Nêu gương sáng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Bài 1: Chuyện của những người “mở đường”
LTS: Bắc Giang là tỉnh có dân số đông thứ 12 cả nước, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khoảng 260 nghìn người, chiếm hơn 14% dân số. Ở nhiều vùng, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm hơn 60%. Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định rõ mục tiêu: “Phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi theo hướng bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong vùng, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các dân tộc và giữa các vùng trong tỉnh”.
Từ định hướng của Đảng, các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của bà con, đời sống đồng bào các DTTS trên địa bàn nâng lên rõ nét. Trong hành trình từ “vùng trũng” vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo, bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo đảm, giữ gìn an ninh trật tự có vai trò quan trọng của những “đầu tàu” nêu gương ở các bản, làng.
![]() |
Đồng bào các DTTS tỉnh tham gia vào nhiều sự kiện lớn của địa phương, đất nước. |
Bài 1: Chuyện của những người “mở đường”
Bắc Giang có 73 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nơi đây có nhiều tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa nhưng chưa khai thác, phát huy hết giá trị trong khi đời sống người dân còn khó khăn, vẫn là "vùng trũng" của tỉnh. Nhưng nghèo khó không ngăn được khát vọng làm giàu, vươn lên của bà con. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện những hạt nhân điển hình với tư duy mới, cách làm mới. Họ không còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà quyết tâm vươn lên làm giàu và còn hỗ trợ bà con nơi núi rừng.
![]() |
Diện mạo đời sống đồng bào DTTS huyện Sơn Động ngày càng khởi sắc. |
Nghèo khó không ngăn được khát vọng làm giàu
Bản Tràng Bắn, xã Đồng Vương là vùng đặc biệt khó khăn của huyện Yên Thế. Trước kia, bà con từng đứng trước nhiều “nỗi sợ” và nhiều cái “không”: Sợ hàng hóa làm ra không bán được, sợ lâm vào cảnh nợ nần. không có vốn, không có kiến thức, không có kinh nghiệm… Ở đây đã từng có những mô hình phát triển kinh tế nhưng theo hình thức tự phát, đơn lẻ, nhà nào biết nhà nấy, chưa có sự liên kết. Song đến nay, đời sống người dân ngày một khấm khá, có của ăn, của để.
![]() |
Đồng chí Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang khen thưởng điển hình trong đồng bào DTTS huyện Lục Nam. |
Người có nhiều đóng góp, tạo sự thay đổi mạnh mẽ về phương thức sản xuất nơi này là chị Nguyễn Thị Hải (SN 1984), dân tộc Tày. Chị Hải là Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản- người tiên phong làm kinh tế theo hướng liên kết, bao tiêu sản phẩm ở bản Tràng Bắn.
Khi chúng tôi đến, người phụ nữ này vừa lái xe tải chở 2,5 tấn ớt tươi thu gom trên các xứ đồng mang về. Chân còn lấm lem bụi đường, đôi tay đã thoăn thoắt bốc dỡ hàng, chị Hải lau giọt mồ hôi lấm tấm trên trán và nói: “Năm nay bà con áp dụng kỹ thuật chăm sóc tốt, cắt tỉa chồi đúng thời điểm phân cành, tuân thủ quy trình nên chất lượng sản phẩm cao. Số này sẽ được sơ chế, phân loại, đóng gói rồi đưa đi chợ đầu mối ở Hà Nội tiêu thụ ngay trong đêm, sớm mai sẽ đến các bếp ăn, siêu thị”.
Vốn là người bạo dạn, quyết đoán, có tư duy làm kinh tế, từ năm 2010, chị Hải đứng ra thu mua nông sản của bà con trong vùng đưa đi các chợ huyện, chợ tỉnh bán. Được sự hỗ trợ từ UBND xã, năm 2020, chị liên kết với 11 chị em trong vùng thành lập Tổ Hợp tác Sản xuất và tiêu thụ nông sản bản Tràng Bắn. Bám sát thời vụ và nhu cầu sử dụng của khách hàng, chị Hải trực tiếp cung cấp cây, con giống, vật tư nông nghiệp và “đặt hàng” với bà con gieo trồng theo hướng an toàn, sau đó thu mua sản phẩm.
