Điểm hẹn Tháng Tư
![]() |
Dinh Thống Nhất. |
11 giờ 30 phút, ngày 30-4-1975, lá cờ chiến thắng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phấp phới bay trên nóc Dinh Độc Lập. Lá cờ - biểu tượng của khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước. Từ ấy, lá cờ như một điểm hẹn ngày về. Ngày về của những anh giải phóng quân, chiến sĩ biệt động, cô giao liên, nữ du kích, thanh niên xung phong... Ngày về của các má, các chị, các em, cha gặp con, vợ gặp chồng sau đằng đẵng 21 năm trường cầu Hiền Lương như lưỡi dao cắt lòng buốt nhói.
Không chỉ con dân đất Việt vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Cả thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ hòa trong niềm vui của chiến công thần kỳ mang tầm vóc thời đại. Chúng tôi may mắn tham gia trong đoàn quân tiến vào Sài Gòn và chứng kiến phút giây lịch sử không bao giờ quên những ấn tượng khắc sâu trong trái tim, khối óc. Sau này trở thành người làm báo chuyên nghiệp, lần giở lại những trang báo nước ngoài viết về Chiến thắng 30-4 lại thêm một lần sống lại cùng sự kiện lịch sử vô cùng vĩ đại.
Ngày 1-5-1975 báo NewYork Times (Mỹ) đăng bài “Sài Gòn sụp đổ”, với hàng tít lớn chạy suốt tám cột trên trang nhất, kèm theo hàng loạt tin, ảnh về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn và chiến thắng vang dội của các lực lượng cách mạng. Bài báo khẳng định: Ngày 30-4-1975 là ngày “lịch sử của thế giới”.
Còn hãng tin AP (Mỹ) đăng bài viết có đoạn “Xe tăng, xe bọc thép và xe tải ngụy trang của quân Giải phóng tiến nhanh vào Dinh Tổng thống. Cùng lúc, tướng Dương Văn Minh lên đài phát thanh và truyền hình tuyên bố đầu hàng”. Cùng với những tờ báo lớn, các chương trình thuộc ba hệ thống truyền hình Mỹ dành những đoạn phim hiếm hoi mà phóng viên có được về cuộc di tản khổng lồ của người Mỹ, đoàn quân tả tơi giẫm đạp lên nhau tháo thân khỏi Sài Gòn trong ngày 29-4-1975. Truyền hình Mỹ cũng đưa rất đậm tin về giây phút cuối cùng của chế độ bù nhìn Việt Nam Cộng hòa, thay vào đó là chế độ mới tại miền Nam Việt Nam, kể từ đây non sông liền một dải.
Từ đấy, hằng năm điểm hẹn Tháng Tư không chỉ đưa mọi người trở lại chiến trường xưa, về với những địa danh ngời sáng chiến công, mà còn trở lại với những bài học từ chiến tranh đối với công cuộc dựng xây đất nước hôm nay. Năm 2010, kỷ niệm 35 năm Ðại thắng Mùa Xuân, Lễ Thượng cờ được tổ chức tại cầu Hiền Lương, dân ta vui quá, xúc động quá, gọi là Lễ hội thống nhất non sông! Tại Lễ hội thiêng liêng này, tỉnh Quảng Trị đã đón nhận hai nắm đất thiêng và bầu nước từ nguồn Pác Bó và sông Cửu Long. Ðất và nước được gửi về từ Cao Bằng và Hậu Giang. Ðất và nước được dâng lên kỳ đài và đêm ấy hòa vào dòng sông Bến Hải cuồn cuộn sóng.
![]() |
Đua thuyền trên sông Bến Hải trong Ngày hội thống nhất non sông. Ảnh: Văn Sơn -TTXVN |
Chiến thắng 30-4 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng Việt Nam. Chiến thắng 30-4 là chiến thắng của nội lực Việt Nam, của truyền thống văn hóa dân tộc, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế. 30-4 là ngày đoàn tụ, Bắc - Nam vĩnh viễn liền một dải từ địa đầu Lũng Cú đến chót mũi Cà Mau.
