Chất lính trong thơ
![]() |
Ảnh minh họa. |
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Chính Hữu với bài thơ Đồng chí không chỉ khắc họa vẻ mộc mạc, giản dị mà còn thể hiện vẻ đẹp lãng mạn, cá tính của người lính:
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”
(Đồng chí)
Trước một Tây Bắc hoang sơ, hiểm trở, người lính Tây Tiến của Quang Dũng vẫn ngời sáng, bay bổng với tư thế hiên ngang làm chủ núi rừng. Trên đường hành quân, họ đi trong mây, trên mây để rồi khi lên đỉnh núi, “mũi súng như chạm tới trời”.
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời”
(Tây Tiến)
Tố Hữu - lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam, bên cạnh những vần thơ mang đậm khuynh hướng sử thi, bản anh hùng ca ca ngợi cuộc kháng chiến, thơ ông cũng có những câu thơ thể hiện vẻ đẹp tinh nghịch của những người lính trẻ trong những giờ phút sinh hoạt:
“Mấy chàng lính trẻ măng tơ
Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi”
(Nước non ngàn dặm)
Có thể nói, trong những năm khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Phạm Tiến Duật là cây bút có nhiều bài thơ thể hiện đậm chất tinh nghịch của người lính Cụ Hồ như: Gửi em, cô thanh niên xung phong; Trường Sơn đông, Trường Sơn tây; Tiểu đội xe không kính…
Dường như trên những ngả đường ra trận, những người lính gặp gỡ những nữ thanh niên xung phong, họ tràn đầy niềm vui, lạc quan cùng sự yêu đời, yêu cuộc sống như đang thách thức bom đạn kẻ thù. Những lời nói bông đùa:
“Có lẽ nào anh lại mê em/ Một cô gái chưa nhìn rõ mặt” và đáp lại lời đùa pha tếu táo ấy là nét trẻ trung hóm hỉnh của những cô gái xung phong:
Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh ở Thạch Nhọn
Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón”
(Gửi em, cô thanh niên xung phong)
Cuộc kháng chiến càng ác liệt, chất tinh nghịch của người lính càng được thể hiện rõ nét. Trường Sơn luôn là điểm bắn phá ác liệt của đế quốc Mỹ, ấy vậy mà chính nơi đây lại là khởi nguồn, cảm hứng để Phạm Tiến Duật viết những vần thơ dạt dào cảm xúc:
“Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
………………………….
Hết rau rồi, em có lấy măng không”
(Trường Sơn đông, Trường Sơn tây)
Mượn hình ảnh Trường Sơn đông, Trường Sơn Tây để nói lên tình yêu lứa đôi của người lính, khoảng không gian ấy càng chứng mình tình yêu của họ. Nhưng đậm nhất, ấn tượng nhất phải kể tới bài thơ Tiểu đội xe không kính. Trong bài thơ này, Phạm Tiến Duật đã khắc họa chất lính, chất tinh nghịch, thêm một chút “ngông” của những anh lính trẻ với bom đạn của kẻ thù:
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi”.
Chính những vần thơ mang đậm chất lính này đã góp phần nói lên vẻ đẹp tâm hồn, niềm lạc quan yêu đời của người lính Cụ Hồ, đồng thời khích lệ, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta để rồi những bài thơ ấy, người lính ấy sống mãi với thời gian, đi cùng năm tháng.
Lương Văn Chính
Ý kiến bạn đọc (0)