Bắc Giang - “Đất lành” của lao động muôn phương: Bài 3 - Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
BẮC GIANG - Cùng với đáp ứng nhu cầu lao động phổ thông, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là hướng đi được tỉnh xác định trong quá trình thực hiện mục tiêu trở thành tỉnh trọng điểm về công nghiệp vào năm 2030. Vì vậy, phương án phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là một trong nhiều nội dung được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Điểm nghẽn về trình độ lao động
Nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, tỉnh đã tích cực triển khai các cơ chế, chính sách trong đó có giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; quan tâm phát triển mạng lưới cơ sở GDNN. Nhờ đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 33,5% năm 2010 lên 50,5% năm 2015, đạt 70% năm 2020 và 76% năm 2023 (cao hơn bình quân cả nước khoảng 8%); tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có bằng hoặc chứng chỉ đạt 33% (cao hơn bình quân cả nước 5,5%). Tuy nhiên, thiếu nguồn lao động chất lượng cao đang là một hạn chế.
![]() |
Các đại biểu chứng kiến lễ ký kết hợp tác đào tạo nhân lực giữa Công ty TNHH Hana Micron Vina và Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp (Bắc Giang) tại hội thảo về ngành công nghiệp bán dẫn (tháng 4/2024). |
Giai đoạn 2021-2023, các cơ sở GDNN toàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo cho hơn 87,3 nghìn người. Trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp trở lên là 18,9 nghìn người, chiếm 21,6% tổng nhân lực được đào tạo; còn lại phần lớn là trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Cũng phải kể đến việc số lao động có bằng cấp này chưa chắc đã lựa chọn làm việc tại Bắc Giang. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 9,5 nghìn doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 306 nghìn lao động; trong đó, có gần 80% lao động có trình độ phổ thông.
Ông Hà Văn Cường, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Đào tạo và Cung ứng nhân lực Hoàng Long (Yên Dũng) cho biết, hiện nay các DN FDI luôn cần nhân lực chất lượng cao để phát triển công nghệ mới; tập trung chủ yếu ở các ngành như chip, bán dẫn, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông... Tuy nhiên, đây lại đang là điểm nghẽn lớn nhất của lao động Việt Nam nói chung và Bắc Giang nói riêng. Nếu như không được hóa giải, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức hút của tỉnh đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo phương án phát triển GDNN đến năm 2030, toàn tỉnh có 53 cơ sở GDNN, trong đó có 17 cơ sở công lập và 36 cơ sở ngoài công lập. Như vậy số cơ sở GDNN ngoài công lập sẽ chiếm 68% trên tổng số, đây là định hướng có tính đột phá trong tăng cường xã hội hóa công tác GDNN, giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. |
Để bù đắp nhu cầu lao động chất lượng cao, nhiều DN nước ngoài của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã sử dụng chuyên gia, nhân sự quản lý của nước họ hoặc các quốc gia khác gây nên sự lãng phí lớn về cơ hội việc làm đối với lao động trong tỉnh, trong nước. Toàn tỉnh hiện có gần 700 DN sử dụng khoảng 9,3 nghìn lao động nước ngoài. Số lao động này chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc; làm việc ở các vị trí như: Quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật.
Dự báo của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), giai đoạn 2025-2030, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng, đại học bình quân khoảng 6 nghìn người/năm (quản lý khoảng 500 người; ngành điện, điện tử khoảng 2 nghìn người; ngành cơ khí khoảng 1,8 nghìn người; còn lại là nhân lực thông thạo ngoại ngữ). Với nguồn cung như hiện nay, tỉnh khó đáp ứng được nhu cầu về nhân lực chất lượng cao cho các DN.
Theo ông Nghiêm Tiến Văn, Phó Chủ quản Tuyển dụng Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam (Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu), năm 2024, DN cần tuyển 5 nghìn lao động, trong đó 500 lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên. Số lao động này phục vụ cho dây chuyền sản xuất dự án 2 của nhà máy. Hằng tuần, DN phải báo cáo về tình hình tuyển dụng cho phía đối tác bởi đây là tiêu chí quan trọng để họ cân nhắc trong việc hợp tác lâu dài. Đến thời điểm này, việc đáp ứng về nguồn nhân lực chất lượng cao gặp khó khăn do nguồn cung hạn chế.
Liên kết đào tạo - chìa khóa nâng chất lượng nguồn nhân lực
Trong giai đoạn hiện nay, một trong những giải pháp để phát triển nguồn nhân lực đó là thực hiện cơ chế liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa nhà trường - DN - người lao động trong các hoạt động GDNN. Toàn tỉnh hiện có 52 cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN có đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh (trong đó có 31 cơ sở có trụ sở chính tại tỉnh). Tổng quy mô tuyển sinh được cấp phép hằng năm gần 37,5 nghìn người; trong đó, cao đẳng hơn 2,1 nghìn người/năm, trung cấp gần 8 nghìn người/năm, còn lại là trình độ sơ cấp.
