Nỗi lo từ bể bơi thiếu an toàn
Một khóa tập huấn phòng, chống tai nạn đuối nước do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. |
Chưa đầy một tháng qua, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ đuối nước đối với trẻ em trong khi tham gia học bơi. Điều này gióng lên những cảnh báo về nguy cơ mất an toàn từ các bể bơi. Sự việc xảy ra vào ngày 18-5 vừa qua tại bể bơi Anh Hiếu do bà Vi Thị Huệ làm chủ hộ kinh doanh tại thôn Cầu Cao, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) khiến một trẻ em tử vong. Điều đáng nói, đây là vụ đuối nước thứ hai xảy ra tại bể bơi này.
Trước đó vào năm 2016, tại bể bơi Anh Hiếu đã xảy ra vụ đuối nước làm một trẻ thiệt mạng. Được biết, trước khi xảy ra vụ đuối nước vào tháng 5 vừa qua, Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã kiểm tra nhắc nhở và chỉ ra nhiều thiếu sót của cơ sở kinh doanh bể bơi trên. Đồng thời yêu cầu bổ sung, khắc phục một số nội dung như: Cắm biển báo khu vực dành cho người không biết bơi và khu vực cấm nhảy cắm đầu; bố trí ghế và dây phao cứu hộ; cử nhân viên y tế hoặc có văn bản thỏa thuận với cơ sở y tế gần nhất; cử nhân viên cứu hộ tham gia các lớp tập huấn…
Còn tại bể bơi Bốn Mùa, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) ngày 5- 6 vừa qua cũng xảy ra vụ đuối nước làm một bé trai 6 tuổi tử vong. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, bé được người nhà đưa đi tắm ở bể bơi này và bị ngã xuống khu vực nước sâu. Đại diện Thanh tra Sở VH,TT&DL cho biết: Vào mùa hè bể bơi Bốn Mùa có số lượng lớn người bơi và học bơi nhưng tại đây thiếu nhiều điều kiện, thiết bị kinh doanh theo quy định như: Không có phao cứu sinh đặt trên thành bể, thiếu khu vực rửa chân trước khi xuống bể, nhân viên cứu hộ chưa được tập huấn chuyên môn, thiếu nhân viên y tế, không có biển báo dành cho người không biết bơi…
Đáng quan tâm là, khi đoàn kiểm tra đến bể bơi Bốn Mùa làm việc để chấn chỉnh, nhắc nhở bổ sung các điều kiện trên, chủ cơ sở và người quản lý bể bơi này chưa tích cực hợp tác, qua đây cũng thể hiện sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm đối với khách hàng và coi thường pháp luật của chủ cơ sở này.
Bể bơi Bốn Mùa vừa để xảy ra một vụ đuối nước khiến một trẻ em tử vong. |
Mặc dù từ năm 2016, bể bơi của gia đình ông Nguyễn Quang Hải, thôn Tây, xã Tiên Lục (Lạng Giang) đã từng để xảy ra đuối nước gây tử vong cho trẻ em song qua đợt thanh tra mới đây, cơ sở này vẫn thiếu nhiều trang thiết bị cần thiết trong việc phòng ngừa đuối nước, đặc biệt là chưa bố trí nhân viên hướng dẫn tập luyện, cứu hộ.
Hay như bể bơi Tuta Fitness & Resort của Công ty cổ phần Thương mại Tuấn Mai (TP Bắc Giang) dịp hè này trung bình mỗi ngày có khoảng 500 lượt người đến bơi và học bơi. Tuy là một trong những bể bơi được đầu tư lớn, hiện đại trên địa bàn tỉnh nhưng tại đây cũng chưa đáp ứng hết các điều kiện theo quy định như lắp đặt biển báo và chưa có nhân viên cứu hộ được tập huấn về chuyên môn.
"Đuối nước thường xảy ra trong khoảng thời gian rất nhanh do đó đòi hỏi nhân viên cứu hộ, phụ huynh cần tập trung theo dõi sát sao và kịp thời nhắc nhở trẻ em tránh xa khu vực nguy hiểm và không thực hiện động tác có nguy cơ gây tai nạn", ông Nguyễn Trọng Bắc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. |
Quản chặt, phòng ngừa đuối nước
Thống kê của Sở VH,TT&DL, toàn tỉnh hiện có 47 bể bơi cố định, chủ yếu do hộ gia đình tự xây dựng nhằm mục đích kinh doanh (chưa kể các bể bơi di động dùng bằng bạt tại trường học). Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, tháng 5 vừa qua, Sở VH,TT&DL tổ chức đợt ra quân kiểm tra chấn chỉnh tại 31 bể bơi thuộc 9 huyện, thành phố (trừ Sơn Động không có bể bơi). Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết chủ cơ sở kinh doanh lĩnh vực này thiếu sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực bảo đảm an toàn cho người bơi theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Trọng Bắc, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện thể dục thể thao, thời gian gần đây nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở kinh doanh bể bơi, đây là hoạt động xã hội hóa cần được khuyến khích nhằm tạo sân chơi, phòng, tránh các tai nạn đuối nước cho trẻ em. Do đang được khuyến khích nên qua các đợt thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng của Thanh tra Sở mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, hướng dẫn và yêu cầu hoàn thiện các điều kiện kinh doanh theo quy định mà chưa xử phạt trường hợp nào. Bên cạnh đó, công tác quản lý có một số bất cập, cụ thể, Nghị định 106 (năm 2016) của Chính phủ chỉ quy định cấp giấy phép hoạt động bể bơi đối với doanh nghiệp, không có mục, điều khoản nào quy định cấp phép cho hộ gia đình, cá nhân kinh doanh bể bơi nên cơ quan chức năng không có căn cứ để thực hiện dẫn đến tình trạng hộ dân mạnh ai nấy làm, tùy tiện xây bể bơi chưa đạt chuẩn. Hạn chế này đã được kiến nghị với Bộ VH,TT&DL tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 106.Trước những nguy cơ thiếu an toàn từ bể bơi, thời gian tới, Sở VH,TT&DL sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh bể bơi. Theo đó, tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra và xử phạt nghiêm đối với những cơ sở vi phạm. Kèm theo đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh bể bơi trong việc phòng, chống các tai nạn tại bể bơi. Đồng thời Sở cũng tích cực duy trì tổ chức tập huấn, đào tạo chuyên môn cho đội ngũ cứu hộ, y tế và chủ các bể bơi, cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao tại cơ sở, giáo viên các trường học.
Nguyễn Hưởng
Ý kiến bạn đọc (0)