Phát triển chăn nuôi bền vững gắn với giải quyết ô nhiễm môi trường
Nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn đã chọn giải pháp xây dựng hầm khí sinh học biogas để xử lý ô nhiễm môi trường. |
Chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Vinh ở thôn Song Khê 2, xã Song Khê (TP Bắc Giang) - một trong những gia đình đăng ký tham gia dự án Hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp (LCASP). Hiện gia đình chị nuôi 4-5 con bò sinh sản cùng vài chục con gà, vịt.
Mấy năm trước, chất thải từ chăn nuôi được chuyển trực tiếp ra đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe bản thân và người dân xung quanh. "Từ năm 2015, thông qua thông tin tuyên truyền, gia đình biết đến dự án LCASP và đăng ký tham gia, được hỗ trợ 3 triệu đồng xây hầm biogas, thể tích 20,3 m3. Nhờ đó, chất thải được đưa xuống hầm, gia đình vừa có gas đun nấu, lại tránh ô nhiễm môi trường", chị Vinh tâm sự.
Dự án LCASP đã hỗ trợ khoảng 7 nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xây dựng hầm khí sinh học biogas. |
Gia đình anh Lương Văn Hướng, thôn An Thịnh, xã Tiền Phong (Yên Dũng) cũng là một trong những gia đình được dự án LCASP hỗ trợ 3 triệu đồng để xây dựng hầm khí sinh học biogas, thể tích khoảng 30 m3. Hiện nay, gia đình anh nuôi khoảng 20 con lợn cùng hàng chục con ngan, gà...
Chỉ tay vào khu vườn với hơn 100 cây bưởi cùng hàng chục cây cam, hồng xiêm, mít Thái..., anh Hướng cho biết, nước thải từ hầm khí biogas được gia đình dùng để tưới cây ăn quả. Lượng nước còn lại đưa ra ao cá bảo đảm an toàn, không còn tình trạng cá bị chết như trước kia.
Được biết, hiện nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã có khoảng 7 nghìn hộ dân được hỗ trợ xây dựng hầm khí sinh học biogas từ dự án LCASP. Dự án có tác dụng thiết thực trong cải thiện điều kiện chăn nuôi, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Mặt khác, thông qua dự án còn giúp nhiều hộ dân tiết kiệm chi phí mua chất đốt phục vụ sinh hoạt hằng ngàycũng như lượng phân bón chăm sóc cây trồng.
Huyền Trang
Ý kiến bạn đọc (0)