Dù quy mô tuyển sinh và trình độ đào tạo đều được nâng lên song theo đại diện Sở LĐTBXH, công tác GDNN vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng. Năng lực đào tạo với một số ngành, nghề chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường; cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, thực hành tại các cơ sở thiếu đồng bộ, công nghệ lạc hậu. Vì vậy, việc thúc đẩy xã hội hoá, liên kết trong đào tạo, đầu tư cho dạy nghề trọng điểm đáp ứng thị trường lao động là những giải pháp quan trọng.
Đơn cử tại Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang, nhà trường lựa chọn đào tạo 14 nghề trọng điểm cấp quốc gia và khu vực, từng bước đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong thời kỳ hội nhập. Để huy động các nguồn lực cho dạy nghề, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp, từ năm 2019 đến nay, trường ký thỏa thuận hợp tác đào tạo - cung ứng nhân lực với hơn 100 DN trong và ngoài tỉnh. Hiện nay trường đang xây dựng chương trình đào tạo thí điểm theo hình thức 1+1+1 (1 năm học ở trường, 1 năm học tại trung tâm đào tạo của DN và 1 năm trải nghiệm công việc thực tế) với Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Goerteck Vina (Bắc Ninh).
![]() |
Sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang trong giờ thực hành. |
Ông Nguyễn Công Thông, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, thực hiện cơ chế liên kết giúp trường tiết kiệm chi phí đầu tư, đồng thời nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của DN. Thống kê của nhà trường, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt hơn 95%; khoảng 38% sinh viên được DN tuyển dụng sớm trước khi tốt nghiệp. Anh Lê Văn Thành (SN 2002), tốt nghiệp Khoa Cơ điện năm 2023 nói: “Sau thời gian vừa học vừa làm theo mô hình liên kết giữa DN và nhà trường, tôi trau dồi được nhiều kiến thức, kỹ năng nghề. Hiện tôi đã có việc làm ở vị trí kỹ sư thiết bị tại Công ty TNHH Hana Micron Vina (KCN Vân Trung) với mức thu nhập khá”.
Từ cuối năm 2019, Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp hợp tác với Công ty TNHH Newwing Interconnect Technology (KCN Vân Trung) xây dựng mô hình đào tạo “50 - 50” (50% thời gian học tại trường; 50% thời gian thực hành tại DN). Bà Trần Thị Chi, Phó Giám đốc Hành chính - Nhân sự công ty cho biết: Trung bình mỗi năm, DN tài trợ một phần học phí cho khoảng 300 sinh viên (tổng chi phí khoảng 1,7 tỷ đồng) khi tham gia mô hình. Các sinh viên sẽ được hướng dẫn, đào tạo theo vị trí việc làm mà DN đang cần. Việc hợp tác này đáp ứng nguồn nhân lực phù hợp, bền vững cho công ty.
Trước sự bùng nổ của ngành công nghiệp bán dẫn, với tiềm năng phát triển, tỉnh Bắc Giang đang có lợi thế với ngành này. Hiện ở các KCN của tỉnh có 3 công ty sản xuất chất bán dẫn gồm: TNHH Synergie Cad Việt Nam; TNHH Si Flex Việt Nam; TNHH Hana Micron Vina; tổng số lao động làm việc gần 8,1 nghìn người. Dự báo giai đoạn 2025-2030, các DN ngành này tiếp tục đầu tư vào tỉnh với nhu cầu tuyển dụng khoảng 6,3 nghìn lao động (trong đó, lao động trình độ cao đẳng trở lên là hơn 1,2 nghìn người). Do vậy, để phát huy tiềm năng, đón bắt cơ hội này tỉnh cần tập trung vào việc xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường và công nghệ. Đồng thời, tăng cường hợp tác giữa các tổ chức, đơn vị đào tạo, DN, các nhà nghiên cứu để xây dựng môi trường đào tạo tiên tiến.
Tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐTBXH) cho biết: Không chỉ ở Bắc Giang mà trong cả nước, công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực sản xuất mới, nguồn lao động được đào tạo chuyên ngành còn hạn chế, chủ yếu là đào tạo các ngành liên quan. Vì thế, trước hết Bắc Giang cần xác định việc chuẩn bị nguồn nhân lực phải đi trước một bước, bên cạnh đào tạo mới nên chú trọng đào tạo bổ sung, đào tạo lại; hoàn thiện và thực thi cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường, DN tại địa phương và các vùng lân cận với vai trò hỗ trợ hiệu quả về cơ chế, chính sách của nhà nước. Khuyến khích DN tham gia vào các khâu của quá trình đào tạo, từ xây dựng chương trình đào tạo đến phối hợp tổ chức và đánh giá tốt nghiệp.
(Còn nữa)
Ý kiến bạn đọc (0)