Mùa đông ấm - tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống
![]() |
Mùa đông năm 2015 ấm, ít mưa khiến hồ chứa nước tại huyện Sơn Động cạn trơ đáy. Ảnh: Trịnh Lan |
Mùa đông năm 2016 - 2017, các tỉnh miền Bắc nói chung, Bắc Giang nói riêng có một mùa đông ấm nhất trong 10 năm trở lại đây. Vào những ngày cuối tháng 10, giữa tháng 11 và tháng 12-2016, nền nhiệt độ trung bình tại các khu vực trong tỉnh cao hơn mức trung bình nhiều năm từ 2,6 - 3,2 độ C, thời tiết oi bức, nhiệt độ gần như mùa hè, thậm chí có ngày nhiệt độ cao nhất lên tới 33,2 - 34,3 độ C. Theo số liệu đo đạc tại một số điểm trong tỉnh, nền nhiệt độ trung bình các tháng mùa đông vừa qua (từ tháng 11-2016 đến hết tháng 2-2017) đều có nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,8 - 3,8 độ C. Riêng tháng 2-2017 cao hơn từ 3,5 - 3,8 độ C. Có thể coi mùa đông xuân 2016 - 2017 là nóng ấm điển hình trong gần 30 năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh. Suốt mùa đông chỉ xuất hiện hai đợt rét đậm, rét hại, ít hơn trung bình nhiều năm 4 đợt, thời gian không kéo dài và cường độ không mạnh, nhiệt độ thấp nhất trong ngày từ 10,4 - 11,0 độ C.
Mỗi loại mây biểu hiện một hình thế và cho một hệ quả thời tiết khác nhau, liên quan chặt chẽ đến thời tiết. Nhìn màu sắc của mây sẽ biết về những gì đang diễn ra trong mây. Ví dụ mây tụ thành khối lớn, mỏng có dạng sợi to, tỏa lan nhanh khắp bầu trời, độ dày tăng dần lên và bay là là thấp xuống hoặc mây trắng đùn lên như núi bông là trời sắp có giông. Loại mây này xuất hiện vào mùa xuân - hè thường hay có mưa rào và giông hoặc đôi khi có mưa đá. |
Có hiện tượng này là do sau khi kết thúc một đợt El NiNo mạnh nhất trong vòng 60 năm qua, khí hậu chuyển sang hiện tượng La Nina, thời tiết nắng hanh nhiều, chênh lệch giữa nhiệt độ ban ngày và ban đêm rất cao. Chính vì vậy, mùa đông năm nay ban ngày thì như mùa hè nhưng ban đêm thực chất vẫn là mùa đông. Ngoài ra các chuyên gia khí tượng đều cho rằng từ đầu mùa đông đến nay, vùng áp cao lạnh rộng lớn Siberia hoạt động yếu nên không khí lạnh tác động không mạnh đến thời tiết miền Bắc nước ta.
Vì sự biến đổi bất thường của khí hậu nên giữa tháng 3 năm nay mới xuất hiện một số ngày mưa nhỏ, mưa phùn mang đặc trưng thời tiết mùa xuân. Mùa đông ấm tác động nhiều mặt đến cây trồng, vật nuôi cũng như sức khỏe con người. Các loại cây ưa ấm sinh trưởng nhanh và đạt năng suất cao nhưng lại làm giảm hiệu quả của các loại rau ưa lạnh. Đặc biệt, vải thiều Lục Ngạn tỷ lệ ra hoa chỉ đạt khoảng 50%, giảm 30% so với năm trước. Theo nhận định của ngành nông nghiệp, mùa đông ấm còn khiến sâu bệnh hại cây trồng tăng cao và cũng là một trong những nguyên nhân gây hạn hán.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới biến đổi khí hậu. Có thể là do sự thay đổi của môi trường thiên nhiên, hiệu ứng nhà kính tăng lên… Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do con người. Vì vậy cần nâng cao nhận thức của mọi người về biến đổi khí hậu, đồng thời tuyên truyền các biện pháp để cải thiện và bảo vệ môi trường. Biến đổi khí hậu không phải là vấn đề của riêng ai. Do vậy, “Ngày Khí tượng thế giới” (23-3) năm nay được Tổ chức Khí tượng Thế giới đưa ra với chủ đề “Hiểu biết về mây”. Hiểu biết về mây là cơ sở quan trọng để dự báo tình hình thời tiết, mô phỏng các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai và dự đoán nguồn tài nguyên nước.
Hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới năm nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị các cấp, ngành tổ chức hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu. Qua đó sẽ có hành động thiết thực bảo vệ môi trường. Trong đó, biện pháp quan trọng là trồng cây xanh, bảo vệ rừng tự nhiên; thực hiện nghiêm túc về thu gom, xử lý rác thải. Tại khu vực nông thôn cần xây dựng và nhân rộng mô hình "làng năng suất xanh".
Bùi Thị Thu Hiền
(Đài khí tượng thủy văn Bắc Giang)
Ý kiến bạn đọc (0)