Ò ó o
Nó xuất hiện trong thần thoại, cổ tích, ở sự tích xây thành Cổ Loa, ở câu chuyện Tấm Cám, Sọ Dừa… Ấy là con gà đã từng báo động thành sụp đổ; đã cục ta cục tác, cho ta nắm thóc, ta bới xương cho; đã ò ó o, có phải hoàng tử đón cô tôi về… Con gà rực rỡ chễm chệ trong tranh dân gian nổi tiếng Đông Hồ (Bắc Ninh) với đàn con líu ríu. Con gà được người lao khổ mượn tiếng để giãi bày tâm can: Gà kia mày gáy chiêu đăm/ Để chúa tao nằm, tao ngủ chút nao. Gà ơi, đừng gáy bên trái (chiêu), đừng gáy bên phải (đăm), nghĩa là gáy tứ phía, để ông chủ khỏi thức giấc.
Gà hiện diện trong dân ca, ca dao, dân vũ, trong lời ăn tiếng nói. Này đây, thân phận cảnh người cha một mình nuôi con: Gà trống nuôi con. Này đây, hài hước của một cảnh đời, những Gà tơ xào với mướp già/ Vợ hai mươi mốt chồng đà bảy mươi/ Ra đường chị giễu, em cười/ Rằng hai ông cháu kết đôi vợ chồng; những Cưới em có cánh con gà/ Có dăm sợi bún, có vài hột xôi… Một sự thanh minh như khẳng định: Chớ thấy áo rách mà cười/ Những giống gà nòi, lông nó lơ thơ. Một sự hờn giận để tỏ ý ước mong của người con gái: Con gà rừng tốt mã khoe lông/ Chẳng cho đi chọi, nhốt lồng làm chi/ Thầy mẹ ơi, con đã đến thì/ Sao cha mẹ chẳng cho con đi lấy chồng. Nhiều, nhiều lắm tiếng gà vang dậy trong lời ca tiếng hát. Tiếng gà gáy đâu chỉ báo hiệu sớm mai mà còn báo hiệu của một làng quê yên bình. Trong chiến tranh, nhiều khẩu đội pháo phòng không bảo vệ bầu trời miền Bắc, vẫn có đàn gà quẩn quanh. Các chiến sĩ vẫn nuôi gà nhởn nhơ trên miệng hầm. Sự thanh thản, lạc quan đến kỳ lạ. Và đây là nỗi xúc cảm trào dâng của người đứng trên sông Thương giữa thời gian tĩnh lặng của chiến tranh:
Ngỡ bây giờ mới cảm hết quê hương
Tiếng sóng vỗ cần cù, không gian sâu lắng
Ôi muốn khóc sau tiếng gà trưa vắng
Con gà xưa mẹ gọi lúc xuống hầm.
(Trần Anh Trang)
Cũng trong chiến tranh, giữa những năm tháng ác liệt, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm vẫn cảm nhận:
Ngày vui bay trong tiếng gà giòn giã
Buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều hối hả
Ôi tiếng gà đầu năm
Hạnh phúc tròn trong hơi thở
Nồng nàn mùi đất sang xuân
Và đây:
Dù chúng giội hàng ngàn tấm thép
Từng giếng gà vẫn gọi ổ ta nghe
(Ca Lê Hiến)
Viết riêng về tiếng gà, nổi tiếng nhất vẫn là bài “Ò ó o” của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Tác giả bài thơ này khi ấy mới chín tuổi. Bài thơ ảo từ đầu chí cuối. Mà thực, mà rộn rã, phơi phới sức sống, mãnh liệt.
…Tiếng gà
Giục quả na
Mở mắt
Tròn xoe…
Giục bông lúa
Uốn câu
Giục con trâu
Ra đồng
Giục đàn sao
Trên trời
Chạy trốn
Giục ông trời
Nhô lên
Rửa mặt
Ôi bốn bề
Bát ngát
Tiếng gà
Ò ó o
Ò ó o…
Tinh tế. Tinh nghịch. Hóm hỉnh. Vừa rộng, vừa sâu. Vừa cụ thể vừa khái quát. Đúng là thơ của một thần đồng.
Tiếng gà vang động ban mai, báo hiệu bóng tối đã qua, bình minh ngày mới đã tới còn có ý ẩn dụ. Tiếng gà ấy như hiệu lệnh, là phát súng gầm vang, là hồi trống giục giã, là cái mới, cái tốt đẹp đã tới. Trong kháng chiến chống Pháp có một câu ca ở vùng tạm chiếm:
Gà kia đã gáy vang trời
Thằng Tây mày sẽ đi đời nhà ma
Nhiều nhà cách mạng, chí sĩ yêu nước, dưới ách đô hộ của lũ thực dân; đế quốc đã dùng tiếng gà gáy qua thơ văn để kêu gọi thức tỉnh đồng bào vùng dậy đấu tranh.
Con gà thân thương gắn kết với đời sống dân ta nên chẳng có gì lạ khi nó có tên trong chu kỳ sáu mươi năm người Việt. Chắc chắn nó sẽ trường tồn theo lịch sử, và, những chú gà trống oai phong vẫn mãi mãi cất vang gọi bình minh đến…
Ý kiến bạn đọc (0)