Nhờ đó, trong bản đã giảm đáng kể tình trạng lao động không có việc làm, không còn bỏ ruộng hoang; ai có nhu cầu vay vốn, hỗ trợ cây con giống, kỹ thuật chăm sóc đều được chị tận tình giúp đỡ. Với cách làm này, mỗi năm, Tổ đạt doanh thu 1,5-1,7 tỷ đồng, lợi nhuận thu về 10-15% chia cho các thành viên theo mức đóng góp. Đời sống của nhiều hộ trong bản ngày một khấm khá. Hai năm gần đây, nhờ tích cực chuyển đổi số nên chị Hải chỉ việc ở nhà kiểm soát quy trình sản xuất, sơ chế, đóng gói và giao dịch trực tuyến. Công việc làm ăn "thuận buồm, xuôi gió", hễ hàng xuất đi là tiền về tài khoản.
![]() |
Chị Nguyễn Thị Hải hướng dẫn người dân chăm sóc cây trồng. Ảnh CTV. |
Đưa “lộc rừng” về vườn nhà
Từ một loại dược liệu quý đắt đỏ, chỉ có ở rừng tự nhiên, qua bàn tay anh Đặng Văn Hương (SN 1976), dân tộc Dao, cây trà hoa vàng nay đã được nhân rộng ở nhiều vườn, đồi. Anh hiện là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Trà rừng Hoa Vàng Phong Minh, ở thôn Na Lang, xã Phong Minh (Lục Ngạn). Thời điểm năm 2008, 2009, thương lái Trung Quốc tìm mua hoa và cây với giá rất cao. Đỉnh điểm là từ năm 2012 đến 2014, mỗi cân hoa tươi bán có giá 1,5-1,6 triệu đồng, tính ra mỗi bông hoa tương đương gần một cân thóc.
Thấy người dân địa phương đổ xô đi tìm hoa, đào cây đem bán, anh Hương cũng theo chân mọi người lên rừng tìm cây hoa quý. Sau vài lần tìm hiểu, biết đây là dược liệu quý có thể chế biến thành trà uống rất tốt cho sức khỏe, anh suy nghĩ, nếu người dân cứ thấy lợi trước mắt mà khai thác thì chẳng mấy rừng tự nhiên sẽ cạn kiệt, chưa kể việc đi rừng tiềm ẩn rủi ro, nguy hiểm đến tính mạng.
![]() |
Vợ chồng anh Đặng Văn Hương, xã Phong Minh (Lục Ngạn) chăm sóc vườn trà hoa vàng. |
Trong dòng người lên rừng tìm hoa khi ấy chỉ có anh là đảng viên. Anh Hương quyết định không làm như mọi người mà quyết tâm đưa cây trà hoa vàng về vườn nhà theo cách riêng của mình. Nghĩ là làm, những hạt giống đầu tiên do anh gieo đã nảy mầm ngay trong khu vườn đầy nắng gió của gia đình.
Bốn năm sau, cây cho hoa, thu hoạch vụ hoa đầu tiên bán được gần 100 triệu đồng mà không phải vất vả đi rừng như trước. Năm sau, vợ chồng anh cải tạo diện tích vườn đồi còn lại chuyển sang nhân giống, cung cấp cho bà con trong vùng, xây dựng thành công vùng sản xuất trà hoa vàng tập trung lớn nhất tỉnh với hơn 300 hộ ở xã Phong Minh tham gia. Nhờ làm theo anh Hương, nhiều gia đình khó khăn trong xã đã có "của ăn của để" từ cây trà hoa vàng.
![]() |
Trà hoa vàng phát triển tốt trên khu vườn gia đình anh Đặng Văn Hương. |
HTX Trà rừng Hoa Vàng Phong Minh có 15 thành viên, mỗi năm thu 1,5 -1,6 tấn hoa tươi, doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm, riêng gia đình anh lãi hơn 300 triệu đồng. Từ tháng Tư âm lịch cây ra nụ, đến tháng 11 nở hoa, cả khu vườn ngập sắc vàng, ngan ngát hương thơm. Bà con dân bản phấn khởi vì giờ đây sản phẩm trà hoa vàng được chứng nhận OCOP 3 sao, có mặt trên sàn thương mại điện tử và nhiều siêu thị trong Nam, ngoài Bắc.
Góp sức xây những công trình dân sinh mới
Ở thôn Sậy, xã Trù Hựu (Lục Ngạn), đường rộng thênh thang, trải bê tông phẳng phiu, xe chạy bon bon từ đầu tỉnh lộ 289 đến các xóm, ngõ. Hiếm vùng đồng bào DTTS nào như thôn Sậy mà các trục đường thôn đều có biển chỉ dẫn, hộ có nhà bám trục chính được treo biển số nhà; sân vận động, nhà văn hóa khang trang, sạch đẹp.
