Lối sống sính ngoại: Văn minh chưa thấy, người ta chê cười
![]() |
Minh họa: Đinh Hương. |
"Hương đồng gió nội"... vơi đi
Sau 5 năm lao động ở Hàn Quốc trở về quê hương, chị Nguyễn Thị H, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) lại tiếp tục làm nông nghiệp cùng gia đình như trước. Tuy nhiên những năm sống và làm việc tại cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí ở nước ngoài đã ảnh hưởng đến lối sống của H.
Từ cô gái hiền lành, giản dị, H trở lên đua đòi ăn diện, tóc cắt ngắn nhuộm vàng hoe, móng chân, tay được “làm” cầu kỳ, sơn đỏ, quần áo đồ hiệu dù kinh tế gia đình chưa khá giả. Nhiều người làng chê trách H mặc váy, áo ngắn hở hang, trang điểm không phù hợp với người ở quê, công việc nhà nông.
Mỗi tháng một lần, H lại cùng mấy người trong Hội làm việc ở “Ma" (Ma-lai-xi-a) tổ chức đi chơi, tiệc tùng, có lần mấy ngày mới về nhà. Nhiều việc của nhà nông, món ăn truyền thống ở quê nay H chê bẩn không chịu mó tay, thậm chí không ăn. Khi được người nhà góp ý, H tỏ ra khó chịu: “Bây giờ hội nhập rồi, tiếp thu lối sống nước ngoài mới văn minh. Người ở quê biết đâu là đẹp? Nước ngoài đang thịnh hành kiểu áo đó…”.
Qua thông tin trên mạng và người nhà là Việt kiều, ba năm trước, anh họ tôi làm thủ tục cho con trai Cao Minh Ch (17 tuổi) sang Mỹ du học. Năm vừa rồi, Ch về quê ăn Tết, mọi người vui mừng vì thấy cậu lớn nhanh, chững chạc nhưng cũng băn khoăn về cách ăn mặc, lối suy nghĩ và ứng xử của cậu. Mái tóc uốn xoăn bù xù, tai đeo khuyên. Nói chuyện với mọi người, Ch dùng ngôn ngữ “lổn nhổn” tây ta lẫn lộn. Ch có tư tưởng Tây hóa - nói gì, làm gì cũng có biểu hiện quá sòng phẳng.
Trong quan hệ với bạn bè, họ hàng, người thân luôn đưa ra sự so sánh và cửa miệng là đề cao lối sống, cách ứng xử của người nước ngoài. Ch hẹn mấy người bạn về quê chơi nhưng chẳng đưa tới thăm gia đình, chào hỏi bố mẹ mà ở nhà nghỉ, ăn cơm quán và đi thăm thú đó đây. Khi được nhắc khéo, Ch bảo đó là tự do riêng của mình cũng như chúng bạn, mọi người không cần bận tâm…
Không chỉ một số người có thời gian sống ở nước ngoài có những suy nghĩ, cách cư xử ảnh hưởng theo lối sống của tây mà nhiều thanh thiếu niên học đòi theo phim ảnh, mạng Internet cũng có lối sống ngoại lai, không phù hợp với phong cách, văn hóa của người Việt. Dễ nhận thấy làn sóng lai căng, sính ngoại trong lĩnh vực thời trang, thẩm mỹ ở giới trẻ có xu hướng ngày càng gia tăng.
Giáo dục kỹ năng sống
Sống như Tây không phải là xấu, nếu tư tưởng và hành động đó phù hợp với lối sống và văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Nhiều ý kiến cho rằng sính ngoại trong cách suy nghĩ độc lập, quyết đoán, tư tưởng phóng khoáng, sống tự giác, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, thói quen sống tiết kiệm, biết bảo vệ và giữ gìn môi trường... rất đáng trân trọng và học theo. Tuy nhiên có nhiều cách học đòi không phù hợp thuần phong mỹ tục của người Việt hoặc tập quán của từng vùng miền sẽ trở thành sống sượng, phản cảm, bị lên án.
Anh Cao Minh V (phụ huynh của Ch) chia sẻ: “Tôi chỉ nghĩ cách giáo dục ở Tây tốt. Con ở nội trú được chăm sóc rất chu đáo nhưng có lẽ điều đó chưa đủ, mà quan trọng là được giáo dục về kỹ năng sống trong gia đình, giao tiếp xã hội, được dạy cách yêu thương... của người Việt - những điều mà nền giáo dục của nước ngoài không thể có”. Được biết sau chuyến thăm quê của Ch, gia đình đã giảng giải cho con hiểu thêm về văn hóa truyền thống của quê hương, cách ăn mặc cũng như đối nhân xử thế cho phù hợp và yêu cầu con đến ở cùng gia đình người bác họ - nơi có đông đúc cộng đồng Việt kiều sinh sống với mong muốn con biết học những điều hay, phù hợp văn hóa người Việt.
Trong xu thế hội nhập và giao lưu văn hóa sâu rộng hiện nay, cách nhìn nhận, đánh giá của xã hội về văn hóa trở nên thông thoáng, cởi mở hơn song các bạn trẻ cũng cần định hình cho mình thái độ ứng xử với văn hóa ngoại lai một cách đúng đắn, biết “gạn đục, khơi trong” để không biến mình thành “trò hề”.
Cùng đó, gia đình, nhà trường, đoàn thanh niên luôn đồng hành cùng với thanh thiếu niên trong cách giáo dục; sống như Tây nhưng phải phù hợp đồng thời nhận thấy điều hay, lẽ phải của nền văn hóa dân tộc để tự hào với vai trò là chủ nhân tương lai của đất nước.
Bảo Khánh
Ý kiến bạn đọc (0)