Bâng khuâng một tiếng gà trưa
![]() |
Xuyên suốt trong Giọt mùa với 52 bài là thấm đẫm hồn quê, tiếp nối từ hai tập thơ trước “Hẹn em về sông Lục” - 2016, “Chiều trong nỗi nhớ” - 2017. Làng quê trong thơ Đặng Bá Khanh không chỉ là sự vật như cây đa, giếng nước, đình chùa, đồng đất, lũy tre mà còn là hồn cốt, là những gì rất đỗi bình dị, thân thương, gần gũi để làm nên xóm làng thuần Việt khác với phố phường. Là võng quê:
Như là một mảnh trăng vàng
Mắc vào dài rộng mênh mông quê nghèo.
Là khói chiều:
Lam chiều sắc khói mong manh
Lắng trong rơm rạ để thành ca dao
Là tiếng chuông chùa:
Bồi hồi một tiếng chuông rơi
Bóng đa như cũng cất lời hòa âm
Là tiếng gà gáy ban trưa: Bâng khuâng một tiếng gà trưa. Là tiếng ve kêu. Là tiếng kêu kêu cây nứt vỏ. Là câu hò chơi vơi vơi trong đêm tĩnh nặng. Là người mẹ tảo tần, lam lũ trên đồng ruộng, là người cha gánh mùa sau những bão giông, là tình yêu thương, gắn kết của bà con thôn xóm.
Dường như cái gì trong làng quê bình dị cũng rung động trái tim đa cảm trong ông.
Làng quê hôm nay đổi thay đến ngỡ ngàng, đã trở lên trù phú. Ấy là điều tự hào, hạnh phúc. Nhưng làm sao không khỏi chạnh lòng, nuối tiếc, hình ảnh làng quê êm đềm, bình dị xa xưa đã từng in đậm tuổi thơ:
Sáo đen giờ chẳng thấy về
Còn chăng tiếng cuốc tái tê bìa rừng
Nhặt tìm trên đất rưng rưng
Cỏ xanh như cũng ngập ngừng dưới tay
Đặng Bá Khanh kể, tả khá chi tiết về sự vật, sự việc, và có nhiều câu rất gợi, đầy xúc cảm. Ví như:
Tiếng tre vỡ một khoảng chiều
Bờ tre cong một cánh diều chao nghiêng
Ví như:
Đường quê lồi lõm thẳng cong
Chuồn kim vá víu nỗi lòng người xa
Rồi:
Đếm mùa đông bước qua thềm
Nghe tiếng dế gáy ướt mềm giấc khuya
Tác giả thành công ở thể lục bát và chỉ khi viết về những điều thực sự thấm thía, gần gũi. Giá ông biết dừng lại đúng chỗ khi tả, kể mà tăng sức gợi, độ chìm lắng qua câu chữ thì Giọt mùa còn lay động hơn nữa.
Giang Kế Nhân
Ý kiến bạn đọc (0)