"Vai trò tiên phong của cá nhân, tập thể điển hình trong vùng đã lan tỏa thành phong trào thi đua yêu nước, thể hiện qua những con người thật, việc thật, qua từng cách làm cụ thể, thiết thực, đó là phát triển kinh tế; xây dựng NTM, đời sống văn hóa, văn minh, phù hợp với phong tục, tập quán của mỗi vùng". - Đồng chí Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang. |
Thôn có 19 đảng viên, đa số là người DTTS. Quyết tâm thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy xã, năm 2023, thôn Sậy là một trong những thôn đầu tiên của vùng đồng bào DTTS ở huyện Lục Ngạn về đích xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu; các phong trào thi đua nằm trong tốp đầu; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,3%, thấp gần nhất huyện. Đạt được kết quả đó là do cán bộ, đảng viên trong Chi bộ, Ban quản lý thôn gương mẫu, kiên trì đến từng nhà vừa tuyên truyền vừa thuyết phục.
![]() |
Ông Lý Văn Thành, Trưởng thôn, người có uy tín thôn Sậy, xã Trù Hựu (Lục Ngạn) tuyên truyền nhân dân hiến đất mở rộng đường. |
Kết quả 5 năm qua, cùng với nguồn lực các cấp hỗ trợ, bà con đóng góp hơn 1,7 tỷ đồng cứng hóa 3,5 km đường bê tông nội thôn và nội đồng, xây nhà văn hóa, sân thể thao, lắp đèn chiếu sáng phục vụ nhân dân luyện tập, vui chơi.
Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, cán bộ, đảng viên và người dân thôn Sậy tiên phong mở rộng mặt đường bê tông từ 3,5 lên 5,5 m, tổng chiều dài là 1,2 km. Nhờ kịp thời nắm bắt chủ trương từ cấp trên, 6 hộ là người DTTS đều đồng thuận hiến 800 m2 đất, 350 m vành lao.
Tháng 10 năm nay, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, lưu thông hàng hóa; góp phần bảo đảm điều kiện cho xã lên phường, huyện sau khi chia tách địa giới hành chính trở thành thị xã Chũ. Khi nhắc về phong trào xây dựng đường giao thông, Trưởng thôn đồng thời là người có uy tín (NCUT) Lý Văn Thành chia sẻ: “Dù thuộc vùng DTTS nhưng thôn Sậy gần trung tâm xã, mỗi tấc đất ví như tấc vàng. Không ai nghĩ rằng cấp ủy, chính quyền lại huy động được sức dân lớn đến vậy. Bà con đóng góp tài sản một cách tự nguyện, vui vẻ giúp nhà thầu thi công nhanh chóng”.
![]() |
Đường về thôn Sậy, xã Trù Hựu (Lục Ngạn). |
Từ vai trò nêu gương của tập thể, cá nhân trong vùng, tinh thần đoàn kết một lần nữa lại được nhân lên, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm mạnh từ 21,9% năm 2021 xuống còn 13,5% năm 2023. Số hộ nghèo là người DTTS giảm từ 11,9% năm 2021 xuống còn 6,5% trong tổng số hộ nghèo toàn tỉnh năm 2023.
Nhiều thôn, xã trước đây vốn là địa bàn đặc biệt khó khăn như thôn Vá, xã An Bá (Sơn Động), xã Tân Lập (Lục Ngạn), Bình Sơn, Vô Tranh (Lục Nam)... nay đã về đích NTM, diện mạo khang trang, đẹp đẽ, khác xưa nhiều lắm.
![]() |
Hoạt động văn nghệ của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lục Nam trong chiến dịch truyền thông "Thúc đẩy phụ nữ DTTS" tham gia vào hệ thống chính trị. |
Khi nói về đóng góp của đồng bào DTTS trong sự nghiệp phát triển KT - XH, đồng chí Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khẳng định, vai trò tiên phong của cá nhân, tập thể điển hình trong vùng đã lan tỏa thành phong trào thi đua yêu nước, thể hiện qua những con người thật, việc thật, qua từng cách làm cụ thể, thiết thực, đó là phát triển kinh tế; xây dựng NTM, đời sống văn hóa, văn minh, phù hợp với phong tục, tập quán của mỗi vùng.
Ý kiến bạn đọc (0)