Phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số: Chú trọng nhân rộng điển hình
BẮC GIANG - Phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số (DTTS) được các cấp ủy trong tỉnh quan tâm thực hiện. Qua đó góp phần tăng nguồn lực xây dựng tổ chức đảng vững mạnh ở khu vực miền núi, vùng khó khăn trong tỉnh.
Phát huy tinh thần nêu gương
Những năm gần đây, cuộc sống của người dân thôn Khuôn Giàn, xã Hương Sơn (Lạng Giang) đổi thay tích cực. Nhiều nhà tầng kiên cố, vững chãi mọc lên, xen giữa cánh đồng là đường nội đồng bê tông trải dài. Có được kết quả này là sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng dân cư, đặc biệt có vai trò không nhỏ của Trưởng thôn - đảng viên Tô Văn Mát (SN 1979), dân tộc Tày. Gần 8 năm làm trưởng thôn, anh Mát luôn tận tuỵ, trách nhiệm với công việc của xóm làng.
Đảng viên - Trưởng thôn Tô Văn Mát (giữa) ở thôn Khuôn Giàn, xã Hương Sơn (Lạng Giang) nắm bắt tình hình sản xuất tại địa bàn. |
Anh chia sẻ: "Thôn có 125 hộ dân, trong đó có hơn 70% là người DTTS. Mong muốn bà con nắm rõ và làm theo chủ trương của Đảng, tôi cố gắng lựa chọn cách thức tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhớ. Mặt khác, tôi vận động người thân gương mẫu thực hiện nếp sống văn hóa, tự giác tham gia công việc chung". Anh cùng với cấp ủy chi bộ tổ chức huy động sức dân cứng hóa đường giao thông. Tháng 6 vừa qua, thôn hoàn thành gần 300 m đường bê tông, trong đó bà con đối ứng hơn 200 triệu đồng và hiến hơn 1.000 m2 đất.
Ở bản Đồng Tiên, xã Tam Tiến (Yên Thế), đảng viên Hoàng Văn Ninh (SN 1984) dân tộc Nùng cũng là điển hình trong phát triển kinh tế. Gia đình anh thường xuyên nuôi khoảng 5.000 con gà. Giữ vệ sinh chuồng trại và môi trường xung quanh, anh tiên phong áp dụng công nghệ sử dụng đệm lót sinh học để khử mùi hôi. Anh Ninh thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ những hộ nghèo cùng phát triển kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi; tuyên truyền vận động bà con trong thôn đoàn kết, tích cực tăng gia lao động, sản xuất.
Đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có hơn 90 nghìn đảng viên, trong đó có hơn 7,6 nghìn đảng viên là người DTTS. |
Chi bộ thôn Cầu Gỗ, xã Trường Sơn (Lục Nam) có 6/9 đảng viên là người DTTS. Tham gia xây dựng nông thôn mới, Chi bộ đã tuyên truyền, vận động người dân đóng góp hàng trăm triệu đồng và hiến hơn 200 m2 đất mở rộng đường thôn. Chi bộ cùng ban lãnh đạo thôn đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ vườn tạp sang trồng 18 ha vải thiều, 12 ha cây ăn quả các loại và chăm sóc hơn 10 ha rừng. Từ sản xuất nông, lâm nghiệp, người dân có cuộc sống ổn định. Chi bộ nhiều năm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có hơn 90 nghìn đảng viên, trong đó có hơn 7,6 nghìn đảng viên là người DTTS. Sinh sống ở vùng còn nhiều khó khăn song bằng tinh thần trách nhiệm, tiên phong đi đầu, các đảng viên người DTTS luôn nêu gương trong phát triển kinh tế, xây dựng mô hình sản xuất mới, góp phần thay đổi diện mạo quê hương.
Quan tâm tạo nguồn kết nạp
Là tỉnh miền núi, Bắc Giang có 260 nghìn người DTTS. Thực hiện công tác phát triển đảng viên, hằng năm, các địa phương có đồng bào DTTS sinh sống đều tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về đường lối, quan điểm, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước tới các đảng viên và đồng bào DTTS; ưu tiên tạo nguồn quần chúng ưu tú ở các xã đặc biệt khó khăn, ở các chi bộ nhiều năm không kết nạp được đảng viên. Tại huyện Yên Thế, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, toàn Đảng bộ đã kết nạp 659 đồng chí, trong đó có 298 đảng viên người DTTS, đạt tỷ lệ hơn 45%.
Bí thư Chi bộ thôn Cầu Gỗ, xã Trường Sơn (Lục Nam) Nguyễn Thị Yên (thứ hai từ phải sang) gặp gỡ các đảng viên trong Chi bộ. |
Đồng chí Giáp Văn Thành, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho biết: “Nội dung phát triển đảng viên mới nói chung và đảng viên người DTTS nói riêng được BTV Huyện ủy rất quan tâm. BTV Đảng ủy yêu cầu đảng ủy các xã tích cực chỉ đạo các chi bộ rà soát, xác định nguồn quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, rèn luyện, ưu tiên phát triển đối với trưởng, phó các tổ chức hội, đoàn thể và ở những nơi có đồng bào DTTS".
Tìm hiểu tại huyện Sơn Động được biết, trong các nghị quyết về phát triển kinh tế, Huyện ủy đều đề cao vai trò của từng đảng viên, tổ chức đảng trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là tại địa bàn khó khăn, tạo môi trường để quần chúng rèn luyện, phấn đấu. Từ năm 2023 đến nay, toàn huyện kết nạp 350 đảng viên, trong đó đảng viên người DTTS là 186 đồng chí, chiếm hơn 53%.
Ở một số địa phương khác như: Lạng Giang, Lục Ngạn, Lục Nam, BTV Huyện ủy các huyện đều phân công các đồng chí huyện ủy viên phụ trách địa bàn, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tiến độ ở các chi, đảng bộ để kịp thời chỉ đạo, cùng cấp ủy cơ sở tháo gỡ khó khăn trong công tác phát triển đảng viên người DTTS. Hằng năm cấp ủy huyện kiểm tra đối với các chi bộ không kết nạp được đảng viên; chỉ đạo các hội, đoàn thể ở cơ sở đổi mới, đa dạng hình thức hoạt động để thu hút người DTTS tham gia sinh hoạt, tạo điều kiện cho việc tạo nguồn.
Mặc dù vậy, tỷ lệ đảng viên người DTTS hiện vẫn còn thấp (chiếm hơn 8,4% tổng số đảng viên). Nguyên nhân chủ yếu do trình độ, nhận thức của một bộ phận đồng bào còn hạn chế, lực lượng đoàn viên đi làm ăn xa ngày càng nhiều. Vì vậy muốn phát triển đảng viên vùng đồng bào DTTS, nhiều ý kiến cho rằng, các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường tuyên truyền, giáo dục để phát hiện nguồn, bồi dưỡng kết nạp quần chúng ưu tú.
Quan tâm bố trí đảng viên là người DTTS đảm nhận các chức vụ chủ chốt dưới cơ sở như trưởng, phó thôn, bản, tổ dân phố; lãnh đạo các hội, đoàn thể. Bên cạnh đó, gắn công tác phát triển đảng viên là người DTTS với việc thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo tại từng địa bàn, khu dân cư. Cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm phát triển KT-XH, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần tại những vùng có đồng bào DTTS sinh sống gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Ý kiến bạn đọc (0)