Đồi Phủ Yên Thế - nơi khắc ghi truyền thống lịch sử quê hương
Đầu thời Nguyễn, Yên Thế thuộc Phủ Lạng Giang gồm Yên Thế thượng và Yên Thế hạ. Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm nước ta, để thực hiện chính sách đô hộ, chúng cho lập các đồn điền để khai thác thuộc địa và tìm cách chống lại phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế.
![]() |
Biểu diễn võ thuật tại lễ hội Cầu Vồng (Tân Yên). Ảnh Tiến Đạt |
Sau khi chiếm được thành Bắc Ninh, quân Pháp tấn công lên Yên Thế. Tháng 12-1885, Pháp cho xây dựng đồn binh Tỉnh Đạo tại đồi Phủ Nhã Nam. Ngay sau đó Pháp cho lập đạo Yên Thế, lỵ sở đóng tại thành Tỉnh Đạo với mục đích trực tiếp cai quản và đàn áp cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế. Pháp còn cấu kết với bọn địa chủ phong kiến ra sức đàn áp, bóc lột khiến đời sống người dân vô cùng khổ cực.
Không chịu được sự đàn áp của thực dân phong kiến, nhân dân huyện Yên Thế dưới sự lãnh đạo của vị anh hùng dân tộc Đề Thám đã đứng lên làm cuộc khởi nghĩa kéo dài gần 30 năm (1884-1913). Nhiều trận đánh lớn của nghĩa quân diễn ra ở các làng, xã trong huyện khiến giặc Pháp phải thất điên bát đảo.
Những binh sĩ Pháp tử trận được chúng đưa về chôn cất ở Nhã Nam, Vôi và Bố Hạ. Nghĩa địa Tây tại Nhã Nam nằm trên một gò đồi, lúc xây dựng gần Phủ đường Yên Thế là minh chứng cho sức mạnh của nghĩa quân Yên Thế lúc bấy giờ.
Tiếp nối truyền thống đấu tranh yêu nước, hàng loạt cuộc đấu tranh chống thực dân phong kiến liên tiếp nổ ra, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng. Theo Sách địa chí huyện Tân Yên, tháng 9-1944, Ban cán sự tỉnh Bắc Giang quyết định thành lập chi bộ Đảng ở Đồng Điều do đồng chí Hà Thị Quế làm Bí thư.
Ngày 15-4-1945, cứu quốc quân phối hợp với tự vệ Yên Thế đột nhập thắng lợi phủ lỵ Yên Thế tại Nhã Nam. Từ đó phong trào đấu tranh của quần chúng phát triển và lan rộng. Đêm 16, rạng ngày 17-7-1945, lực lượng vũ trang địa phương đánh chiếm Phủ Yên Thế, thành lập chính quyền cách mạng.
Theo sự phân tích của các nhà nghiên cứu lịch sử ở địa phương, đây là trận đánh kỳ lạ, đầy sự sáng tạo. Trận đánh diễn ra nhanh, gọn, bảo toàn được lực lượng và cũng là trận đánh đầu tiên đánh chiếm phủ, huyện giành thắng lợi trong toàn quốc. Trong trận đánh này, lực lượng của ta biết vận dụng cách đánh "mưu phạt tâm công", đánh vào lòng địch.
Ngày 15-7-1945, khi bắt được tên Tri phủ Tưởng Văn Trang, ngay đêm đó, hắn đã bị đưa ra vạch tội trước quần chúng, rồi bị xử tử cùng tên thừa phái. Việc này gây hoang mang cho bọn lính Pháp và tay sai còn lại. Mặt khác ta làm công tác địch vận bằng cách tuyên truyền tên Đội Cương ngả theo Việt Minh nên dễ dàng bắt gọn những tên lính còn lại, thu toàn bộ vũ khí.
Công tác chuẩn bị lực lượng của ta cũng được tiến hành chặt chẽ, có sự phối hợp giữa lực lượng cách mạng với dân quân địa phương. Chiến công Đồi Phủ Yên Thế khẳng định tài nghệ thuật quân sự, bài học, kinh nghiệm chiến đấu của cha ông từ ngàn đời lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, vận dụng cách đánh "mưu phạt tâm công" rất đúng đắn.
Địa điểm Đồi Phủ Yên Thế năm xưa đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá, nơi đây đã và đang là nơi giáo dục truyền thống về nguồn cho thế hệ trẻ. Tiếp nối truyền thống của cha ông, thế hệ con cháu của vùng đất này đã và đang xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)