Điểm hẹn Tháng Tư còn là điểm hẹn hoà hợp dân tộc. Mỗi gia đình và cả dân tộc sum họp dưới mái nhà Tổ quốc. Hoà hợp dân tộc đã hoá giải xung đột, xoá bỏ hận thù để cả dân tộc cùng nhau bước vào kỷ nguyên mới, xây dựng đất nước mạnh giàu, sánh vai cùng bè bạn năm châu.
Điểm hẹn Tháng Tư còn là điểm hẹn hòa hợp dân tộc. Mỗi gia đình và cả dân tộc sum họp dưới mái nhà Tổ quốc. Hòa hợp dân tộc đã hóa giải xung đột, xóa bỏ hận thù để cả dân tộc cùng nhau bước vào kỷ nguyên mới, xây dựng đất nước mạnh giàu, sánh vai cùng bè bạn năm châu. |
Công cuộc đổi mới đất nước hơn 30 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo ra khỏi chiến tranh trên mình đầy thương tích, nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm 83% trong tổng GDP. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng tăng lên. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển khá nhanh với nhiều công trình hiện đại, tạo diện mạo mới cho đất nước. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, khuyết điểm cần tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Những khuyết điểm, yếu kém kéo dài làm hạn chế sự phát triển, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và bộ máy Nhà nước. Điều đó đã được Nghị quyết Đại hội XII và gần đây là Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII và khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ rõ. Đáng lo ngại là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí...
![]() |
|
|
Viết đến đây tôi chợt nhớ kỷ niệm về một bà má ở vùng ven đô Sài Gòn. Bà kể cho chúng tôi nghe câu chuyện mà bà là nhân chứng, chuyện về một nữ du kích nay đã sang tuổi 70. Tháng 4-1966, tại địa đạo Củ Chi, có một nữ du kích còn trẻ lắm, mới 18 tuổi, đã phát hiện một tốp lính Mỹ cũng còn rất trẻ lọt vào bãi mìn của quân giải phóng. Cô nhìn thấy cảnh lính Mỹ ngồi ngay trên bãi mìn đọc thư nhà cho nhau nghe, cùng xem ảnh người thân và ôm nhau khóc. Vậy là cô du kích trẻ không nỡ nhấn nút phát hỏa. Toán lính thoát chết. Bí mật ấy họ không hề biết. Cũng như nhiều bí mật khác ở xứ sở vô cùng anh hùng và vô cùng nhân hậu này. Thật có lý khi có nhà báo nước ngoài nói rằng, Việt Nam đã chiến thắng kẻ thù bằng sức mạnh văn hóa, bằng lòng khoan dung và nhân hậu.
Thế rồi má kể tiếp câu chuyện của hôm nay. Rằng hôm lâu rồi có anh cán bộ làm chức vụ lớn, thời chiến tranh, anh từng được má nuôi giấu trong hầm bí mật. Má bảo tụi bay bận mải công việc ít tới thăm má, hổng có sao. Má chỉ nhắn gửi một điều, hồi này sao nhiều cán bộ xa dân quá, quan cách quá, động thấy cấp trên thì hai tay xoa tít, còn xuống với dân thì vung tay tới trời, nói bao điều hay ho mà chả làm việc gì tới nơi tới chốn. Đó, dân mất tin là từ chỗ đó. Má cũng không thích gọi những người như má là “người có công”. Công này là công chung của mọi người, của toàn dân tộc. Cứ nói mãi về công lao, về chiến thắng coi chừng té mất.
Những lời gan ruột của má gợi biết bao điều. Một vị tướng trận mạc từng nói, cái khuyết điểm lúc này của chúng ta có khi từng là ưu điểm của ngày hôm qua đấy, ta đã mải mê, đã kéo dài nó quá. Đừng lo kỷ niệm quá linh đình tốn kém, chi phí cho kỷ niệm hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, để làm cái gì, hay là lại vô túi mấy ông lợi ích nhóm.
Cho nên mỗi người hãy đến với điểm hẹn của ngày chiến thắng với niềm tự hào, khát khao và cống hiến. Hãy mang tinh thần “thần tốc, táo bạo” trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào sự nghiệp chấn hưng đất nước hôm nay. Điều ấy thật cần trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chúng ta vẫn nói mộc mạc rằng biết chớp thời cơ, đi tắt và đón đầu. Để không tụt hậu. Để hi vọng làm nên những “chấn động lịch sử” mới!.
Hải Đường
Ý kiến bạn đọc (0)