đoàn cho biết: “Chúng tôi rất vui và tự hào, nhưng không quá bất ngờ. Cùng học tập công tác, anh em đã chứng kiến Sơn là người rất ham học hỏi, kiên trì trong rèn luyện thể lực”. Sơn được cánh lính trẻ gọi vui là “soái ca 6 múi”.
Mẹ của Nguyễn Đức Sơn - hiện đang dạy tại Trường Mầm non xã Bắc Lũng (Lục Nam) vui vẻ nói: “Từ hôm biết cháu đạt kết quả tốt, đi đâu vợ chồng tôi cũng được mọi người hỏi thăm, chúc mừng. Các cô giáo trẻ cùng ngành thì thi nhau gọi tôi bằng mẹ, biết là các cô ấy đùa, nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc, tự hào về con. Từ tháng 4/2021 đến nay, mẹ con chưa được gặp nhau, trong lòng tôi rất nhớ, nhưng vẫn luôn động viên Sơn phải đặt nhiệm vụ lên hàng đầu”.
Trong cuộc sống Sơn hòa đồng, thân thiện, dễ mến. Trong công việc Sơn luôn là người trách nhiệm, có phương pháp, tác phong làm việc khoa học. Một năm sau khi ra trường, Sơn đã được cấp trên tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.
Sau những ngày luyện tập, thi đấu vất vả, Trung úy Nguyễn Đức Sơn cùng đồng đội đã chuyển đổi màu da, đen và nâu hơn. Nhưng đó là màu của sự khổ luyện, trưởng thành. Sơn cảm thấy rất tự hào khi đã vượt qua cuộc “thử lửa” lần này. Đó là thước đo cho ý chí, nghị lực, những thứ không thể thiếu trên con đường phấn đấu, trưởng thành của một sĩ quan trẻ.
Bài, ảnh: Trung Anh - Lê Giang
Ý kiến bạn đọc (0)